Khởi nghiệp du lịch trên nền tảng công nghệ

14:22 - Thứ Năm, 27/06/2019 Lượt xem: 7351 In bài viết
Những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và mức tăng trưởng cao, liên tục của ngành du lịch Việt Nam những năm gần đây đang trở thành động lực để nhiều người trẻ khởi nghiệp bằng những sản phẩm du lịch thông minh phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Ðây là hướng đi hứa hẹn mang đến nhiều đột phá về tính kết nối, mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

 

Thuyết trình tại Cuộc thi “Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch”.

Mới đây, tại Cuộc thi "Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch" do Tổng cục Du lịch phối hợp Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn tổ chức, Ban tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn được chín dự án xuất sắc nhất tham gia vòng chung kết. Ðây đều là những dự án có tính ứng dụng công nghệ cao, mang nội dung thiết thực, sáng tạo và đột phá. Trong đó, phải kể tới các dự án nổi bật đã được triển khai trong thực tế và thu về những thành công nhất định như: BedLinker.com - sàn giao dịch thương mại điện tử mở giúp kết nối trực tiếp các công ty du lịch và nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, để dễ dàng kiểm tra, đặt phòng với cơ sở lưu trú. Khởi động từ giữa năm 2017, đến tháng 3-2018 mới chính thức được đưa ra thị trường, nhưng BedLinker.com đã kết nối được khoảng 600 đại lý và công ty du lịch ở thị trường Việt Nam với doanh thu sáu tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 150 nghìn USD.

Hiện, BedLinker.com đang làm việc với các đối tác nước ngoài về mặt công nghệ để có thể tự động kết nối, giới thiệu các sản phẩm du lịch Việt Nam với các sàn giao dịch nước ngoài, từ đó tăng khả năng đưa khách quốc tế đến nước ta. Cùng với đó là Tubudd - nền tảng công nghệ giúp kết nối du khách với người dân địa phương; nơi khách du lịch có thể hẹn một người bạn bản địa ở bất cứ nơi nào họ tới, với mức chi tiêu vừa phải và khám phá điểm đến từ góc nhìn người bản địa. Hỗ trợ du khách theo hình thức khác, dự án Liberzy lại cung cấp các công cụ thông minh giúp du khách tạo và chia sẻ bản đồ du lịch của riêng mình, hình thành mạng xã hội để khách du lịch dễ dàng tương tác với những người khác. Trong khi đó, nền tảng Goeatme giúp du khách khám phá những điểm ăn ngon ở khắp nơi bằng trí thông minh nhân tạo, giúp tăng trải nghiệm; dự án LodyHelp thì cung cấp nền tảng kết nối những dịch vụ địa phương như ăn uống, thuê xe, giặt ủi, tập thể thao… tới khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, làm việc, sinh sống ngắn hạn hoặc dài hạn từ ba tháng trở lên…

Có thể thấy, khởi nghiệp với du lịch 4.0 đang là xu hướng có nhiều tiềm năng và phát triển khá mạnh mẽ thời gian qua. Phần lớn ứng dụng được thực hiện bởi những người trẻ am hiểu về công nghệ và nhạy cảm với những xu hướng du lịch mới. Một số startup trong lĩnh vực này như Triip.me, VNTrips, Tripi… đã thành công khi biết tận dụng những tiện ích của công nghệ để phát triển những sản phẩm sáng tạo, đáp ứng được sự thay đổi thực tế trong tiêu dùng, lựa chọn dịch vụ của du khách hiện đại, từ đó thổi luồng gió mới cho ngành du lịch nước nhà.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa khởi nghiệp với du lịch 4.0 là con đường bằng phẳng, dễ dàng. Trên thực tế, có nhiều dự án được xây dựng dựa trên ý tưởng khả thi nhưng không thể đi đến cùng vì nhiều nguyên nhân. Chia sẻ về điều này, anh Ðào Quang Thuận, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của BedLinker.com cho hay: Áp lực lớn nhất mà một startup công nghệ thường gặp phải là làm sao có đủ nguồn lực để đi nhanh nhất vì chỉ cần chậm hơn một chút, những đối thủ khác sẽ làm thay và vượt mình. Ðiều tạo nên thành công của sản phẩm là ý tưởng, gọi vốn, xác định phân khúc khách hàng…, trong khi những bạn trẻ khởi nghiệp thường chưa có nhiều kinh nghiệm. Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn Lý Ðình Quân cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin để khởi nghiệp du lịch đang phát triển ở nhiều thành phố lớn và lan tỏa mạnh. Thế nhưng, nhìn chung, các doanh nghiệp du lịch vẫn gặp một số điểm vướng. Ðiểm vướng đầu tiên nằm ở giáo dục khởi nghiệp.

Các trường đại học của ta chưa đưa giáo dục khởi nghiệp thành giáo dục thường xuyên, cho nên người theo học vẫn tư duy theo lối cũ, không tiếp cận được tư duy mới, công cụ mới, vì vậy, mô hình kinh doanh ít sáng tạo. Thêm nữa, các nhà đầu tư hiện nay cũng chưa dám đầu tư nhiều cho giai đoạn đưa ý tưởng trở thành mô hình kinh doanh và ra sản phẩm. Ðiều này đòi hỏi, để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên về khởi nghiệp trong du lịch, cần có sự kết nối các nguồn lực để hỗ trợ các bạn trẻ. Ðó là kết nối giữa nhà trường, nhà nước với doanh nghiệp, các nhà đầu tư để tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, hiệu quả. Với ý tưởng tốt mà thiếu công nghệ sẽ được hỗ trợ về công nghệ; giỏi công nghệ mà yếu về thị trường, nguồn vốn sẽ được hỗ trợ kết nối với các nguồn vốn… Khi đó, con đường để hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo có hàm lượng trí tuệ cao sẽ được rút ngắn và đến đích nhanh hơn. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khi bắt đầu khởi nghiệp, các bạn trẻ cũng cần có tư duy rõ ràng để bắt đầu bằng sự phù hợp, thường xuyên tiếp nhận phản hồi để thay đổi và hoàn thiện. Ngoài ý tưởng, nguồn vốn và công nghệ, những người trẻ khởi nghiệp cũng cần biết quản trị doanh nghiệp để hoạt động của mình có khả năng tồn tại bền vững.

Theo Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu, để thực hiện "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025" được Chính phủ ban hành cuối tháng 11-2018, ngành du lịch đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là xây dựng dữ liệu để số hóa các tài nguyên du lịch. Ðây là tiền đề để nhiều ứng dụng mới ra đời và tạo động lực để các bạn trẻ khởi nghiệp bằng du lịch 4.0, từ đó tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch Việt Nam. Sự xuất hiện của những ứng dụng, nền tảng du lịch xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thời gian qua là những dấu hiệu tích cực giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top