Người bản Mển làm du lịch

09:00 - Thứ Năm, 03/01/2019 Lượt xem: 7818 In bài viết

ĐBP - Bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) là 1 trong 8 bản đầu tiên của tỉnh được đầu tư, xây dựng nhà văn hóa và nâng cấp thành bản văn hóa du lịch giai đoạn 2003 - 2010. Ðó là cơ hội để người dân bản Mển tham gia phát triển du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao trình độ dân trí, thu nhập. Ðến nay, sau 15 năm triển khai thực hiện, bản Mển đã quen với cách làm du lịch, tạo được ấn tượng tốt, ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ homestay.

 

Người dân bản Mển tập trung nhặt bỏ những hạt gạo nếp nhỏ, tối màu phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách.

Ðến bản Mển, chúng tôi khá bất ngờ khi thấy đông chị em, kể cả các cụ cao niên ngồi thành vòng tròn phân loại từng hạt gạo nếp. Cạnh đó, anh em cũng đang tất bật, người chẻ lạt, thái nguyên liệu, người tẩm ướp thịt, chất bếp để làm thịt trâu hun khói. Cứ ngỡ đó là sự chuẩn bị cho một đám cưới, hỏi ra mới biết, đây là việc người dân bản Mển thường xuyên làm để chiêu đãi khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm nơi này.

Dẫn chúng tôi tham quan nhà văn hóa, nơi bản tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, ẩm thực, ông Quàng Văn Thương, Bí thư Chi bộ bản Mển cho biết: Không giống các địa phương khác “mạnh ai nấy làm”, người bản Mển làm du lịch cộng đồng theo đúng nghĩa “cộng đồng”, tức là cả bản cùng tham gia. Lợi nhuận thu về được thống nhất rõ ràng: Mỗi mâm cỗ, dù lãi hay không đều phải trích 80 nghìn đồng nhập vào quỹ bản chi cho các hoạt động chung.

Ðể thực hiện tốt công tác phục vụ khách du lịch, bản thành lập Ban Quản lý nhà văn hóa, gồm: Trưởng bản, Bí thư Chi bộ và đại diện các đoàn thể. Mọi hoạt động được phân công rõ ràng, mỗi người mỗi việc, phù hợp với khả năng của từng người; hôm nào ít khách thì chỉ cần vài người phục vụ, hôm nào đông khách đặt cơm, kèm theo các dịch vụ trải nghiệm, giao lưu thì mỗi nhà cử một người tham gia nấu ăn, tiếp khách, hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm thêu dệt thổ cẩm... Ðặc biệt, đoàn viên thanh niên có trách nhiệm quản lý cập nhật trang facebook của bản; trả lời, giải đáp những thắc mắc của du khách; đồng thời quảng bá hình ảnh, con người, ẩm thực dân tộc của bản.

Ðược biết, để tạo ấn tượng tốt đối với mỗi du khách, ngoài thường xuyên đổi mới các món ăn, nâng cao chất lượng phục vụ, mỗi du khách khi đến bản đều được tặng đồ lưu niệm, như: Khăn piêu, túi Thái, thậm chí cả gạo Ðiện Biên. Nâng niu chiếc khăn piêu vừa được người dân bản Mển tặng, bạn Nguyễn Thủy Hương, đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Hương và bạn bè biết đến homestay bản Mển qua facebook. Chuyến đi được đoàn ấp ủ từ lâu, nhưng mãi dịp này mới thực hiện được. Ðoàn có 36 thành viên, mọi người đều rất vui, ấn tượng khi được trải nghiệm bắt cá, làm cơm lam và thưởng thức các món ẩm thực theo phong cách dân tộc Thái - một địa phương mà từ xưa Hương và bạn bè chỉ biết qua ti vi, sách báo. Ấn tượng nhất đối với đoàn là người dân bản Mển rất thân thiện, mến khách, có cách sống dân dã và giữ gìn được nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Thái...

Với cách làm du lịch cộng đồng như bản Mển, không những người dân cả bản đều được tham gia, thêm thu nhập, mà mỗi năm bản Mển còn tạo được nguồn thu cho quỹ bản từ 50 - 60 triệu đồng, có năm thu về 150 - 160 triệu đồng. Nguồn quỹ này được dùng để hỗ trợ các hộ khó khăn vay vốn (không lấy lãi) phát triển sản xuất; động viên, khen thưởng học sinh giỏi; đầu tư tu sửa nhà văn hóa; bê tông hóa đường nội bản; mua sắm một số nhạc cụ dân tộc, hay bát, đĩa phục vụ dịch vụ ẩm thực...

Hiểu rõ ý nghĩa của việc phát triển du lịch văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mỗi người dân bản Mển đều có ý thức tự thay đổi lối sống; chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi. Chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, giữ gìn môi trường sống sạch đẹp; phục dựng một số lễ hội truyền thống để du khách được trải nghiệm. Không chỉ vậy, bản Mển còn chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có nghề thêu dệt thổ cẩm. Nhờ làm du lịch mà đời sống của 138 hộ dân trong bản ngày càng cải thiện với gần 70% hộ khá, không có hộ nghèo. 

Dù đã đạt được nhiều kết quả song bản Mển vẫn còn những khó khăn nhất định trong phát triển du lịch. Theo ông Quàng Văn Thương, khó khăn nhất của bản Mển khi thực hiện dịch vụ homestay là đối với người nước ngoài. Do bản nằm trong khu vực biên giới, nếu khách nước ngoài lưu trú qua đêm, sẽ phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính thông qua Sở Ngoại vụ, Phòng Xuất nhập cảnh (Công an tỉnh), Bộ đội Biên phòng, công an xã... Tất cả những thủ tục này nằm ngoài khả năng của bản. Trong khi đó nhu cầu du lịch homestay đối với du khách nước ngoài là rất lớn. Vấn đề này bản đã ý kiến lên cấp trên, trong các buổi hội thảo, nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Vì thế, du khách nước ngoài khi đến bản Mển, vẫn chỉ dừng lại ở thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn nghệ là chủ yếu.

Du lịch cộng đồng thực sự đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và đời sống người dân bản Mển. Bằng sự đoàn kết, mến khách, sáng tạo trong làm du lịch, bản Mển luôn là điểm đến của du khách khi đặt chân đến Ðiện Biên.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top