Kỳ vọng phát triển du lịch Tủa Chùa

08:34 - Thứ Hai, 08/04/2019 Lượt xem: 8764 In bài viết

ĐBP - Huyện Tủa Chùa được các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó nổi bật là 2 hình thức du lịch sinh thái và văn hóa. Những năm qua, huyện Tủa Chùa đã tập trung nguồn lực đầu tư duy trì và phát triển các loại hình dịch vụ; tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch; liên kết với các công ty lữ hành để đưa khách du lịch đến với Tủa Chùa...

 

Chợ phiên vùng cao - Một sản phẩm du lịch đặc sắc của Tủa Chùa. Trong ảnh: Một góc chợ phiên Xá Nhè. Ảnh: Phạm Trung

Du khách đến Tủa Chùa có thể trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực và văn hóa của cộng đồng 7 dân tộc: Mông, Thái, Kinh, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá. Trong hành trình khám phá Tủa Chùa, khách du lịch sẽ được hòa mình vào các phiên chợ vùng cao tại 2 xã: Xá Nhè và Tả Sìn Thàng. Nơi đây hội tụ đủ màu sắc của các dân tộc trên địa bàn, là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa là những đặc sản “cây nhà lá vườn” như: lợn cắp nách, các loại rau, nếp nương, rượu Mông pê, dê núi đá, cá sông Ðà, gà đi bộ, chè cổ thụ... Ðặc biệt, đến với chợ phiên Tả Sìn Thàng, du khách sẽ được khám phá chợ trâu duy nhất của tỉnh Ðiện Biên. Mỗi phiên chợ, hàng trăm con trâu, nghé béo tốt, khỏe mạnh được người dân lựa chọn dắt tới phiên chợ để chào hàng các thương lái. Không đơn thuần là nơi trao đổi hàng hóa, phiên chợ vùng cao còn là nơi người dân giao lưu, thăm hỏi nhau sau những ngày lao động vất vả trên nương; là nơi tìm hiểu, chọn bạn đời của những chàng trai, cô gái.

Tủa Chùa hấp dẫn du khách ưa mạo hiểm, phiêu lưu, khám phá thiên nhiên bởi hệ thống hang động kỳ vĩ. Huyện đã có 3 hang động được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia: Hang động Xá Nhè và Khó Chua La (xã Xá Nhè); hang động Pê Răng Ky (xã Huổi Só). Nằm ở độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, các hang động được hình thành do biến động địa chất cách đây hàng triệu năm, bao bọc xung quanh là hệ thống rừng tái sinh tạo nên quần thể sinh thái đẹp hoang sơ. Từ trung tâm huyện ngược lên các xã phía Bắc, du khách tham quan bãi đá cổ Tả Phìn; leo núi, cắm trại tại rừng thông rộng 47ha ở xã Trung Thu. Ðiểm đến cuối cùng là xã Sín Chải. Ở đây, du khách được tham quan, khám phá rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, được trải nghiệm hái chè, tự tay sao chè và thưởng thức những chén nước chè thơm phức, đậm đà hương vị núi cao. Bên cạnh đó, từ khi công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành, mực nước lòng hồ dâng cao tạo cảnh quan du lịch sinh thái hấp dẫn. Du khách đến đây có thể du ngoạn lòng hồ ngắm cảnh sắc thiên nhiên và tham quan các mô hình nuôi cá lồng, trải nghiệm đánh bắt thủy sản cùng người dân.

Nhằm góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời tạo đà cho phát triển du lịch, những năm gần đây, huyện Tủa Chùa đã tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch qua các lễ hội của tỉnh: Lễ hội Hoa Ban; ngày hội Văn hóa thể thao các dân tộc tỉnh Ðiện Biên; tham gia trưng bày tại các hội chợ thương mại được tổ chức tại Trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ. UBND huyện đã tổ chức cuộc thi sáng tạo logo, hình ảnh đại diện cho du lịch Tủa Chùa thu hút hàng trăm người tham gia; các sản phẩm nông sản chất lượng được quan tâm về bao bì, nhãn mác...

Tín hiệu vui cho Tủa Chùa là ngành Văn hóa, thể thao và Du lịch du lịch tỉnh phối hợp với các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu tổ chức khảo sát, xây dựng tuyến du lịch đường thủy trên sông Ðà. Tủa Chùa là một trong những điểm dừng chân trong hành trình đó. Nếu tuyến du lịch được hình thành sẽ là cơ hội để du lịch Tủa Chùa chuyển mình.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể phát triển du lịch trên địa bàn, Huyện ủy Tủa Chùa đã ban hành Nghị quyết Chuyên đề về “Phát triển du lịch Tủa Chùa, giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”. Trong đó tập trung vào một số nội dung như: Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông để phực vụ phát triển du lịch; phát triển du lịch sinh thái lòng hồ, du lịch cộng đồng làng bản tại bản Pằng Dề A (xã Xá Nhè); khai thác, quảng bá hang động; rà soát, khôi phục, bảo tồn nét văn hóa truyền thống các dân tộc. Huyện cũng chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; tăng cường tập huấn nghiệp vụ du lịch, đón tiếp, phục vụ du khách cho cán bộ và các hộ gia đình trên địa bàn...

 
Nhật Phương
Bình luận
Back To Top