Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch: Tiếp tục làm mới

09:20 - Thứ Sáu, 23/08/2019 Lượt xem: 9656 In bài viết
Tăng trưởng về khách của du lịch Việt Nam những năm qua luôn ở mức 20%-30% có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, yêu cầu làm mới hoạt động này vẫn tiếp tục được đặt ra và ngày càng rõ tính cấp thiết.

 

Hà Nội đẩy mạnh quảng bá du lịch gắn với sự kiện thể thao lớn.

Khó khăn về kinh phí 

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, Bộ đã ban hành Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020, Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025 và phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam.

Đến nay, có 58/63 tỉnh, thành phố đã thành lập bộ phận chuyên trách về xúc tiến du lịch. Việc xã hội hóa xúc tiến, quảng bá du lịch cũng có những nét mới, với sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp. Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia đã huy động được 45 tỷ đồng từ 9 doanh nghiệp để xúc tiến, quảng bá du lịch. Đặc biệt, nhóm “Vietnam Travel Group”, gồm 6 doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội, đã chủ động kinh phí xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại Indonesia và Philippines từ cuối năm 2018 đến nay.  

Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vẫn còn nhiều điểm cần bồi đắp, làm mới để đáp ứng yêu cầu. Tại tọa đàm “Quảng bá du lịch - cần những bước đột phá” diễn ra ở Hà Nội vừa qua, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh nghiệm chưa nhiều, kinh phí còn ít… là những vấn đề cần giải quyết trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch hiện nay.

Mỗi năm, ngân sách nhà nước dành cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch khoảng 2 triệu USD là quá ít so với yêu cầu thực tế cũng như so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan (86 triệu USD/năm), Malaysia (130 triệu USD/năm), Singapore (100 triệu USD/năm)...

Một khó khăn nữa là ngành Du lịch Việt Nam chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài; trong khi đó, Thái Lan có 28 văn phòng, Malaysia có 35, Singapore có 23, Hàn Quốc có 31 văn phòng... 

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành TransViet, với khó khăn như vậy mà ngành Du lịch đã đạt được kết quả khá tốt trong những năm qua, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của những người làm công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần có sự chia sẻ, chung tay cùng ngành Du lịch về hoạt động này.

Đề cao sự chủ động của doanh nghiệp

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia về thu hút khách du lịch cũng như ngành Du lịch Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về tăng trưởng khách, yêu cầu làm mới công tác xúc tiến, quảng bá càng trở nên cấp thiết.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, khi kinh phí từ ngân sách dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch có hạn, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đi vào hoạt động chính thức, thì phải có nhiều cách khác để tăng nguồn kinh phí. Trong đó, đề cao sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp lữ hành, các địa phương...

 

Chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) tháng 7-2019.

Về vấn đề này, Hà Nội đang thể hiện rõ sự chủ động của mình. Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội chủ động tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các hoạt động đối ngoại của thành phố và các sự kiện thể thao quốc tế tổ chức tại Hà Nội thời gian tới như Giải đua xe ô tô công thức 1, SEA Games lần thứ 31 năm 2021...

Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá đối ứng giữa Hà Nội với thành phố Tokyo (Nhật Bản) từ năm 2017 đến nay, đã góp phần thu hút đông đảo du khách Nhật Bản tới Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam.

Đặc biệt, việc hợp tác giữa UBND thành phố Hà Nội với Mạng tin tức quốc tế CNN giai đoạn 2017-2018 và giai đoạn 2019-2024 có tác động tích cực. Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đang đón một đoàn gồm 32 doanh nghiệp lữ hành từ Australia khảo sát các điểm đến du lịch của Hà Nội và Quảng Ninh; đồng thời, tổ chức kết nối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vào ngày 24-8. Đó cũng là kinh nghiệm nhiều tỉnh, thành phố khác có thể tham khảo để làm phong phú hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch...

Ngoài ra, nhóm "Vietnam Travel Group" cũng đã lên kế hoạch tiếp tục xúc tiến, quảng bá du lịch ở Indonesia, Philippines bằng kinh phí của 6 doanh nghiệp trong nhóm... Theo ông Lại Quốc Cường, Giám đốc Công ty Lữ hành Vẻ đẹp Việt, thành viên của nhóm, nếu càng có nhiều doanh nghiệp tự chủ động xúc tiến, quảng bá du lịch, chắc chắn sẽ tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Còn việc thiết lập các văn phòng đại diện chính thức của du lịch Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các thị trường trọng điểm cần được nghiên cứu để sớm áp dụng. Theo ông Lương Văn Tuân, Giám đốc Công ty Lữ hành BeautyTours, trước mắt, có thể có các tổ chức khác kiêm nhiệm, giúp về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, song đó chỉ là giải pháp tình thế. Để làm chuyên nghiệp, bài bản, về lâu dài, phải có văn phòng đại diện chính thức.

Khi hạn chế của quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam đã được nhận diện, rất cần những động thái quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch khẳng định, khi doanh nghiệp và cơ quan quản lý ngồi lại với nhau để cùng thực hiện các giải pháp, thì công tác xúc tiến, quảng bá sẽ thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn và huy động nguồn lực xã hội tốt hơn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top