Tây Bắc, những gọi mời quyến rũ

09:46 - Thứ Ba, 22/01/2019 Lượt xem: 9281 In bài viết

ĐBP - Với vai trò trưởng nhóm hợp tác “Năm Du lịch Tây Bắc 2018”, ông  Phạm Việt Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh - đã có những thông tin chia sẻ với báo chí, về thành công của năm du lịch Tây Bắc 2018 và cả những gì được coi là tiềm năng, là sản phẩm gọi mời quyến rũ du khách, về miền Tây Bắc hùng vĩ nên nhạc nên thơ...

 

Bến thuyền Huổi Lóng, xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) có sông Ðà chảy qua. Nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch sông nước. Ảnh: Hải Yến

Theo ông Phạm Việt Dũng, tuyến du lịch Tây Bắc xuất phát từ Thủ đô Hà Nội với hành trình dọc 2 bờ sông Ðà theo các quốc lộ: 6 - 279 - 12 - 4D - 70... Ðịa bàn đầu tiên của tour du lịch Hà Nội - Tây Bắc bắt đầu từ tỉnh Hòa Bình với các thạch động kỳ thú: Thác Bờ, hang Rết, Hoa Tiên, vùng rừng nhiệt đới nguyên sinh Pù Noọc mở ra những tuyến du lịch mạo hiểm leo núi, đi bộ, săn bắn, tắm suối. Văn hóa Hòa Bình được giới khảo cổ học chính thức công nhận từ ngày 30/01/1932, sau khi được Ðại hội các nhà Tiền sử Viễn Ðông họp tại Hà Nội thông qua, theo đề xuất của bà Madeleine Colani. Khởi thủy, cụm từ “Văn hóa Hòa Bình” được dùng để nói về nền văn hóa ghè đẽo (kỹ thuật tạo tác) trên những hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới. Nhìn tổng quát, Văn hóa Hòa Bình thuộc thời đại Ðồ đá cũ sang Ðồ đá mới (cách ngày nay khoảng 34.100 năm, kéo dài đến 2.000 năm trước Công nguyên). Năm 1923, nhờ những người hướng dẫn viên bản địa, bà Madeleine Colani khám phá được một số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá, tại một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong mấy năm liền sau đó, bà liên tục khám phá thêm 12 hang động trong vùng Hòa Bình, khai quật được một số lượng di vật nhiều hiếm thấy. Tại hội nghị “60 năm sau Hoabinhian” tổ chức tại Hà Nội, các nhà khảo cổ học thống nhất quan điểm về thuật ngữ Văn hóa Hòa Bình được xem như một khái niệm để chỉ một nền văn hóa có cùng một kỹ thuật chế tác.

Tạm biệt Hòa Bình để tới Sơn La, nơi các nhà khảo cổ học đã tìm thấy vô vàn những di chỉ khảo cổ thời đại đồ đá cũ. Theo ý kiến các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam: Lòng hồ sông Ðà là nơi ẩn chứa mật tập những di chỉ thời cổ đại, cũng như các dấu tích văn hóa thời cha ông ta dựng nước. Bằng chứng thuyết phục nhất là bộ sưu tập rìu đồng, cùng với 27 trống đồng từ thế hệ Heger I đến Heger IV. Ðiều thú vị và ly kỳ nữa là tại khúc sông Ðà xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn chục khối đá mà trên đó khắc những đường nét như bản đồ, những hình hoạ trang trí và các ký tự bí ẩn. Tại xã Mộc Thượng (huyện Mộc Châu), có một ngôi chùa với 68 pho tượng. Ðiều khác lạ là trong số đó có 65 tượng bằng đồng, 2 tượng bằng thiếc và 1 tượng bằng ngà voi. Cũng tại địa bàn thành phố Sơn La, còn đó bút tích của vua Lê Thái Tông trên đường chinh phạt năm 1440. Ðặc biệt phải kể đến Nhà ngục Sơn La, nơi thực dân Pháp đã giam cầm và tra tấn hàng nghìn chiến sĩ cách mạng tiền bối trước khi nổ ra Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Du lịch sông Ðà, một trải nghiệm thú vị. Ảnh: Thúy Liễu

Qua đèo Pha Ðin lịch sử là tới Ðiện Biên. Cùng với quần thể di tích lịch sử quốc gia Chiến trường Ðiện Biên Phủ, là di tích hang Thẩm Púa mà không phải ai cũng biết đến tận ngọn nguồn. Ông Ðoàn Văn Hợp - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo - cho biết: Nơi đây, tháng 1/1954, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp từng đóng bản doanh tạm thời trước khi Bộ chỉ huy chiến dịch chuyển vào Nà Tấu, rồi tiếp đến Mường Phăng. Tại huyện Ðiện Biên, khu du lịch khoáng nóng U Va được xác định là địa chỉ khảo cổ học, với việc chỉ riêng một xã Noong Luống đã phát hiện 5 trống đồng cổ; ngoài ra còn có các mẫu thóc hóa thạch, lưỡi cày... chứng minh cho lịch sử lâu đời của cây lúa nước và nghề trồng lúa nước của cư dân cổ Mường Thanh. Thành Bản Phủ, tháp cổ Mường Luân, tháp cổ Chiềng Sơ và nhất là hang đá với các pho tượng đá trên núi Mường Lói (huyện Ðiện Biên), đã gián tiếp khẳng định sức hấp dẫn cho loại hình du lịch lịch sử - hang động Ðiện Biên.

Với tỉnh Lai Châu, ngoài bia Lê Lợi (di tích lịch sử cấp quốc gia) và dinh thự Ðèo Văn Long (di tích cấp tỉnh), Bảo tàng tỉnh  còn thống kê được hơn chục di chỉ khảo cổ thuộc thời đại đồ đá đến thời đại kim khí. Trước kia bia Lê Lợi nằm bên vách đá tả ngạn sông Ðà trên đường đi huyện biên giới Mường Tè. Bên cạnh giá trị về mặt văn học, sử học, tấm bia còn như một bằng chứng hùng hồn về chủ quyền cương vực nước ta. Cách đây gần 4 thập kỷ, bia Lê Lợi được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và là một trong ba di tích lịch sử của tỉnh Lai Châu cũ (Quyết định số 10/QÐ-VHTT ngày 09/02/1981, của Bộ Văn hóa - Thông tin). Tên gọi phường Lê Lợi và nay là xã Lê Lợi, có xuất xứ từ đấy. Tỉnh Lai Châu có động Tiên Sơn được xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia, động nằm trên địa bàn xã Bình Lư của huyện Tam Ðường. Trong động có hàng nghìn nhũ đá lấp lánh đủ mọi hình khối cho du khách thoả trí tưởng tượng; nổi bật nhất là Cột đá thề, sân Rồng, bậc Tình ái và thềm Mỹ nữ. Di chỉ khảo cổ hang Nậm Tun (huyện Phong Thổ), nằm trong số những hang động được khám phá sớm nhất ở Tây Bắc.

Với tỉnh Lào Cai, đã từ lâu du khách biết đến các công trình văn hóa tâm linh, như đền Mẫu, đền Thượng, đền Bảo Hà, đền Lũng Nhai... Lâu đài Hoàng Yến Chao là một công trình kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa cả phong cách đài các phương Ðông lẫn tư duy mỹ học phương Tây. Thực ra đây là một pháo đài phòng thủ, có hệ thống lô cốt, tháp canh và thành luỹ kiên cố xây toàn bằng mật mía. Tiếc là công tác bảo quản không thật chu đáo, nên đã từ lâu công trình này không còn được nguyên vẹn. Từ thời Hùng Vương dựng nước, người Việt cổ đã có mặt ở Lào Cai; trong con dấu hành chính của Pháp, danh từ riêng Lào Cai được khắc là Lào Kay. Tại huyện Bát Xát có động Mường Vi đẹp mê hồn với những hình thù kỳ ảo, xung quanh tượng Phật chắp tay ngồi thiền là các nàng tiên đang lả lướt như muốn bay lên. Ðiều cuốn hút nhất là khi ta gõ vào bất kỳ chỗ nào của thạch động, đều khe khẽ ngân lên những âm thanh bổng trầm, đắm đuối như tiếng đàn đá Tây Nguyên.

Trong số 6 tỉnh Tây Bắc, Yên Bái là nơi mà các di tích lịch sử - văn hóa xuất hiện nhiều nhất và cũng đa dạng nhất. Về đền có đền Ðông Cuông, đền Tuần Quán, đền Gia Quốc Công... về chùa có chùa Hắc Y, chùa Bách Lẫm... lại có đồn Nghĩa Lộ và nhất là khu di tích mộ nhà yêu nước Nguyễn Thái Học tại thành phố Yên Bái. Mộ Nguyễn Thái Học đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, được dựng đúng nơi mà ông và 16 chiến sĩ cách mạng bị giặc Pháp xử chém sau cuộc Khởi nghĩa Yên Bái tháng 2/1930. Hồ Thác Bà không chỉ là một thắng cảnh ngoạn mục, mà còn là một di tích cách mạng quan trọng qua nhiều thời kỳ lịch sử của dân tộc. Tại đây, năm 1285, đã diễn ra trận đánh trời long đất lở do tướng quân Trần Nhật Duật thống lĩnh đại binh, phá tan mấy chục vạn quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững cõi bờ giang sơn Ðại Việt. Thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, một bộ phận cơ quan Trung ương Ðảng đóng quân bí mật giữa lòng hồ.

Có thể nói trên địa bàn Tây Bắc, hệ thống các hang động, chùa chiền, các di tích lịch sử - văn hóa... dẫu không thật nhiều, nhưng nhìn chung còn hoang sơ hoặc mới chỉ tạm thời được khám phá bước đầu. Chính đấy là yếu tố hấp dẫn thu hút trí tò mò và ưa mạo hiểm của du khách. Chúng ta có các công ty - doanh nghiệp về xây dựng, về khai khoáng, về trồng rừng... thì hoàn toàn có thể có các công ty - doanh nghiệp về thăm dò, khai quật và phục dựng các di chỉ khảo cổ lắm chứ? Sắp tới, trong khuôn khổ “Năm Du lịch Tây Bắc 2019”, mong sao những tiềm năng du lịch lịch sử - văn hóa trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc sẽ được đánh thức và phát huy, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất cho các tỉnh trong khu vực...

Thúy Liễu
Bình luận
Back To Top