Khi nông dân làm du lịch

08:39 - Thứ Năm, 01/08/2019 Lượt xem: 8662 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây hàng chục điểm “check in” hay còn gọi là vườn hoa, khu vui chơi tại Ðiện Biên được hình thành. Các hoạt động như vậy chủ yếu do những người nông dân tự làm và bước đầu đã mang lại những giá trị xã hội nhất định và dần trở thành tiềm năng để ngành Du lịch tỉnh phát triển. Nhưng để các điểm đến này phát triển bền vững thì còn nhiều điều đáng bàn...

Vài năm gần đây, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo có hàng chục điểm vui chơi được hình thành do người dân làm theo mô hình vườn hoa rộng từ 1 đến vài héc ta với nhiều loại hoa mọc quanh năm, kèm theo là các tiểu cảnh để chụp ảnh, check in… Những điểm vui chơi này thu hút khá lớn lượng người tới tham quan, nhất là dịp tết, ngày lễ.

 

Một góc điểm đến Ðào Viên Sơn, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng).

Pha Ðin Pass (thuộc khu vực đèo Pha Ðin, huyện Tuần Giáo) là điểm đến được triển khai khá sớm so với các điểm khác trong tỉnh. Ðây là khu vực có nhiều lợi thế như: nằm gần quốc lộ có nhiều người qua lại, có khoảng cách so với TP. Ðiện Biên Phủ và TP. Sơn La không quá xa để các gia đình có thể đi, về trong ngày. Khu vực này quanh năm lộng gió, có rừng thông nhiều năm tuổi và đồi cỏ xanh bát ngát. Do đó, Pha Ðin Park không phải đầu tư quá nhiều nhưng luôn có lượng khách ổn định và đông nhất trong khu vực. Trên địa bàn huyện Mường Ảng cũng có một số điểm du lịch như: Tằng Quái Park, Tằng Quái Bin (thuộc khu vực đèo Tằng Quái). Các điểm này cũng gần quốc lộ, có nhiều lợi thế về thiên nhiên nhưng do địa thế hẹp và gần nhau nên khả năng thu hút khách ít hơn và cũng khó mở rộng đầu tư. Một số vườn hoa trên địa bàn huyện Ðiện Biên cũng được đầu tư khá công phu trên một diện tích rộng nhưng lại gặp phải một vấn đề là quá giống nhau vì hoa vẫn là chủ đạo. Bởi vậy các điểm này chỉ thu hút được một lượng khách ban đầu, sau đó bão hòa…

Một điểm đến nữa đang được nhiều người nhắc đến là Ðào Viên Sơn thuộc xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng). Ðây là điểm tham quan du lịch xuất hiện khá muộn so với các điểm khác nhưng được đầu tư quy mô và bài bản nhất. Ðào Viên Sơn rộng gần 7ha, có khu phục vụ ăn uống, nghỉ trưa, khu trượt cỏ; có vườn hoa quanh năm và các tiểu cảnh được thiết kế dựa trên nguyên tắc phóng tác những nguyên mẫu mang yếu tố văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người Tây Bắc. Mặc dù được đầu tư bài bản nhưng Ðào Viên Sơn lại gặp phải một yếu tố không thuận lợi đó là không gần quốc lộ, đường lên khó khăn nên cũng là một trở ngại để du khách biết đến.

Ông Lò Văn Pâng, chủ điểm du lịch Tằng Quái Bin chia sẻ: Trước đây khu vực này là đất trồng cây hàng năm và cây công nghiệp ngắn ngày của gia đình. Mấy năm gần đây thấy mô hình tạo điểm đến cho khách tham quan mang lại hiệu quả kinh tế nên tôi quyết định đầu tư, cải tạo. Với số vốn ban đầu trên 1 tỷ đồng tôi đầu tư trồng hoa, làm đường, cải tạo mặt bằng và xây dựng một số tiểu cảnh… Trong quá trình triển khai và hoạt động cũng đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện cho đi tham quan học hỏi tại một số điểm du lịch ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Thời gian tới khi Trung tâm Xúc tiến du lịch mở lớp tập huấn về du lịch cộng đồng tôi sẽ đăng ký cho công nhân theo học. Hiện nay, điểm du lịch của tôi cũng chỉ đông khách vào những dịp lễ, tết và ngày nghỉ cuối tuần. Những ngày bình thường chỉ có trên dưới 10 khách và cũng chưa thu hút được các đoàn khách ngoại tỉnh ghé thăm nên việc duy trì hoạt động gặp không ít khó khăn…

Trao đổi về vấn đề nông dân làm du lịch, ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Việc các tổ chức, cá nhân làm du lịch và các dịch vụ liên quan đến du lịch luôn được tỉnh khuyến khích và sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn và đào tạo nhân lực phục vụ. Tuy nhiên, các điểm đến nêu trên có một điểm chung là thiếu chiến lược, thiếu bài bản, chủ yếu là tự phát. Từ kinh nghiệm ở một số nơi đã thành công với mô hình này như: Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng), Mộc Châu, Vân Hồ (tỉnh Sơn La) hay một số tỉnh Bắc Lào thì khi đầu tư họ rất chú trọng khâu thuê tư vấn thiết kế chứ không làm ngẫu hứng, cảm tính và thiếu chuyên nghiệp. Do vậy nếu các mô hình này không thay đổi để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và du khách thì khó phát triển lâu dài. Ngoài ra, các điểm đến chủ yếu hoạt động độc lập, thiếu tính liên kết nên chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Có lẽ chính vì vậy mà từ cuối năm 2018 đến nay việc hình thành các điểm đến không còn ồ ạt như trước và có xu hướng dừng lại.

Không thể phủ nhận việc hình thành các điểm đến đã tạo thu nhập cho người đầu tư, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra người dân trong khu vực cũng được hưởng lợi từ việc cung cấp các dịch vụ phát sinh và tiêu thụ sản vật của địa phương. Các điểm đến này cũng làm thay đổi cảnh quan khu vực, tạo môi trường sinh thái và là hướng đi đúng, phù hợp với chủ trương phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển bền vững và phát huy hiệu quả thì các nhà đầu tư cần có cái nhìn chiến lược và đầu tư bài bản đáp ứng nhu cầu sở thích của du khách, khai thác được tiềm năng, thế mạnh du lịch.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top