Thu hút khách du lịch quốc tế - chạy đua với thời gian

11:03 - Thứ Hai, 22/07/2019 Lượt xem: 6659 In bài viết
Rất nhiều thách thức cần phải vượt qua để ngành du lịch Việt Nam có thể chạm mốc 18 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng tới.

Theo thống kê, hết tháng 6-2019, khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 8,4 triệu lượt và có dấu hiệu sụt giảm liên tiếp trong 2 tháng gần đây. Hơn thế, 2 thị trường nguồn - luôn dẫn đầu về số lượng cũng như tốc độ tăng trưởng khách du lịch của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang có chiều hướng chững lại làm dấy lên lo ngại, nếu cứ đà này du lịch Việt Nam khó đạt con số 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế như kỳ vọng. 

 

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6 chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường nguồn chững lại

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6 vừa đạt hơn 1,1 triệu lượt chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ hai liên tiếp trong năm lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm so với các tháng trước. Việt Nam mới đón khoảng hơn 8,4 triệu lượt khách quốc tế trong nửa năm đầu 2019, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Khách quốc tế đến bằng đường hàng không đạt hơn 6,6 triệu lượt. Khách đến bằng đường biển chỉ đạt hơn 139.000 lượt, giảm gần 20%. Khách đến đường bộ tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số thị trường khách quốc tế tăng mạnh nhất như Thái Lan hơn 45%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 27%, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Nhật Bản, Malaysia, Ý, Đan Mạch, Na Uy, Mỹ, châu Phi. Tổng thu từ du lịch ước khoảng 338 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Song lượng khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc… những thị trường nguồn lại có dấu hiệu chững lại và giảm ngay từ những tháng đầu năm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phân tích, khách quốc tế đến Việt Nam giảm không phải hiện tượng bất thường. Thời điểm này là mùa cao điểm du lịch nội địa, nhưng lại là mùa thấp điểm đối với các thị trường khách quốc tế. Một số lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch lớn cũng khẳng định, một số thị trường khách quốc tế sẽ suy giảm trong thời điểm này. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khách quan dẫn tới con số đáng lo ngại kia là do ảnh hưởng từ căng thẳng Mỹ - Trung, các trung tâm du lịch trong khu vực cạnh tranh gay gắt, một số điểm đến dần bão hòa, chưa kể một số hạng  mục cơ sở hạ tầng như sân bay, cầu cảng quá tải.

Tổng cục Du lịch cũng nhận định, mức tăng khách du lịch cao liên tục trong 3 năm qua, từ 7,9 triệu khách quốc tế năm 2015 lên 15,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2018 đã khiến năng lực, sức chứa tại một số trung tâm du lịch bị quá tải vào một số thời điểm, nhất là dịp lễ, Tết, mùa cao điểm khách quốc tế và nội địa. Khách du lịch tập trung quá đông tại một số điểm gây ra tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh, không an toàn, không đảm bảo chất lượng dịch vụ; kiểm soát giá cả không chặt chẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, những xung lực tạo ra dư địa phát triển mới đang hình thành tại các địa bàn trọng điểm và các điểm đến phụ cận, có thể chưa đáp ứng ngay được yêu cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, bền vững. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, mức độ mở cửa quốc tế, hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam còn hạn chế so với yêu cầu phát triển. Chính sách, hoạt động quản lý du lịch, xúc tiến du lịch của Việt Nam còn chưa thực sự linh hoạt, hiệu quả, tính kết nối đồng bộ chưa cao

Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch Vũ Quốc Trí cũng chỉ ra nguyên nhân của sự sụt giảm này là do thị trường khách du lịch Trung Quốc chững vì kinh tế Trung Quốc khó khăn hơn trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cùng đó các nước trong khu vực cạnh tranh quyết liệt trong việc thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các chính sách như tăng cường đầu tư xúc tiến quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực nhập cảnh…

Kỳ vọng vào nhiều thị trường mới

Vụ trưởng Vụ Thị trường - Tổng cục Du lịch Đinh Ngọc Đức phân tích, nhìn lại 6 tháng đầu năm lượng khách quốc tế tăng trưởng vẫn đạt 7,5%, nhưng so với mục tiêu đưa ra thì còn thiếu tới 9,1 triệu lượt khách nữa. Một con số không nhỏ nhưng nếu nỗ lực hơn nữa thì vẫn có thể kỳ vọng đạt được kế hoạch bởi 2 quý cuối năm mới là giai đoạn cao điểm của du khách.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng cho biết, để nỗ lực đưa khách đến với Việt Nam nhiều biện pháp cụ thể đã ngay lập tức được triển khai. Trước hết là đẩy mạnh xúc tiến tại 2 thị trường nguồn là Trung Quốc, Hàn Quốc. Hàng loạt các sự kiện quảng bá du lịch đã được đẩy lên sớm ngay trong tháng 5-6 vừa qua thay vì cuối năm như kế hoạch. Cùng đó, thị trường khách lẻ cũng được tập trung khai thác.

“Nhiều chiến dịch quảng cáo được nhắm tới tầng lớp trẻ, thích khám phá, với kỳ vọng bù đắp lại thiếu hụt do thay đổi cơ cấu nguồn khách”, ông Đinh Ngọc Đức nói. Cùng với  đó, các thị trường khách quốc tế khác giàu tiềm năng, đem lại doanh thu cao như Nga, Mỹ, Nhật… cũng được “chăm sóc” tốt đem lại con số tăng trưởng khả quan. Sau một vài năm gián đoạn bởi lý do khách quan thì khách đến từ Nga - thị trường có mức chi tiêu cao đang quay trở lại Việt Nam. Những địa điểm như Khánh Hòa, Phú Quốc đã ghi nhận những con số tích cực về dòng khách này. 

Điểm đáng chú ý là có một số thị trường lượng khách tăng rất cao, như Thái Lan tăng tới 45,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt trên 245.000 lượt người, nằm trong top 10 thị trường gửi khách tới Việt Nam đông nhất. Dường như đang có một “làn sóng” người Thái Lan đi du lịch Việt Nam - lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhận định. Điểm đến được du khách của xứ sở Chùa Vàng yêu thích là các tỉnh miền Trung, trong đó Đà Nẵng với địa danh “Bàn tay vàng” được lựa chọn nhiều nhất. Đây là bước tiến quan trọng để  từng bước cân bằng trao đổi khách giữa Việt Nam và Thái Lan vì năm 2018 Việt Nam mới chỉ thu hút được khoảng 350.000 lượt khách Thái Lan, trong khi đó khách từ Việt Nam sang Thái Lan đạt 1.000.000 lượt. 

Ông Đinh Ngọc Đức cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách từ thị trường này cùng những thị trường ASEAN đang nổi khác như Philippines, Indonesia; tận dụng lợi thế để khai thác những thị trường gần, nội khối được miễn visa. 

Chung lo lắng về số liệu thống kê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình cũng cho rằng: “Thời gian qua du lịch tăng trưởng, tuy thế chính sách mới kích thích thị trường chưa nhiều, cho nên nếu chỉ dựa vào nỗ lực doanh nghiệp tăng trưởng là chưa đủ”. Các chuyên gia nhiều lần phân tích, đề xuất các chính sách mới về visa, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn cũng như cần thêm chính sách mới khác. 

Cùng với việc nỗ lực phối hợp ngăn chặn những vụ việc lợi dụng con đường du lịch để trốn lại cư trú bất hợp pháp làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đại diện Tổng cục Du lịch khẳng định: “Không vì sự cố mà du lịch dừng bước, phải giải quyết sự cố để phát triển cả về chất lượng lẫn quy mô…”. 6 tháng cuối năm 2019, ngành Du lịch đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút khách quốc tế đến; cải thiện môi trường kinh doanh du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điểm đến; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cụ thể là nâng vị trí xếp hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của WEF từ 7 đến 9 bậc…

Dự kiến cuối năm 2019 sẽ triển khai mở thêm 2 Văn phòng xúc tiến Du lịch tại Anh và Úc. Đây là 2 thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam. Như vậy, trong năm 2019 ngành du lịch có 3 Văn phòng xúc tiến Du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Đây được coi là một sự đột phá của ngành du lịch Việt Nam.

Tổng cục Du lịch nhận định, mức tăng khách du lịch cao liên tục trong 3 năm qua, từ 7,9 triệu khách quốc tế năm 2015 lên 15,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2018 đã khiến năng lực, sức chứa tại một số trung tâm du lịch bị quá tải vào một số thời điểm, nhất là dịp lễ, Tết, mùa cao điểm khách quốc tế và nội địa. Khách du lịch tập trung quá đông tại một số điểm gây ra tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh, không an toàn, không đảm bảo chất lượng dịch vụ; kiểm soát giá cả không chặt chẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, những xung lực tạo ra dư địa phát triển mới đang hình thành tại các địa bàn trọng điểm và các điểm đến phụ cận, có thể chưa đáp ứng ngay được yêu cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, bền vững.

P.V (Theo ANTĐ)
Bình luận
Back To Top