Sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang - Ðiện Biên năm 2019

Ðôi điều nhìn lại

09:54 - Thứ Năm, 17/01/2019 Lượt xem: 8342 In bài viết

ĐBP - Vượt xa sự mong đợi, Sự kiện Hoa anh đào - Pá Khoang - Ðiện Biên năm 2019 không chỉ thành công về khâu tổ chức, mà đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng đông đảo du khách tới tham quan, trải nghiệm. Thống kê từ Ban Tổ chức, trong thời gian diễn ra sự kiện và sau sự kiện, trung bình mỗi ngày đảo hoa đón hàng nghìn lượt khách. Nhìn lại kết quả, đã thấy những dấu ấn đậm hơn, điều đó thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của những người làm công tác tổ chức, để xây dựng thương hiệu cho một “sản phẩm” du lịch còn hết sức non trẻ, song cũng còn đó những điều tiếc nuối...

 

Những gian hàng giới thiệu nông sản đặc trưng của địa phương bày ngay trên đảo hoa, tạo thuận lợi hơn với du khách.

Sẽ là khập khiễng khi đem ra ro sánh, song nếu như Lễ hội Hoa ban được đánh giá là đặc trưng, mang đậm văn hóa thuần túy vùng miền Tây Bắc, thì Sự kiện Hoa anh đào lại là sản phẩm ngoại giao độc đáo, từ sự kết hợp giữa văn hóa Tây Bắc (Việt Nam) với đất nước “mặt trời mọc” - Nhật Bản. Chính thức được tổ chức từ năm 2018, song với nhiều lý do khách quan, cho đến năm nay (2019), sự kiện mới thực sự để lại tiếng vang lớn.

Với sự ủng hộ của thời tiết, không chờ đến giờ khai hội, ngay từ sớm ngày 12/1, bến thuyền Nhà khách UBND tỉnh tại hồ Pá Khoang đã náo nhiệt bởi các đoàn người và xe xếp hàng chờ ra đảo. Số thuyền Ban tổ chức chuẩn bị, cũng như của một số cơ sở làm dịch vụ tại đây không đủ phục vụ. Sự ưu tiên được dành cho đại biểu để kịp giờ khai hội. Một bộ phận du khách phải chờ nhiều giờ mới có thể lên đảo. Còn một số đoàn vì mệt mỏi đành ra về. Ngoài sức hút từ công tác truyền thông được đẩy mạnh trước đó, thì một nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế này là do tuyến đường bộ khó khăn nên phần lớn du khách tập trung đi bằng đường thủy.

Bà Phạm Minh Châu, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ðiện Biên, Phó Ban tổ chức sự kiện cho biết: “Theo dự tính ban đầu, thuyền được chuẩn bị phục vụ đại biểu là chính. Còn du khách sẽ đi bằng đường bộ. Tuy nhiên, do nhiều ngày trước đó mưa, tuyến đường bộ mới được san ủi vẫn còn nhiều đoạn sình lầy, nên đa phần du khách chuyển hướng sang đi đường thủy. Song rất may, cơ bản nhu cầu của du khách vẫn được đáp ứng. Và những người đến được đảo hoa đều nhận lại sự hài lòng”.

Năm nay, Ban tổ chức đã “lấy điểm tuyệt đối” khi sự kiện diễn ra đúng thời điểm hoa Anh đào vào độ bung nở. Những thảm hoa hồng rực nổi bật, trải thảm trên nền trời trong xanh, khiến du khách không ngớt xuýt xoa, tán thưởng. Ðây là yếu tố đầu tiên quyết định thành công của sự kiện.

Diễn ra trong vòng 3 ngày từ 11 - 13/1, sự kiện còn thành công khi giới thiệu đến du khách những nét văn hóa đặc sắc nhất của cộng đồng các dân tộc địa phương. Từ những điệu múa tăng bu của đồng bào Khơ Mú; tục giã bánh dày, múa khèn của người Mông; điệu xòe dân tộc Thái... cho đến phiên chợ ẩm thực, với xôi lam, thịt sấy, cá nướng... và đa dạng các sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng miền. Tất cả đều là những nét văn hóa tinh túy góp phần làm nên linh hồn cho sự kiện.

Ðặc biệt, việc đưa vào các không gian trải nghiệm và thưởng thức văn hóa, ẩm thực tại trung tâm đảo hoa, và ngay dưới các gốc Anh đào đã để lại dấu ấn đầy thú vị với đông đảo du khách. Thu hút nhất là không gian thưởng trà theo phong cách Nhật Bản và tiệc rượu Sake - Mông Pê, đây là sự kết hợp hết sức độc đáo giữa văn hóa ẩm thực và văn hóa tinh thần của Tây Bắc (Việt Nam) với Nhật Bản. Nhiều du khách không giấu nổi sự ngỡ ngàng, khi được cảm nhận văn hóa của đất nước mặt trời mọc ngay giữa không gian đậm chất núi rừng Tây Bắc. Còn theo đánh giá của ông Baku Takahashi, Phó Cố vấn trưởng Dự án Jica (Nhật Bản), thì “Không chỉ trồng, mà việc tổ chức được một Sự kiện Hoa anh đào trên đất nước Việt Nam đã chứng tỏ mối quan hệ giữa 2 đất nước Việt - Nhật đang ngày càng trở nên gần gũi, thân thiết. Nhìn từ sự kiện có thể thấy rằng, văn hóa giữa 2 nước có rất nhiều điểm tương đồng. Và việc phát huy được những sự kiện như thế này sẽ càng giúp thắt chặt thêm tình cảm giữa 2 dân tộc”.

Theo đánh giá từ Ban tổ chức, so với năm đầu tiên tổ chức (năm 2018), thì lượng khách đến với sự kiện năm nay tăng đột biến. Công tác chuẩn bị từ tuyên truyền, nội dung, an ninh trật tự, hậu cần đều chu đáo. Nhờ “thiên thời, địa lợi”, các tiểu ban phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, ăn ý, giúp sự kiện diễn ra thành công, an toàn, hài lòng du khách. Song, lẽ ra sẽ trọn vẹn hơn nếu như không có những điều đáng tiếc. Mà tiếc nhất thuộc về những người làm công tác tổ chức. Bởi sự đầu tư công phu như vậy, tâm huyết như vậy, nhưng rào cản về giao thông lại hạn chế lượng khách đến với sự kiện. Ðánh giá dựa trên nhu cầu thì trong 3 ngày chính hội, lượng khách đến với đảo hoa trung bình mỗi ngày có thể lớn tới hàng vạn lượt, song trên thực tế chỉ dừng ở con số hàng nghìn.

Chính vì nhu cầu vẫn còn, dự đoán những ngày sau chính hội du khách vẫn tiếp tục tìm đến đảo hoa để thưởng lãm, ngắm cảnh, do hoa ở đây có thể nở kéo dài trong 2 tháng (từ tháng 1 - tháng 2), nên sau những ngày diễn ra sự kiện, Ban Tổ chức vẫn tiếp tục duy trì các không gian trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và gian hàng nông sản.

Mặc dù vẫn còn những tiếc nuối, song trong suốt thời gian lưu lại trên đảo, đa phần chia sẻ của du khách là họ cảm thấy tiếc nuối hơn là sự thất vọng. Họ mong muốn ở kỳ tổ chức sau, Ban tổ chức sẽ chuyên nghiệp hơn trong việc quan tâm bố trí thêm khu vực vệ sinh, thùng đựng rác... Và nhất là các tuyến đường vào đảo được đầu tư thuận tiện hơn. Ðó là mong mỏi của du khách, đồng thời cũng là chia sẻ của bà Phạm Minh Châu, Phó Ban Tổ chức khi nhìn lại sự kiện. Và lẽ dĩ nhiên, với tiềm lực còn nhiều hạn hẹp của địa phương, thì kết quả trên đã là quyết tâm rất lớn. Chính vì vậy, để nâng tầm sự kiện trở lên chuyên nghiệp hơn thì cần có sự đầu tư bài bản hơn. Mà để nâng tầm được sự kiện, ngoài việc làm cho đảo hoa hấp dẫn và trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong hành trình du lịch Ðiện Biên - Pá Khoang, thì điều trước tiên, thiết nghĩ giao thông phải đi trước một bước!

Hà Linh
Bình luận
Back To Top