Làm mới để níu chân du khách

09:39 - Thứ Sáu, 15/03/2019 Lượt xem: 7318 In bài viết

ĐBP - Du lịch Ðiện Biên từng được đánh giá là có tiềm năng, lợi thế nhưng sản phẩm, dịch vụ còn nghèo nàn, khó níu chân du khách. Dần khắc phục hạn chế đó, những năm gần đây du lịch tỉnh nhà được quan tâm, đầu tư, làm mới không chỉ bởi chính quyền địa phương, ngành chức năng mà còn có sự tham gia chủ động, sáng tạo của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn.

 

Du khách tham quan di tích đồi A1. Ảnh: Nguyễn Hiền

Sau 5 năm tổ chức thường niên, Lễ hội Hoa Ban Ðiện Biên đã khẳng định được “thương hiệu” là hoạt động văn hóa, du lịch nổi bật vùng Tây Bắc, góp phần quan trọng thu hút, làm tăng lượng khách đến với Ðiện Biên hàng năm. Ðể lễ hội giữ được “nhiệt”, các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội phải đặc sắc, đặc trưng và gắn liền với mảnh đất, con người bản địa mà vẫn có sự mới mẻ, không nhàm chán. Với mục tiêu đó, ban tổ chức lễ hội đã nghiên cứu, chọn lựa, tổ chức nhiều hoạt động mới có sức lôi cuốn đối với du khách. Có thể kể đến như: năm 2017, lần đầu tiên nội dung thi đẩy xe đạp thồ được thêm vào khuôn khổ lễ hội; cuộc thi Người đẹp hoa ban mở rộng không giới hạn thí sinh trong tỉnh được tổ chức 2 năm 1 lần. Và đặc biệt Lễ hội Hoa ban 2019 có thêm hoạt động mới là Phiên chợ vùng cao, tái hiện những phiên chợ đa sắc màu cùng sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Ông Phạm Văn Thăng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh - đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai hoạt động này, cho biết: Phiên chợ vùng cao diễn ra tại khu vực Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ (hầm Ðờ-cát), với thời gian từ 13 - 18/3, nhằm mục đích mở rộng không gian lễ hội, tạo thêm nhiều trải nghiệm cho người dân và du khách. Từ đó tạo ấn tượng, thu hút, níu chân khách thập phương khi đến Ðiện Biên vào những ngày tháng 3 lịch sử. Bởi vậy phiên chợ không chỉ mua và bán mà được xây dựng tổng hợp rất nhiều hoạt động, bao gồm: ẩm thực truyền thống; trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm nông nghiệp; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống; biểu diễn dân ca, dân vũ, trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc; trò chơi dân gian các dân tộc; khu vực thi hót chim họa mi, vành khuyên, chào mào. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và du khách từ khi bắt đầu triển khai, tuyên truyền.

Không chỉ lôi cuốn khách thập phương bằng các sự kiện mà lợi thế sẵn có về du lịch lịch sử cũng được khai thác tích cực, hiệu quả. Hệ thống di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ thường xuyên được cải tạo, sửa chữa kịp thời các hạng mục bị xuống cấp. Ðơn vị quản lý trực tiếp là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ chú trọng xây dựng cảnh quan di tích văn minh, lịch sự, xanh, sạch, đẹp, với khuôn viên nhiều loại hoa, phong lan, cây cảnh đẹp mắt; hệ thống trưng bày bảo tàng được chỉnh lý, bổ sung nhiều hiện vật phong phú; đội ngũ thuyết minh viên thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ. Ðặc biệt tuyến tham quan một số điểm di tích được thêm vào nhiều hoạt động trải nghiệm, tái hiện lịch sử, phục vụ tối đa nhu cầu khách tham quan, như: nấu cơm bằng bếp Hoàng Cầm, đẩy xe đạp thồ chở trọng lượng nặng tại đồi A1, Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Ðã có điểm đến cùng những sự kiện đầy sức hút (Lễ hội Hoa ban, Sự kiện Hoa anh đào), để khách quay lại nhiều hơn 1 lần và kéo dài thời gian lưu trú còn cần một yếu tố quan trọng đến từ phía các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn tham gia lĩnh vực du lịch. Ðó là sự phục vụ tận tâm, nhiệt tình cùng các dịch vụ “đáng đồng tiên bát gạo”. Thời gian gần đây, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đã chủ động làm mới mình, không ngại đầu tư lớn để tạo ấn tượng, mang lại sự thoải mái, hài lòng cho du khách. Như hệ thống Nhà hàng Dân tộc quán - Homestay Mường Then của gia đình chị Lò Thị Tuyến. Cả nhà hàng và homestay đều được xây dựng trên không gian rộng với sức chứa lưu trú 150 khách/ngày, phục vụ ẩm thực 200 mâm/ngày; bố trí nhiều tiểu cảnh mang lại sự thư giãn và bắt mắt cho khách đến ăn, nghỉ; xây dựng nhiều chương trình để khách trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống người dân bản địa. Số lượng nhân viên phục vụ đông với phương châm luôn thân thiện, tạo cảm giác thoải mái để khách nhớ đến dài lâu. Với sự chuyên nghiệp và đề cao chất lượng dịch vụ, những cơ sở như vậy đã và đang góp phần tạo nên những chuyến du lịch trọn vẹn, đáng nhớ cho du khách và níu chân du khách khi đến với Ðiện Biên.

Anh Nguyễn Khắc Tuấn, du khách đến từ Hà Nội đã 2 lần lên tham quan, trải nghiệm tại Ðiện Biên, lưu trú tại Homestay Mường Then, chia sẻ: Ðến Ðiện Biên, ngoài các di tích lịch sử rất nổi tiếng, điều làm tôi ấn tượng đó là ẩm thực và văn hóa dân tộc Thái. Những món ăn có hương vị đặc trưng mà trước đây tôi chưa từng thưởng thức với cách chế biến độc đáo khiến tôi yêu thích và thực sự bị “choáng ngợp”. Cùng với đó là không khí trong lành, thoái mái, nên thơ, con người thân thiện, không còn sự ngột ngạt của thành phố. Tất cả những điều đó đã khiến tôi muốn kéo dài chuyến đi tại mảnh đất này.

Những năm gần đây, mục tiêu thu hút và níu chân du khách khi đến với Ðiện Biên đạt được khá khả quan thông qua số lượng du khách và thời gian lưu trú tăng lên hàng năm. Cụ thể so sánh năm 2017, Ðiện Biên đón khoảng 600.000 lượt khách (tăng 25% so với năm 2016), số ngày lưu trú bình quân đạt 2,4 ngày/người. Sang năm 2018, Ðiện Biên đón hơn 705.000 lượt khách, số ngày lưu trú bình quân đạt 2,5 ngày/người. Với đà phát triển này, cùng sự tham gia tích cực của nhiều thành phần trong lĩnh vực du lịch, hy vọng du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top