Du khách phải là trung tâm trong phát triển du lịch

09:46 - Thứ Hai, 17/12/2018 Lượt xem: 6742 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, bằng nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực ngành Du lịch Ðiện Biên đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, bắt kịp với sự phát triển chung của ngành Du lịch và vươn lên trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch vùng Tây Bắc như mục tiêu đã đặt ra thì chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trong đó, đặt khách du lịch làm nhân vật trung tâm để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động sát với nhu cầu, thị hiếu của khách là vấn đề cần được ưu tiên.

 

Du khách tham quan di tích lịch sử Ðồi A1. Ảnh: Văn Thành Chương

Ðể cụ thể hóa mục tiêu của tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mấy năm gần đây nhiều hoạt động văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến các huyện, thị đã được tổ chức quy mô, bài bản, có sức lan tỏa và trở thành hoạt động thường niên; nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng được khôi phục và duy trì. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật, như: Lễ hội Hoa Ban, Sự kiện Hoa anh đào, Lễ hội Ðua thuyền đuôi én, Tết té nước của dân tộc Lào, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông... và một số ngày lễ tết truyền thống của các dân tộc. Những hoạt động như vậy đã tạo được nhiều điểm nhấn cần thiết có tính lan tỏa mạnh, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.

Song song với đó, nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thường xuyên, như: Hội thảo, quảng bá về du lịch Ðiện Biên tại các thành phố lớn; tổ chức cho các doanh nghiệp và cá nhân có hoạt động du lịch tham quan, học hỏi và giao lưu ở các địa phương có ngành du lịch phát triển; giao lưu, hội thảo và ký biên bản ghi nhớ về các hoạt động du lịch với một số tỉnh Bắc Lào... Những hoạt động thiết thực đó bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định để phát triển du lịch về bề rộng. Tuy nhiên, đó là nhìn nhận ở tầm vĩ mô và là các hoạt động chủ yếu của ngành Văn hóa, còn các vấn đề cụ thể để phát triển về chiều sâu và mang tính bền vững thì cần có sự vào cuộc nghiêm túc và nhìn nhận đúng đắn của các cấp, các ngành cùng sự đồng lòng của người dân.

Khi đến du lịch ở bất cứ nơi đâu, điều đầu tiên sẽ gây ấn tượng mạnh đối với du khách chính là quang cảnh đường phố, môi trường sống và thái độ của cư dân nơi đó. TP. Ðiện Biên Phủ là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh và là nơi tập trung nhiều điểm di tích thuộc cụm Di tích đặc biệt cấp quốc gia Chiến trường Ðiện Biên Phủ. Những năm gần đây, cảnh quan môi trường thành phố đã được cải thiện và mang dáng dấp của một đô thị hiện đại. Hệ thống đường phố, cơ sở vật chất phục vụ lưu trú... được xây dựng cải tạo khang trang, sạch, đẹp. Tuy nhiên, điều có thể dễ dàng nhận thấy là trên các trục đường chính, như: đường Võ Nguyên Giáp đoạn từ Khách sạn Mường Thanh đến Sân hành lễ Tượng đài chiến thắng và từ Quảng trường 7/5 đến Ðồi A1 hay dọc trục đường Trường Chinh hai bên vỉa hè đều bị lấn chiếm, không còn chỗ cho người đi bộ.

Ðược biết, từ đầu năm 2017, TP. Ðiện Biên Phủ đã ban hành Kế hoạch số 298 về việc lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ và các phường đã đồng loạt ra quân thực hiện khá quyết liệt. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè lại tái diễn. Ðiều đó tạo nên những hình ảnh không đẹp trong lòng du khách.

Bên cạnh đó, trên các diễn đàn về du lịch, những cụm từ như “chặt chém”, “ép khách”... được du khách sử dụng khá phổ biến để nói về các điểm du lịch ở nước ta. Tình trạng “chặt chém” ở Ðiện Biên không phải là điểm nóng nhưng cũng không phải là không có. Trong dịp Lễ hội Hoa Ban đầu năm nay tôi có nhận được một cuộc điện thoại của 1 bác sĩ hiện đang công tác tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh phản ánh về việc một số người bạn của anh từ Hà Nội lên thăm, khi uống nước ở khu vực Sân hành lễ Tượng đài chiến thắng phải thanh toán 100.000 đồng cho 1 quả dừa, 30.000 đồng cho 1 cốc trà đá. Ðầu tháng 11 vừa qua, tôi cũng đã tự tay trả tiền cho 1 quả dừa với giá 50.000 đồng tại một quán nước trên vỉa hè ở khu vực này. Trong khi đó, giá thông thường ở các khu vực khác trong thành phố chỉ bằng 1/3. Chia sẻ trên mạng xã hội, chỉ  trong một khoảng thời gian ngắn, tôi đã nhận được sự bức xúc của hàng chục trường hợp.

Trao đổi vấn đề này, bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, cho biết: Chúng tôi đã nắm được vấn đề này và tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thì không thể giải quyết triệt để, nhiều khi nhân viên của đơn vị còn bị chủ quán nước đuổi đánh... Chúng tôi đã nhiều lần mời công an phường xuống giải quyết nhưng đây là địa phận giáp ranh giữa 2 phường (Tân Thanh và Mường Thanh) nên việc mời công an cũng gặp không ít khó khăn, giải quyết xong đâu lại vào đấy. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi công văn đề nghị với UBND TP. Ðiện Biên Phủ phối hợp xử lý những trường hợp bán hàng sai quy định tại khu vực này để không tạo ấn tượng xấu với khách du lịch nhưng đến nay điểm vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại.

Trước thềm năm mới 2019 - một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh và hứa hẹn sẽ có sự đột phá về lượng khách đến tham quan, du lịch. Thiết nghĩ, những vấn đề tồn tại cần phải được nhanh chóng xử lý để tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Hơn thế nữa còn là để xây dựng thương hiệu của một thành phố du lịch lịch sử trong những năm tiếp theo. Ðể làm được điều đó, cần có nhận thức đúng đắn và nghiêm túc từ các cơ quan, đơn vị liên quan, sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở chứ không chỉ là trách nhiệm của ngành Văn hóa.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top