Cùng suy ngẫm

Ðể ngành du lịch tăng trưởng bền vững

15:09 - Thứ Hai, 15/07/2019 Lượt xem: 5742 In bài viết

Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra khuyến cáo, Việt Nam hiện ở điểm bùng phát về phát triển du lịch và đang gặp nguy cơ có thể "bị trượt xuống quỹ đạo" khai thác quá mức giá trị. Một điều dễ nhận thấy nhất là số lượng khách du lịch những năm gần đây tăng mạnh một phần do chuyển dịch sang cơ cấu khách có mức chi thấp hơn, tiếp tục tập trung vào những sản phẩm du lịch đại chúng và tập trung du khách vào những điểm đến quen thuộc vốn đã quá tải. Ðiều đó khiến ngành du lịch Việt Nam gặp nguy cơ dễ bị tổn thương về năng lực hạ tầng và sự bền vững về môi trường.

Tại Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ô nhiễm và hủy hoại sinh vật biển hoang dã do các tàu thuyền du lịch và làng chài trong vịnh là vấn đề tồn tại lâu nay. Mặc dù chính quyền đã tiến hành những biện pháp quan trọng như tái định cư làng chài, thắt chặt quy định về xả thải của tàu thuyền, nhưng rủi ro vẫn tiếp diễn do lưu lượng tàu thuyền lớn và đội tàu cũ kỹ. Ðiều này không chỉ gây ảnh hưởng đối với môi trường địa phương mà còn ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của du khách.

Tăng trưởng khách du lịch tràn lan cũng đe dọa sự bền vững ở các điểm du lịch văn hóa quan trọng. Số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tăng gấp hai lần (từ 1,2 triệu lên 2,4 triệu khách) trong hai năm qua, dù chính quyền địa phương bắt đầu thực hiện thu vé du khách muốn thăm phố cổ, nhưng chưa thật sự kiểm soát được tốc độ tăng quá nhanh số lượng du khách và tình trạng quá tải đã xảy ra. Trong khi đó, tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai), một trọng điểm du lịch ở khu vực Tây Bắc, du khách đã bắt đầu kêu ca về việc khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các công trình du lịch khác được xây dựng quá nhanh, quá nhiều dẫn đến thu hẹp diện tích rừng. Ô nhiễm và ùn tắc giao thông bắt đầu hủy hoại vẻ đẹp mộc mạc vốn có của vùng đất này.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới chỉ ra ô nhiễm và hủy hoại môi trường do tăng trưởng du lịch tùy tiện khiến cho một số điểm đến quen thuộc trong khu vực buộc phải tiến hành những biện pháp cực đoan để xử lý hậu quả, kể cả việc phải đóng cửa tạm thời gây ra tổn thất về kinh tế rất lớn (bao gồm cả việc mất nguồn thu từ du lịch và chi phí cho các biện pháp khắc phục). Ðiển hình là trường hợp đảo Bô-ra-cay, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Phi-li-pin, nơi đón hơn 1,7 triệu du khách mỗi năm. Do thiếu hiệu lực thực thi các chính sách về môi trường, năm 2018, đảo này đã phải đóng cửa không đón khách trong vòng sáu tháng để xử lý tình trạng các khách sạn xả nước thải trực tiếp ra biển. Ðiểm đến này dù được mở lại khi các hoạt động và hạ tầng du lịch được quản lý khắt khe hơn, nhưng tổn thất gây ra cho nền kinh tế Phi-lip-pin ước tính lên tới 1,6 tỷ USD.

Để du lịch trở thành động lực tăng trưởng kinh tế bao trùm trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể hơn và quyết tâm hành động ngay để chuyển dịch trọng tâm phát triển theo hướng bền vững. Trước hết là đa dạng hóa thị trường và sản phẩm du lịch; chuyển dịch theo hướng nhằm vào du khách có mức chi tiêu cao hơn thay vì các phân khúc thị trường khách du lịch đại chúng để phân tán bớt khách ra khỏi những điểm đến đã quá tải và phân bố hợp lý hơn lợi ích từ du lịch.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top