Du lịch cộng đồng

Tiềm năng có khó phát triển

09:07 - Thứ Năm, 20/12/2018 Lượt xem: 6514 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là cơ hội để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Tuy nhiên, do thiếu đầu tư chiều sâu nên dù có hệ sinh thái phong phú, các bản, làng đa dạng sắc màu văn hóa truyền thống, quần thể di tích lịch sử và các danh thắng hấp dẫn nhưng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta vẫn chỉ là tiềm năng.

 

Ðội văn nghệ bản văn hóa Phiêng Lơi biểu diễn phục vụ du khách.

Ông Quàng Văn Thương, Bí thư Chi bộ bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên) cho biết: Người dân bản Mển làm du lịch cộng đồng đã nhiều năm nay, nhưng chủ yếu vẫn là phục vụ dịch vụ ăn uống và văn nghệ. Có nhiều đoàn khách nước ngoài muốn ngủ lại bản để trải nghiệm và tham gia các hoạt động, như: Bắt cá, thêu thùa, may đồ thổ cẩm nhưng do bản nằm trong khu vực biên giới, nếu khách nước ngoài ngủ lại sẽ phải mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục hành chính nên đành ngậm ngùi để du khách ra về…

Tương tự bản Mển, Noong Chứn (phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) là bản văn hóa của người dân tộc Thái, thu hút khá nhiều du khách nội địa và quốc tế. Song, du khách đến Noong Chứn mới chỉ để thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn nghệ, còn hình thức du lịch cộng đồng mà bản có khả năng đáp ứng chưa được khai thác. Anh Lò Văn Phong, Trưởng bản Noong Chứn và cũng là một trong những hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại bản, cho biết: Gọi là làm du lịch cộng đồng, nhưng gia đình anh cũng chỉ chủ yếu phục vụ ăn uống, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ do chị em trong bản biểu diễn; du khách đến chủ yếu thông qua người quen giới thiệu hoặc khách tự tìm đến nên lượng khách không thường xuyên. Nhiều đoàn khách có ý ngủ lại nhưng do cơ sở vật chất thiếu thốn nên không thể đáp ứng, chính vì vậy mà hiệu quả kinh tế từ dịch vụ này chưa cao.

Bản văn hóa U Va (xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên) cũng là một trong những nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phục vụ du lịch cộng đồng, nơi đây có nhiều nhà sàn đảm bảo điều kiện cho khách nghỉ ngơi, chỉ cần đầu tư thêm trang thiết bị, tu sửa lại nhà vệ sinh đảm bảo các điều kiện thiết yếu thì có thể phục vụ khách. Gần bản U Va là 3 ngọn núi: Nàng Nòn, Tạo Nòn và Pú Huổi Chọn cùng hai dòng sông: Nậm Rốm và Nậm Núa, những cánh đồng xanh tốt nằm dọc bờ sông đã tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Du khách đến đây có thể đi leo núi, tham gia sản xuất, thu hoạch rau màu, xuống sông đánh bắt cá cùng người dân; khi muốn nghỉ ngơi, du khách có thể đến ngâm mình trong bể tắm nước khoáng nóng tại Khu du lịch sinh thái U Va gần đó... Tuy nhiên, những lợi thế như vậy cũng chưa được đưa vào khai thác. Tâm lý chung của người dân khi tham gia làm du lịch cộng đồng chỉ muốn phục vụ ăn uống, giao lưu văn nghệ gọn nhẹ, không kéo dài thời gian vì cho rằng thực khách ngủ nghỉ tại nhà sẽ làm đảo lộn cuộc sống, bất tiện, do đó vấn đề khai thác du lịch chỉ mang tính nửa vời.

Ðể có thể thu hút du khách đến Ðiện Biên, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch thì Ðiện Biên hoàn toàn có khả năng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, loại hình du lịch homestay tại các bản văn hóa. Ðặc biệt, muốn du lịch cộng đồng phát triển thì điều vô cùng quan trọng là phải giữ nguyên văn hóa bản địa, đó cũng là mong muốn của du khách khi du lịch cộng đồng và cũng cần có định hướng để giúp đồng bào các dân tộc gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống vốn có.

Hồi cuối tháng 11 vừa qua, anh Tống Thanh Hà (Hà Nội) và bạn bè đến Ðiện Biên tham quan du lịch với sự hăm hở, khám phá những nét đặc sắc dân tộc. Tuy nhiên, anh đã không khỏi nuối tiếc, pha lẫn thất vọng vì thấy những chiếc cầu thang bằng gỗ đặc trưng nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc giờ đây đã bị bê tông hóa, hầu hết mái lợp ngói trước kia giờ cũng thay thế bằng mái tôn mang nét hiện đại; trang phục truyền thống của người dân bản địa cũng không được mấy người sử dụng, đa số đã bị lai hóa, không còn nguyên sơ. Trong khi đó, đa số du khách khám phá du lịch cộng đồng muốn trở về thiên nhiên ban sơ, dân dã, với những nét chân chất của người dân bản địa thì nay đã bị mai một.

Ông Phạm Văn Thăng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện nay, đơn vị đang đề xuất những giải pháp để phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại một số bản có đủ điều kiện thuận lợi. Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa, cảnh quan tự nhiên. Vì vậy, để có thể triển khai mô hình này cần sự ủng hộ của nhiều cơ quan ban, ngành liên quan và đặc biệt là sự đồng thuận của chính người dân.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top