Du lịch Ðiện Biên, cơ hội và thách thức

08:34 - Thứ Năm, 01/08/2019 Lượt xem: 9023 In bài viết
ĐBP - Ðiện Biên có nhiều tiềm năng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng tỉnh ta đã xác định từ nhiều năm qua. Và trong thực tế, ngành Du lịch tỉnh trong những năm qua đã có những bước tiến không ngừng. Tuy nhiên, khi nhìn ra những địa phương khác, du lịch Ðiện Biên còn nhiều việc phải làm, nhất là yếu tố hạ tầng và con người.

 

Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng.

Trong 6 tháng đầu năm lượng khách đến Ðiện Biên ước đạt 586.100 lượt, đạt 70,6% so với kế hoạch năm, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 109.900 lượt, đạt 61% so với kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2018. Tổng thu từ hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 855,8 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm, tăng 32,9% so cùng kỳ 2018. Hiện trên địa bàn tỉnh có 210 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với  2.793 buồng, 4.881 giường, trong đó có 1 khách sạn 4 sao và 1 khách sạn 3 sao đang trong thời gian làm hồ sơ thẩm định loại hạng; 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao;  2 khách sạn 2 sao… Số ngày lưu trú bình quân của khách đạt từ 2,5 ngày. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng nên thu hút lực lượng lao động trên 14.000 người (khoảng 6.000 lao động trực tiếp và 8.000 lao động gián tiếp).

Ngoài những động thái tích cực trong sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh ta, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế khi phân tích chi tiết thì đây thực sự là những thách thức không nhỏ. Cụ thể, tỉnh chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài vào các khu, điểm du lịch. Vì vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch dù đã được tỉnh, ngành Du lịch quan tâm, đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt trong thời gian cao điểm. Có nhiều nguyên nhân khiến hạ tầng du lịch của tỉnh ta chưa phát triển, trong đó quan trọng nhất là chính sách thu hút đầu tư. Ðiện Biên vốn là tỉnh biên giới với đường biên kéo dài, vấn đề quốc phòng - an ninh luôn được đặt lên hàng đầu, cùng với đó là những vấn đề liên quan đến quy hoạch đất đai, quỹ đất hạn hẹp; giao thông chưa thuận tiện khi đường bộ dẫn đến tỉnh là hành trình kéo dài, nhiều đèo dốc, hay sạt lở vào mùa mưa; hạ tầng hàng không chưa phát triển, giá đắt… Ðây chính là những yếu tố làm “chùn chân” những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư có chiều sâu, mang tính lâu dài. Ngoài ra, công tác phối hợp quản lý các khu, điểm du lịch giữa ngành Du lịch với các đơn vị, địa phương cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ðơn cử như hiện nay, xu hướng dịch vụ du lịch tại các điểm, khu là “không tường rào” để tạo không gian thân thiện, thuận tiện, thoáng đãng… nhưng cơ bản các điểm tham quan tại TP. Ðiện Biên Phủ đều được quây tường, rào kín do chưa đảm bảo được vấn đề quản lý, chưa xây dựng được ý thức gìn giữ của người dân.

Những năm gần đây vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được đặc biệt quan tâm chú trọng. Theo báo cáo của Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề du lịch đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm tổ chức cho người lao động, tuy nhiên chất lượng vẫn chưa cao, chưa thực sự chuyên nghiệp trong phong cách phục vụ. Các công ty lữ hành hoạt động chưa hiệu quả, chưa hình thành được đội ngũ hướng dẫn viên quốc tế và nội địa chuyên nghiệp. Ðó là những tồn tại cơ bản, mang tính nghiệp vụ quản lý Nhà nước là chủ yếu. Còn trong sự phát triển chung hiện nay, làm du lịch mang tính toàn dân, xã hội hóa là then chốt, ý thức của mỗi người dân đóng vai trò tối quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế từ du lịch. Mặc dù người dân Ðiện Biên vốn thân thiện, hiếu khách, không gây ra những phiền phức cho du khách như bán hàng rong, ăn xin… nhưng đâu đó vẫn tồn tại tình trạng “chặt chém” chụp giật. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, khi đến bất cứ điểm du lịch nào, bật dữ liệu 3G, 4G du khách đều nhận được câu hỏi đánh giá mức độ hài lòng về điểm đến đó từ hệ thống dữ liệu của google (bằng cách đánh dấu sao). Khách du lịch hoàn toàn chủ động đánh giá mà không chịu bất cứ tác động nào về quản lý. Và đương nhiên, nếu một điểm du lịch bị chấm thấp sao (1, 2 sao), những du khách khác sẽ không chọn đây là điểm đến khi kiểm tra hệ thống đánh giá này. Và đặc biệt, tại các điểm, khu của các địa phương có nền du lịch phát triển, giữ gìn môi trường, cảnh quan đã trở thành nếp sinh hoạt mang tính phản xạ tự nhiên (thấy rác là nhặt, thấy bẩn là báo), còn tại tỉnh ta, có thể khẳng định là chưa thực hiện được điều này. Ý thức của người dân cũng là một trong những nội dung để đảm bảo sự nguyên trạng của cảnh quan, di tích - yếu tố sống còn trong phát triển du lịch.

Du lịch Ðiện Biên hiện nay vẫn giống như một cô gái đẹp còn e ấp chưa thực sự bước vào xuân thì, để “cô gái” này vươn tầm trở thành người đẹp mường trời Tây Bắc, ngoài sự quan tâm của những “mạnh thường quân” thì mỗi người dân cũng đóng vai trò quan trọng nhằm gìn giữ sự tinh khôi, chăm sóc, nâng niu để “người con gái đẹp” phát triển một cách toàn diện.

Nguyệt Lãm
Bình luận
Back To Top