Ứng dụng công nghệ để hỗ trợ du khách: Nâng cao chất lượng trải nghiệm

09:12 - Thứ Tư, 26/12/2018 Lượt xem: 6408 In bài viết

“Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” được Chính phủ thông qua ngày 30-11-2018 có thể coi là cú hích quan trọng với ngành Du lịch Việt Nam. Từ đây, có thể hy vọng vào việc thay đổi đáng kể chất lượng trải nghiệm - một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng khách du lịch.

 

Ứng dụng công nghệ thuyết minh tự động tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đã thay đổi nhận thức

Một trong những điểm hạn chế của du lịch Việt Nam đó chính là tính trải nghiệm cho du khách còn ít và những thông tin về điểm đến chưa đầy đủ, thuận tiện. Tại Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam vừa qua, bà Tuyết Vũ, đại diện Công ty Tư vấn toàn cầu Boston cho hay, trong bốn năm gần đây, lượng tìm kiếm về điểm đến du lịch Việt Nam đã tăng khoảng 2 lần. Tuy nhiên, khách đến Việt Nam chỉ tăng khoảng 1,8 lần, doanh thu cũng chỉ tăng 1,5 lần. Điều đó cho thấy, du lịch Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định, thiếu nhiều dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến.

Trên thực tế, các nhà quản lý, doanh nghiệp cũng đã nhận ra vấn đề này. Cách đây không lâu, tại Hội thảo “Ứng dụng giải pháp công nghệ số cho du lịch thông minh tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định, công nghệ đã tiến sâu và đồng hành cùng với sự phát triển của du lịch. Các công ty công nghệ rất chú trọng đến cung cấp các giải pháp cho lĩnh vực du lịch và khi tuyển dụng, trong khi đó các công ty lữ hành cũng chú trọng đến kỹ năng công nghệ thông tin của ứng viên. 

Tại Hà Nội, các đơn vị quản lý và doanh nghiệp du lịch cũng không nằm ngoài cuộc đua công nghệ. Ông Trương Văn Thắng, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Công ty Cung cấp giải pháp công nghệ VR Plus cho biết, công ty đã nhận được nhiều đặt hàng từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp lữ hành. Công ty đang phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng hình ảnh không gian 3 chiều tại nhiều điểm đến ở các quận, huyện, thị xã để phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu. Ngoài ra, công ty đang phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist tạo nên hình ảnh mô phỏng toàn bộ cổng Hoàng thành Thăng Long trước đây.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, cách đây 2 năm, Sở đã cùng Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng Hệ thống du lịch thông minh TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020. Sở cũng đang hoàn thiện các bài thuyết minh mẫu tại các điểm đến du lịch quan trọng bằng nhiều thứ tiếng. Theo đó, chỉ với điện thoại thông minh, khách sẽ tải được bài thuyết minh, giúp giải được bài toán thiếu hướng dẫn viên, khi có quá nhiều đoàn khách tại điểm đến du lịch.

Quận Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên của Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác các điểm đến du lịch, khi đưa vào hoạt động trang “Hoàn Kiếm 360 độ” từ đầu năm 2018. Đây được đánh giá là một trong những trang thông tin quảng bá và hỗ trợ du khách khá đầy đủ, hiện đại. 

Tất cả cùng vào cuộc

 

Khách du lịch trên đường trải nghiệm phố cổ Hà Nội.

Rất tiếc, không phải nơi nào cũng nhận thức hết tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch. Ngay ở Hà Nội, nhiều quận, huyện cũng chưa có trang web riêng về du lịch, dẫn đến khó tiếp cận với các công ty lữ hành và khách. Trong các đợt khảo sát ở các địa phương trên địa bàn Hà Nội do Sở Du lịch tổ chức của năm 2018, vấn đề xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin thường xuyên được đặt ra. Nhiều nơi thiếu trầm trọng về mảng này, nên hầu như không kết nối được với Trang thông tin của Sở Du lịch - nơi được kỳ vọng cung cấp mọi thông tin liên quan đến du lịch Hà Nội cho các doanh nghiệp, du khách, đơn vị quản lý.

Nhìn tổng thể, việc xây dựng trang thông tin du lịch của các huyện không phải là bất khả thi. Vấn đề ở người vận hành, sự đầu tư bài bản của cơ quan có trách nhiệm. Hiện tại, nhiều bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa ở Hà Nội cũng lâm vào tình trạng tương tự. Rõ nhất là chưa ứng dụng bài thuyết minh tự động, một trong những giải pháp công nghệ cơ bản để tạo thuận lợi cho khách tham quan. Còn tại Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh), cán bộ ở đây luôn mong mỏi được cung cấp giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ tối đa du khách.

Việc Sở Du lịch Hà Nội đã hoàn thành nâng cấp, phát triển Trang thông tin du lịch Hà Nội với 2 ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt, kết nối cơ quan quản lý, doanh nghiệp với nhân dân, khách du lịch là bước tiến lớn. Vấn đề là phải có nhiều du khách và doanh nghiệp biết, tìm đến trang thông tin này. Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nhấn mạnh, công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Quan trọng là doanh nghiệp phải có hạ tầng, sự kết nối, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước để áp dụng các thành quả công nghệ hiệu quả nhất. Tại Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng để du lịch Việt Nam tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, khắc phục đáng kể hạn chế về kinh phí quảng bá, xúc tiến.

Để việc ứng dụng công nghệ có thể cải thiện các chỉ số về du lịch Việt Nam, rất cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Chỉ như vậy, “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” của Chính phủ mới thực sự phát huy hiệu quả.
 

Theo “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”, đến năm 2020, ngành Du lịch sẽ phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách tại các địa bàn du lịch trọng điểm những thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến... 

Đến năm 2025, phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với Hệ tri thức Việt số hóa và các mô hình đô thị thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch...

 

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top