Xây dựng chính sách thị thực thông thoáng, linh hoạt

10:09 - Thứ Tư, 08/05/2019 Lượt xem: 6176 In bài viết

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta ước đạt gần sáu triệu lượt, dù tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng đây là mức tăng thấp hơn nhiều so với các năm trước. Đơn cử: bốn tháng đầu năm 2018, mức tăng trưởng là 29,5% so với cùng kỳ năm 2017; bốn tháng đầu năm 2017, mức tăng trưởng là 30,3% so với cùng kỳ năm 2016…

Điều đáng nói là, trong khi khách châu Á tăng mạnh thì tỷ trọng khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao có xu hướng giảm dần từ năm 2015, như khách Bắc Mỹ giảm từ 7,6% xuống còn 5,8%, khách châu Âu từ 14,6% xuống 13,1%... Một trong những nguyên nhân cơ bản được các chuyên gia du lịch chỉ ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 vừa tổ chức tại Hà Nội là sự thiếu hấp dẫn của chính sách thị thực (visa).

Câu chuyện này từng được phân tích, đặt vấn đề từ vài năm trước, khi lượng khách quốc tế đến nước ta có dấu hiệu chững lại. Trên thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện độ mở của chính sách visa như: miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 quốc gia, áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân hơn 80 nước. Song đến nay, khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn bị đánh giá thiếu khả năng cạnh tranh, hạn chế về độ thông thoáng.

Trong khi Thái-lan miễn thị thực cho gần 60 nước, In-đô-nê-xi-a miễn thị thực cho gần 170 nước, Phi-li-pin miễn thị thực cho gần 160 nước…, thì con số này ở Việt Nam chỉ là 14 nước. Đành rằng, trong phát triển du lịch, miễn thị thực không phải yếu tố hàng đầu quyết định sự tăng trưởng, cũng không hoàn toàn thể hiện năng lực cạnh tranh du lịch của một quốc gia, bởi năng lực này còn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng, chất lượng sản phẩm, trình độ nhân lực…

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, chính sách visa luôn có tác động lớn tới lưu lượng du lịch quốc tế. Và việc tăng độ mở về thị thực để tạo lợi thế cạnh tranh đã và đang là biện pháp được nhiều quốc gia áp dụng. Bằng chứng là sau khi Chính phủ nước ta quyết định miễn thị thực cho công dân năm nước EU, sự tăng trưởng về lượng khách đến từ các quốc gia này luôn ấn tượng với mức bình quân đạt hơn 20%/năm. Hay sau khi Hàn Quốc áp dụng cấp visa 5 năm cho công dân Việt Nam có hộ khẩu tại các thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, đồng thời không giới hạn số lần nhập cảnh đã giúp lượng khách Việt đến Hàn Quốc vài tháng qua tăng trưởng ấn tượng.

Theo các chuyên gia du lịch, muốn thu hút nhiều khách đến nhà mình chơi, trước tiên, nhà mình phải dễ đến. Trong bối cảnh du lịch được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho nhiều quốc gia, phần lớn du khách sẽ có xu hướng lựa chọn những điểm đến thuận lợi với thủ tục đơn giản. Cho nên, chừng nào chính sách visa vẫn chưa đủ thông thoáng, vẫn tạo tâm lý e ngại cho du khách thì chừng đó vẫn còn là “rào cản” hạn chế sự phát triển du lịch.

Để đạt kỳ vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ thu hút 17 đến 20 triệu khách du lịch quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD, đến năm 2030 du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì nước ta cần nhanh chóng có những cải thiện, đổi mới về chính sách thị thực, mở rộng diện miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm có khả năng chi tiêu cao, mức lưu trú dài ngày.

Đối với thị trường khách này, thay vì miễn thị thực từng năm một, cần áp dụng chương trình dài hạn hơn để tránh sự xáo trộn cho du khách và cũng để các công ty du lịch chủ động trong xây dựng chiến lược quảng bá, thu hút khách. Đây cũng là giải pháp nhằm cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng tập trung tăng trưởng về chất lượng, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của ngành du lịch. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất cần tăng số ngày miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày để phù hợp số ngày nghỉ của các du khách đến từ những thị trường xa, đồng thời khuyến khích khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Việt Nam đang được xếp hạng là điểm đến hàng đầu châu Á, đứng thứ 32 toàn cầu về số lượng và sự hấp dẫn của tài nguyên thiên nhiên, văn hóa. Điều này có nghĩa, Việt Nam có đầy đủ ưu thế để thu hút khách du lịch. Vấn đề là làm thế nào để mời gọi du khách và giữ chân du khách khi đến Việt Nam. Để làm được điều này, đương nhiên không thể thiếu vai trò mở lối của chính sách thị thực cho khách du lịch.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top