Homestay - mô hình du lịch không lạ nhưng cần làm mới

09:06 - Thứ Năm, 28/02/2019 Lượt xem: 7634 In bài viết

ĐBP - Câu chuyện về người dân trực tiếp làm du lịch không còn mới lạ ở tỉnh ta bởi từ lâu nhiều bản văn hóa du lịch đã được định hướng, đầu tư phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay các bản văn hóa du lịch chưa khai thác được hết lợi thế, vì thế mô hình du lịch cộng đồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh có 2 homestay được mở mới với sự đầu tư quy mô, bài bản và chuyên nghiệp, tạo kỳ vọng khởi sắc cho du lịch cộng đồng, góp phần níu chân du khách khi đến Ðiện Biên.

 

Du khách quốc tế trải nghiệm ném còn tại homestay Phương Ðức, bản Che Căn, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên).

Tiềm năng có, khai thác chưa hiệu quả

Homestay là một trong những hình thức du lịch cộng đồng theo hướng khách du lịch đến lưu trú, khám phá, tìm hiểu văn hóa, cùng làm, cùng sống và trao đổi trực tiếp với người dân bản địa, mang lại góc nhìn gần gũi và thực tế về mảnh đất, con người. Mô hình mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương khi người dân trực tiếp tham gia, tăng thu nhập từ các hoạt động du lịch. Với thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng những phong tục tập quán độc đáo và đa dạng, Ðiện Biên có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, trong đó bao gồm cả hình thức homestay. Khai thác tiềm năng này, năm 2003, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án tổ chức xây dựng bản văn hóa du lịch để phục vụ du khách tham quan với 8 bản ban đầu thuộc huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ. Nhưng đến nay sau 16 năm quy hoạch, đầu tư phát triển, toàn tỉnh mới có 10 bản văn hóa du lịch có khả năng đón tiếp khách, nhưng sản phẩm du lịch cộng đồng chủ yếu chỉ là 2 hình thức cơ bản thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ. Mặc dù đã từng được đầu tư cơ sở vật chất và tập huấn đón tiếp khách lưu trú nhưng hầu hết các bản không duy trì được dịch vụ này.

Ông Ðặng Minh Phương, Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định: Tỉnh ta chưa phát triển được du lịch cộng đồng vì chưa kết nối được nguồn cung khách du lịch ổn định. Nếu hợp tác được với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch; họ cho biết khách của mình cần gì, thích gì để đầu tư đúng hướng mới có thể duy trì, phát triển. Không chỉ yếu tố đó, đúng như tên gọi loại hình du lịch này còn cần sự tham gia tích cực của cộng đồng nhưng người dân các bản văn hóa lại chưa thực sự quan tâm. Tại bản Him Lam 1, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ), Trưởng bản Lường Văn Chựa cho biết: “Vì không có khách thường xuyên nên các hộ dân ban đầu đăng ký tham gia đón khách lưu trú đều không mấy mặn mà, có tâm lý ngại làm và không muốn nhận khách. Thỉnh thoảng có khách đặt vấn đề lưu trú, đặc biệt là vào mùa lễ hội, tôi phải giới thiệu sang một số cơ sở khác”. Liên hệ các bản văn hóa du lịch tiêu biểu khác cũng tương tự, bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên), Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ) đều không nhận khách lưu trú.

Không chỉ người dân không mặn mà, thực tế sau thời gian trải nghiệm tại các bản văn hóa cũng không để lại nhiều ấn tượng đặc biệt đối với du khách bởi dịch vụ còn sơ sài, thiếu tính chuyên nghiệp. Minh chứng là số lượng khách có nhu cầu lưu trú homestay tại các bản văn hóa rất ít, không đáng kể so với lượng khách đến giao lưu ẩm thực, văn nghệ tại bản và tổng số khách đến Ðiện Biên. Cản trở lớn nhất đối với mô hình dịch vụ du lịch này chính là sự tham gia của người dân, cộng đồng địa phương không tích cực, còn thụ động, phó mặc theo kiểu khách đến thì tiếp, “có sao dùng vậy” không học hỏi, nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa dịch vụ và cách thức phục vụ. Ðể mô hình du lịch này phát triển xứng với tiềm năng cần sự thay đổi và đầu tư bài bản.

Kỳ vọng từ những mô hình bài bản

Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên khai trương 2 mô hình du lịch cộng đồng Homestay Phương Ðức (bản Che Căn, xã Mường Phăng) và Homestay Mường Then (bản Ló, xã Thanh Luông). Cả 2 mô hình đều được khảo sát kỹ càng, các chuyên gia về du lịch cộng đồng tư vấn, định hướng thiết kế và tổ chức đi vào hoạt động theo hướng chuyên nghiệp. Không chỉ là nơi lưu trú, thưởng thức  ẩm thực cho khách du lịch, 2 mô hình này còn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thực tế về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, sản xuất nông nghiệp, đời sống tinh thần, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái bản địa. Nhiều hoạt động độc đáo được xây dựng cho khách trải nghiệm như: các trò chơi dân gian dân tộc Thái, múa xòe, nhảy sạp, đi xe trâu, đi xe đạp thong dong ngắm cảnh bản làng, tham gia cấy lúa, thu hoạch lúa, trồng rau… Về mặt tuyên truyền cả 2 mô hình đều rất chủ động từ tranh thủ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh nhà đến các kênh mạng xã hội được quan tâm rộng rãi như Facebook.

Riêng đối với điểm du lịch cộng đồng bản Che Căn, Homestay Phương Ðức được Tổ chức Action on Poverty và Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật nâng cấp 2 ngôi nhà sàn, xây dựng các công trình phụ trợ, mua sắm trang thiết bị đáp ứng phục vụ 40 - 50 khách; chủ hộ được đi tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm hoạt động homestay tại các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La. Trung tâm còn cam kết giới thiệu, đưa khách đến cho cơ sở. Còn Homestay Mường Then được định hướng, có sự hỗ trợ bởi Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), xây dựng trên khu đất rộng 6.000m2, khuôn viên được phối cảnh hài hòa với thảm cỏ, vườn hoa, dòng suối, cọn nước… Khu vực lưu trú bao gồm 2 nhà sàn Thái truyền thống với không gian đầm ấm, thân thiện, 4 khu nhà bungalow và 2 phòng nghỉ phục vụ những du khách muốn có không gian thư giãn riêng.

Từ khi Homestay Phương Ðức chính thức đi vào hoạt động (cuối tháng 11/2018) đã đón tiếp 5 đoàn khách cả trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, lưu trú. Tuy được khảo sát cẩn thận, tiến hành bài bản nhưng khi triển khai mô hình vẫn gặp một số khó khăn như: chủ hộ không có kinh phí đầu tư, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Và quan trọng hơn cả là sự tham gia của chính quyền địa phương, các bên liên quan và cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch để hưởng lợi từ các hoạt động này vẫn còn mờ nhạt. Mặc dù được đề cao, khuyến khích nhưng chính quyền và người dân tại địa bàn vẫn chưa thực sự vào cuộc, mới coi đây như hình thức kinh doanh cá nhân của hộ gia đình.

Nhằm thúc đẩy mô hình dịch vụ du lịch này phát triển, ngành Du lịch tỉnh đã có nhiều hoạt động quảng bá, kết nối, mời các doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát tại các mô hình. Mới đây nhất, ngày 5/2 (mùng 1 Tết Nguyên đán), Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tổ chức chúc tết và tặng quà khách du lịch quốc tế lưu trú tại Ðiện Biên trong dịp Tết. Như tổ chức tham quan, tìm hiểu cuộc sống, phong tục đón tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc tại Homestay Phương Ðức cho gia đình du khách người Mỹ. Chương trình đã mang đến trải nghiệm thú vị, để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn bước đầu nhưng Homestay Phương Ðức và Mường Then đang được vận hành hoạt động tương đối hiệu quả, được kỳ vọng trở thành mô hình mô phạm để người dân thấy được lợi ích kinh tế - xã hội từ loại hình du lịch này, từ đó chung tay và tham gia có trách nhiệm, nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Ðược biết, Trung tâm Phát triển cộng đồng dự kiến đến năm 2020 hỗ trợ xây dựng 10 mô hình homestay trên địa bàn tỉnh, giúp người dân sống được từ nghề du lịch và nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng, môi trường, cảnh quan, nét đẹp truyền thống nơi mình sinh sống. Với sự tham gia của các đơn vị có chuyên môn, càng thêm tin tưởng mô hình du lịch cộng đồng, loại hình homestay sẽ ngày càng phát triển, có sức hút và níu chân du khách khi đến Ðiện Biên.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top