Du lịch cộng đồng - loại hình hấp dẫn tại vùng núi phía Bắc

08:45 - Thứ Năm, 01/08/2019 Lượt xem: 12323 In bài viết
ĐBP - Các tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình khá hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi đá vôi tạo nên những cung đường uốn lượn cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ. Ðây còn là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những phong tục tập quán độc đáo và đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó tiêu biểu là du lịch cộng đồng. Việc phát triển hình thức du lịch cộng đồng là loại hình du lịch xanh lý tưởng đối với những người yêu thích khám phá văn hóa bản địa. Hiện mô hình này đã được áp dụng phổ biến ở 3 tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Ðiện Biên, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Ðiện Biên - du lịch cộng đồng gắn với lịch sử 

Là nơi sinh sống của 19 dân tộc, đồng thời có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Ðiện Biên có nhiều tiềm năng phong phú để phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với lịch sử. Từ năm 2004, tỉnh bắt đầu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại 8 bản văn hóa thuộc huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nổi bật là các bản Phiêng Lơi, Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) và bản Mển (huyện Ðiện Biên).  

 

Người dân bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) chuẩn bị thực phẩm để phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Ảnh: Tú Anh

Bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) là 1 trong 8 bản đầu tiên của tỉnh được đầu tư, xây dựng nhà văn hóa và nâng cấp thành bản văn hóa du lịch giai đoạn 2003 - 2010.

Ðến với bản Mển, du khách được trải nghiệm các hoạt động trong sinh hoạt thường ngày cùng dân bản như: Chế biến các món ăn truyền thống; chăm sóc gia súc, gia cầm; lên rừng lấy củi; xuống suối bắt cá; dệt, thêu thổ cẩm hay tham gia các hoạt động văn nghệ cộng đồng. Bản Mển đã thành lập một tổ ẩm thực có kinh nghiệm trong việc chế biến các món ăn địa phương và một đội văn nghệ chuyên biểu diễn các bài hát, điệu múa truyền thống phục vụ du khách. Ðặc biệt,

đến đây, du khách sẽ được chính trưởng bản dẫn đi tham quan và tìm hiểu một số phong tục, tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái.   

Hà Giang - du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới 

Hà Giang - mảnh đất địa đầu nơi biên cương của Tổ quốc là nơi cư trú của 22 dân tộc, trong đó mỗi dân tộc đều bảo tồn và lưu giữ những giá trị, sắc thái văn hóa riêng, tạo nên bản sắc đặc trưng mà không phải vùng đất nào cũng có được. Với những lợi thế đó, Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới, như bước đột phá trong phát triển du lịch của địa phương. Ðến nay, Hà Giang đã xây dựng được nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng tại hầu hết các huyện trong tỉnh, tiêu biểu là các làng Tiến Thắng, Hạ Thành (TP. Hà Giang); Nậm Hồng và Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì)…   

 

Ðội văn nghệ thôn Hạ Thành, xã Phương Ðộ (T.P Hà Giang, tỉnh Hà Giang) biểu diễn phục vụ du khách thăm Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh: C.T.V

Ðiển hình là làng văn hóa du lịch Hạ Thành, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày sinh sống. Ðến Hạ Thành, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với những đồi cọ xanh biếc, những tảng đá cổ nằm rải rác khắp các thửa ruộng bậc thang hay dòng thác Nậm Tha ngày đêm ào ào nước chảy. Ðến đây, du khách còn có dịp tham gia chương trình du lịch “30 phút làm công dân thôn Hạ Thành” với nhiều hoạt động thú vị như: Nghỉ đêm tại nhà dân, câu cá, làm nương, thưởng thức các món ăn dân dã hay tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian như: múa sen, hát cọi, hát then, hát giao duyên…

Lào Cai - du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái và văn hóa 

Nằm ở vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc, mang trong mình nhiều giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, Lào Cai là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển loại hình du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân bản địa. Thực tế cho thấy, du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến Lào Cai thường thích đi thăm những bản làng dân tộc thiểu số để cùng sống và sinh hoạt với dân bản, cùng dân bản nấu ăn, trải nghiệm các công việc nhà nông, thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian và mua những sản phẩm thổ cẩm, mỹ nghệ, mây tre đan làm quà lưu niệm. 

Hiện nay, Lào Cai đã xây dựng được 13 điểm du lịch cộng đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Sa Pa và Bắc Hà, tiêu biểu là: xã Tả Van, Tả Phìn, Nậm Sài (huyện Sa Pa); Bảo Nhai, Na Hối, Tà Chải (huyện Bắc Hà)… Mô hình du lịch cộng đồng Lào Cai dựa trên nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa để xây dựng khai thác một số sản phẩm du lịch đặc trưng như: sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa ruộng bậc thang Lào Cai trong chương trình “Hành trình khám phá cung đường di sản văn hóa ruộng bậc thang - Tây Bắc” dựa trên di tích danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa và ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả (Bát Xát); sản phẩm “Chợ phiên vùng cao” dựa trên những phiên chợ truyền thống: Bắc Hà, Cán Cấu, Si Ma Cai, Mường Hum, Y Tý…

Và một trong những điểm du lịch cộng đồng mang đặc trưng, sắc thái văn hóa riêng, nổi bật ở Lào Cai là bản Tả Van Giáy, xã Tả Van (huyện Sa Pa) nằm cách trung tâm thị trấn Sa Pa 8km về phía Nam. Hầu hết các hộ trong bản đều làm du lịch cộng đồng. Bất kỳ ai đã một lần đến với Tả Van Giáy, hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh những nương ngô xanh mướt đang trổ bắp, những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngàn trải dài lưng chừng núi, những bữa cơm dân dã ấm áp tình người hay những khuôn mặt hồn hậu, chân chất của con người nơi đây.

Với những đặc trưng riêng về cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa các dân tộc, mỗi địa phương đã lựa chọn những hướng đi khác nhau nhằm phát triển hoạt động du lịch cộng đồng, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân bản địa. Ðể loại hình du lịch này ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách hơn nữa, các tỉnh cần có sự liên kết chặt chẽ, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, mang đậm dấu ấn riêng của mỗi địa phương.

Hoàng Hà (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top