Phát triển du lịch từ hệ thống hang động

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

08:50 - Thứ Năm, 10/01/2019 Lượt xem: 7487 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên hiện có 21 di tích được xếp hạng (1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh), trong đó có 7 di tích là danh lam thắng cảnh hang động, gồm: Ðộng Pa Thơm, hang động Chua Ta (huyện Ðiện Biên), hang động Mùn Chung, Há Chớ (huyện Tuần Giáo), hang động Xá Nhè, Khó Chua La, Pê Răng Ky (huyện Tủa Chùa). Song do nhiều nguyên nhân, việc phát triển du lịch từ hệ thống hang động của tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế...

 

Du khách tham quan hang động Há Chớ, xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo). Ảnh: Mai Phương

Trong 7 di tích là danh lam thắng cảnh hang động của tỉnh, tất cả đều nằm trong khu vực núi đá vôi, được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất cách đây hàng triệu năm. Ðến nay các hang động vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ và là những địa điểm lý thú để nghiên cứu lịch sử, địa lý, môi trường sinh thái của di tích, là nơi thỏa mãn niềm đam mê khám phá của những người yêu thiên nhiên, ưa du lịch mạo hiểm.

Vẻ đẹp hoang sơ và những giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, hệ sinh thái của những hang động trên chính là tài nguyên vô giá để tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thực tế, thời gian qua đã có 3 hang động được đầu tư khai thác để phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, di tích danh lam thắng cảnh động Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) và hang động Khó Chua La (huyện Tủa Chùa) đã thi công được một số hạng mục, với dự án xây dựng đường vào và các công trình phụ trợ tại hang động Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) đang được chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế có đủ điều kiện, năng lực hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để lập hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật trình UBND tỉnh xem xét và đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH - TT&DL) thẩm định, cho chủ trương. Ngoài ra, một số di tích danh lam thắng cảnh hang động chưa được đầu tư, tôn tạo song với vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu, khám phá.

Mặc dù được đánh giá có tiềm năng lớn, nhưng đến nay việc phát triển du lịch từ hệ thống hang động trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Trao đổi về thực trạng này, ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phát triển du lịch từ hệ thống hang động gặp khó khăn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng đến các hang động chưa được quan tâm đầu tư, một số hang động đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa nhiều và chưa thực sự hiệu quả. Ngân sách cấp cho việc đầu tư, tu bổ các hang động phục vụ hoạt động du lịch còn hạn chế; chưa thu hút được nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp để khai thác tiềm năng phát triển du lịch; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh có quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ. Trong khi đó, tỉnh chưa thành lập được hiệp hội du lịch nên sự gắn kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện toàn tỉnh chỉ có 1 hang động được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 01/QÐ-UBND ngày 2/1/2013 đó là khu du lịch sinh thái hang động Pa Thơm (huyện Ðiện Biên).

Chính những khó khăn trên đã khiến việc phát triển du lịch từ hệ thống hang động chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Trong hơn 705.000 lượt du khách đến Ðiện Biên năm 2018, số khách đến các hang động tham quan, tìm hiểu, khám phá còn rất ít. Ðiển hình như khu du lịch sinh thái hang động Pa Thơm, mặc dù đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 1/2013 và được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đón khách du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả. Mặc dù đã được quan tâm bố trí nguồn kinh phí 10 tỷ đồng từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa để thực hiện Dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích danh lam thắng cảnh động Pa Thơm; nhưng khi mới đầu tư xây dựng được hệ thống đường bộ đến chân núi, lối vào đến cửa hang, lắp đặt hệ thống đường điện thắp sáng ở trong hang thì dự án phải tạm dừng thi công do thiếu nguồn kinh phí thực hiện. Mặt khác, việc khai thác các loại hình dịch vụ du lịch tại đây chưa chuyên nghiệp và hiệu quả; do chưa thành lập được ban quản lý hang động nên việc tham quan diễn ra tự do, không có người quản lý, bảo vệ. Vì vậy, một số du khách và người dân đã có những hành vi xâm hại, phá hủy di tích như: Bẻ nhũ hoa; viết, vẽ, khắc lên các nhũ đá và hang động, chặt cây, lấy trộm đường điện trong hang... Hệ thống đường bộ đến chân núi được đầu tư nhưng đến nay đã xuống cấp, thêm vào đó lòng đường nhỏ, ảnh hưởng đến thời gian đi lại của du khách.

Với tiềm năng sẵn có, tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng và đã ban hành các nghị quyết, quyết định để phát triển du lịch trong giai đoạn tới. Trong đó, với vẻ đẹp kỳ vĩ, ấn tượng mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho các hang động trên địa bàn hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch đến khám phá, tham quan. Song, để khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch từ hệ thống hang động, theo ông Ðoàn Văn Chì, tỉnh ta phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, phải sớm xây dựng quy hoạch các hang động làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư khai thác phục vụ du lịch; quan tâm trùng tu, tôn tạo hệ thống hang động, như: Làm mới đường đến hang động, tạo bậc, mở rộng cửa ra vào, cải tạo đường đi trong hang, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nhân tạo toàn bộ khu vực hang động... Ðặc biệt, tỉnh phải làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về hệ thống các hang động đến du khách trong nước và quốc tế nhằm xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Ðiện Biên nói chung, xây dựng sản phẩm du lịch các hang động nói riêng, thể hiện được nét đặc trưng và tính hấp dẫn cao.

Song song với đó, chúng ta cũng cần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng hệ thống hang động, nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại di tích; kết hợp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc địa phương, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc, các di tích lịch sử, sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đặc sản của địa phương đến du khách, để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Ðồng thời, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên hướng dẫn tại các điểm di tích, nâng cao trình độ ngoại ngữ, giao tiếp ứng xử nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách khi đến tham quan tại các hang động.

Ðức Linh
Bình luận
Back To Top