Mường Chà xác định hướng phát triển du lịch

08:50 - Thứ Sáu, 11/01/2019 Lượt xem: 8596 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Chà có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Như rừng ban cổ và hệ thống hang động ở các xã Sa Lông, Hừa Ngài, Huổi Lèng và Pa Ham là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách đi các tuyến Nậm Pồ, Mường Nhé, thị xã Mường Lay và tuyến Ðiện Biên - Lai Châu - Lào Cai. Tuy nhiên, những năm qua, việc phát triển du lịch - dịch vụ ở huyện Mường Chà chưa được quan tâm đúng mức nên lĩnh vực này chưa có đóng góp nhiều trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

 

Du lịch văn hóa, cộng đồng để giới thiệu những nét văn hóa các dân tộc trên địa bàn là hướng đi chính trong phát triển du lịch dịch vụ của huyện Mường Chà. Trong ảnh: Thiếu nữ Xạ Phang ở Thèn Pả (xã Sa Lông) thêu giày truyền thống.

Ông Trang A Lử, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Ðể khai thác tiềm năng về du lịch, năm 2017 Huyện ủy, HÐND huyện đã ban hành Nghị quyết về chương trình phát triển du lịch huyện Mường Chà đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; UBND huyện xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để cụ thể hóa nghị quyết. Theo đó, huyện sẽ tập trung xây dựng quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện và chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Huyện Mường Chà sẽ chú trọng đầu tư, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch theo từng vùng, từng khu vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Khu vực xã Na Sang, Mường Mươn tập trung phát triển du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như các trò chơi, lễ hội dân gian của các dân tộc Thái, Khơ Mú; xây dựng sản phẩm dứa thành sản phẩm du lịch của huyện. Khu vực bản Cổng Trời (xã Sa Lông) chú trọng khai thác Lễ hội “Nào Pê Chầu” của người Mông, vẽ hoa văn bằng sáp ong của người Mông đỏ, tạo sân chơi cho du khách vừa trải nghiệm vừa mua sản phẩm. Khu vực Pa Ham, Nậm Nèn phát triển du lịch hang động và tổ chức thường niên Lễ hội “Kin Pang Then” của dân tộc Thái với quy mô cấp huyện gắn với Lễ hội Hoa ban của tỉnh. Cùng với đó, huyện sẽ huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch và tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Mường Chà.

Phát triển du lịch hang động được xác định là một trong những hướng đi chủ lực của ngành du lịch - dịch vụ huyện Mường Chà. Tại xã Pa Ham mới phát hiện quần thể hang động Huổi Cang, Huổi Ðáp với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ, có thể thỏa mãn niềm đam mê khám phá của những người yêu thiên nhiên. Các hang động có chiều dài từ 350 - 1.000m, rộng khoảng 1m, cao khoảng 1,5m và được chia thành nhiều khoang nhỏ. Trong hang có nhiều nhũ đá với hình thù đa dạng, lạ mắt, như: Hình quả chuông, măng đá tua tủa sắc nhọn, hình các con vật… Ðể có cơ sở pháp lý bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị của quần thể hang động, huyện Mường Chà đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập tổ bảo vệ, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với 2 hang động: Huổi Cang, Huổi Ðáp, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại. UBND huyện Mường Chà đã tiến hành lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng quần thể danh lam thắng cảnh hang động cấp quốc gia. Chính quyền xã Pa Ham bố trí người dẫn khách vào trong hang để tham quan, nghiên cứu, tuyên truyền, giới thiệu tới công chúng.

Ông Màng Văn Nơm, Chủ tịch UBND xã Pa Ham cho biết: Sau khi phát hiện hệ thống hang động Huổi Cang, Huổi Ðáp, xã đã báo cáo UBND huyện để có phương án quản lý, bảo vệ. Hiện xã đã thành lập tổ bảo vệ, cử người dẫn đường cho du khách có nhu cầu khám phá hang động và bảo vệ cảnh quan trong hang trong quá trình tham quan. Hy vọng rằng, sắp tới hang Huổi Cang, Huổi Ðáp sẽ được công nhận danh lam thắng cảnh hang động cấp quốc gia, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ðược biết, huyện Mường Chà phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành quy hoạch hạ tầng du lịch, 100% cơ sở lưu trú được thẩm định và xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; hoàn thành đầu tư xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại bản Cổng Trời. Ðến năm 2025, huyện đón từ 5.000 - 10.000 khách du lịch trong và ngoài tỉnh; đến năm 2030, ngành du lịch - dịch vụ sẽ đóng góp từ 5 - 7% tổng thu ngân sách trên địa bàn.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top