Bất cập thu phí tham quan, bảo tồn di tích

14:41 - Thứ Ba, 16/04/2019 Lượt xem: 7269 In bài viết

Tùy tiện quy định những khoản thu bất hợp lý, tăng giá vé tham quan đột ngột, phí chồng phí, "chặt chém", lạm thu, xâm hại cảnh quan thiên nhiên... là những bất cập đang diễn ra tại không ít điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên cả nước.

Ðiều đó không chỉ nói lên tư duy làm du lịch thiếu chuyên nghiệp của một số địa phương, mà còn cho thấy nếu không được kịp thời chấn chỉnh thì tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của ngành du lịch quốc gia.

Đầu năm 2019, nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng và bức xúc trước việc Ban quản lý chùa Bà Ðanh (Hà Nam) lập trạm thu phí và bán vé tham quan chùa lên đến 30.000 đồng/người. Ðiểm tham quan gần đó là khu du lịch đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn cũng được địa phương đặt trạm thu phí với mức tương tự. Tháng 2-2019, Ban quản lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Ðồng) cũng đột nhiên lập trạm thu phí tham quan "cây thông cô đơn" mọc bên hồ Ðan Kia - Suối Vàng với giá 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em. Ðáng nói, loại phí này chỉ xuất hiện khi điểm đến nổi lên như một điểm check-in (đánh dấu) được ưa thích của cư dân mạng. Trước đó, tháng 2-2017, dư luận cũng từng "dậy sóng" phản ứng việc chính quyền huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có văn bản đề xuất thu phí vệ sinh đối với du khách tại thắng cảnh Hang Câu ở thôn Ðông, xã An Hải với mức phí là 20.000 đồng/người... Tuy nhiên, do sức ép của dư luận, các đề xuất thu phí bất hợp lý nêu trên đã bị hủy bỏ và nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Có thể thấy nguyên nhân cơ bản khiến việc làm trên bị người dân phản ứng vì đây vốn là những di tích, cảnh quan quy mô nhỏ, lẻ, công tác tu sửa, bảo tồn, nâng cấp... thực tế chưa cần huy động đến kinh phí từ nguồn thu của khách du lịch, không nhất thiết phải thu phí hay bán vé tham quan. Mức thu được đề xuất cũng bị coi là bất hợp lý so mặt bằng chung, trong khi chất lượng dịch vụ tại các điểm đến này hoàn toàn không tương xứng, tất yếu dẫn đến phản ứng của người đến tham quan.

Không chỉ gây bức xúc do sự xuất hiện bất hợp lý các trạm thu phí trong hoạt động du lịch, việc thu phí tại nhiều điểm di tích, danh thắng nổi tiếng hiện nay cũng bộc lộ nhiều bất cập như: vé tham quan thiếu minh bạch (thu thực tế cao hơn giá in trên vé); du khách phải qua nhiều cửa phiền hà; giá vé tăng cao và ban quản lý lại chỉ thông báo trong thời gian ngắn làm ảnh hưởng đến các đoàn khách đã đặt tour (chuyến du lịch) từ trước. Ðó là chưa kể tới tình trạng phí chồng phí, dịch vụ thiếu chu đáo; nạn chặt chém, chèn ép... diễn ra khá phổ biến. Thí dụ, tại quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) đã áp đặt việc thu phí tham quan đối với người hành hương non thiêng Yên Tử lên chùa Ðồng theo hướng Tây Yên Tử (hướng Bắc Giang) với giá 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em. Ðó là phí chồng phí, vì du khách dù đi lên chùa Ðồng từ hướng Ðông hay Tây Yên Tử đều đã phải mua vé ngay từ cổng vào ở dưới chân núi. Hoặc tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), mặc dù du khách đã mua vé tham quan vịnh với giá 200.000 đến 250.000 đồng/lần/người (ban ngày) và 500.000 đến 750.000 đồng/lần/người (nghỉ đêm), nhưng họ vẫn phải nộp thêm 40.000 đồng tiền vé qua bến cảng. Chưa kể tại đây, tình trạng dồn khách, dừng ghé tại các điểm tham quan theo lối "chạy sô" chớp nhoáng, thậm chí bớt xén điểm tham quan diễn ra khá phổ biến, khiến nhiều người bức xức vì dịch vụ không tương xứng với giá vé đắt đỏ mà ban quản lý đã thu. Thực trạng đáng phê phán này đã biến nhiều điểm tham quan, di tích trở thành nỗi ngán ngẩm, với không ít du khách, thậm chí nhiều khách vì lý do đó đã "một đi không trở lại".

Rút kinh nghiệm từ các điểm bất hợp lý trong việc thu phí tham quan, cũng như để tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn thu này, mới đây, tháng 1-2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi có tờ trình HÐND tỉnh đề nghị xây dựng mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan danh lam thắng cảnh, công trình bảo tàng trên địa bàn huyện Lý Sơn. Theo đó, mỗi du khách đến đảo Lý Sơn sẽ phải trả phí tham quan một lần là 50.000 đồng. Cùng thời điểm, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã họp với UBND huyện Côn Ðảo và thống nhất sẽ kiến nghị tỉnh nghiên cứu, lập phương án thu phí đối với du khách đặt chân đến Côn Ðảo (trừ người dân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người đến lao động tại huyện Côn Ðảo). Theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay khi đến Côn Ðảo, khách du lịch thường đi tham quan nhiều di tích và điểm du lịch. Tại các nơi này đều bán vé tham quan với nhiều mức thu khác nhau, vừa gây phiền hà cho du khách, vừa nảy sinh ý kiến thắc mắc về sự chênh lệch giá vé. Việc tập trung thu phí tham quan về một đầu mối sẽ giúp giải quyết những bất cập này, cũng như thuận tiện cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, việc thu phí như vậy sẽ giúp địa phương tập trung được nguồn thu để chủ động hơn trong việc tôn tạo cảnh quan, tu bổ di tích đã xuống cấp, xây dựng công trình công cộng để phục vụ du khách. Trước đề xuất thu phí của hai địa phương này, bên cạnh các ý kiến đồng tình, cũng còn ý kiến cho rằng sẽ bất hợp lý nếu thu tiền tham quan toàn bộ đảo với mọi du khách đến Lý Sơn, Côn Ðảo trong khi nhiều người không sử dụng hết các dịch vụ tại đây. Ðây là những ý kiến phản biện cần thiết, góp phần giúp các địa phương liên quan có chính sách hợp lý trong việc đặt mức thu phí tham quan đối với du khách để vừa phát huy hiệu quả nguồn thu cho các hoạt động bảo tồn, phát triển di tích, vừa có khả năng mời gọi du khách, phát triển du lịch của địa phương.

Việc thu phí các điểm tham quan để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn là cần thiết, đã được pháp luật quy định. Tại Phụ lục số 01 về Danh mục phí, lệ phí, ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 quy định: Phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng do: Bộ Tài chính quy định đối với công trình thuộc Trung ương quản lý; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với công trình thuộc địa phương quản lý. Tuy nhiên, để những chủ trương này được người dân và dư luận xã hội ủng hộ, việc vận dụng các quy định của pháp luật về hoạt động thu phí thuộc hoạt động văn hóa, du lịch cần hết sức linh hoạt. Ðể một quyết định bảo đảm tính khả thi, các cơ quan chức năng phải tính toán trên cơ sở khoa học, hợp lý, phù hợp văn hóa bản địa... mà theo như ý kiến của PGS, TS Trần Lâm Biền thì: "Việc thu phí nên ở một mức độ nhất định. Cái gì cũng nên dừng ở mức giới hạn cho phép. Bao giờ cũng thế, dưới giới hạn là còn mang tính đạo, còn trên giới hạn để dân kêu ca là phải xem lại, bởi lúc đó không còn mang tính chất truyền thống nữa". Ngay việc có thu phí hay không cũng không thể áp dụng một cách cứng nhắc. Thực tế vẫn có nhiều di tích không áp dụng việc thu phí nhưng hoạt động vẫn hiệu quả, được đông đảo người dân tìm đến. Như di tích Bạch Ðằng Giang (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962, là một trong những điểm đến thân thiện. Với tiêu chí "ba không": không thu phí dịch vụ, không bán hàng quán và không rác thải, du khách đến đây được phục vụ nước uống, sử dụng wifi (in-tơ-net không dây) miễn phí. Vào mùa lễ hội, dù tập trung rất đông người nhưng các hoạt động tại khu di tích vẫn diễn ra nền nếp, không có cảnh chen lấn xô đẩy gây mất an ninh trật tự hay xả rác bừa bãi. Các hoạt động tôn tạo, tu bổ, nâng cấp,... di tích đều lấy từ nguồn thu công đức. Nhiều di tích quốc gia đặc biệt khác như Chùa Bổ Ðà, Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) cũng mở cửa tự do đón khách thập phương.

Thực tế ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc thu phí tham quan tập trung vào một đầu mối được triển khai khá phổ biến. Theo đó, du khách chỉ phải mua vé một lần, khi tham quan di sản buộc phải tuân thủ đúng theo các quy định nghiêm ngặt như: trang phục cần phải phù hợp với yêu cầu của ban quản lý điểm tham quan, bị phạt nặng nếu có hành vi xả rác bừa bãi, khách phải nộp thêm tiền phí nếu muốn quay phim chụp ảnh... Ưu điểm của việc thu phí "một cửa" là: giúp việc làm thủ tục cho du khách đơn giản, gọn nhẹ; tránh phát sinh những khoản thu "chui"; tinh gọn lực lượng phục vụ không cần thiết... Tuy nhiên, để giảm thiểu các tiêu cực có thể phát sinh trong hoạt động bán vé, thu phí, cơ quan chức năng sở tại cần tính toán kỹ việc tổ chức thực hiện, công khai mức giá áp dụng, tránh tình trạng "độc quyền" dẫn đến "cửa quyền", có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo ra sự thống nhất giữa các điểm du lịch, tránh tình trạng mạnh ai nấy thu, gây bức xức không đáng có cho khách du lịch. Quan trọng hơn, ngành du lịch cần giúp các địa phương xác định rõ nếu muốn thu hút du khách tìm đến di tích, danh thắng phải tạo dựng được ấn tượng về một điểm đến hấp dẫn, biểu hiện ở các tiêu chí: cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, môi trường trong sạch, an ninh trật tự bảo đảm, người dân bản địa thân thiện, có ý thức giữ gìn giá trị của di tích, thắng cảnh, mức thu phí (nếu có) phải hợp lý... Về phía du khách, cùng với việc mua vé tham quan như một đóng góp cần thiết để duy trì hoạt động của di tích, danh thắng,... cũng cần thay đổi tư duy, thói quen ứng xử. Thực tế đã cho thấy, hiệu quả của việc tham quan chỉ thật sự đạt được khi sau mỗi chuyến đi giúp du khách tăng thêm sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm cũng như sự trân trọng và niềm tự hào đối với các di tích, di sản, danh thắng của đất nước.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top