Ðánh thức tiềm năng du lịch sinh thái ở Tênh Phông

08:57 - Thứ Hai, 26/08/2019 Lượt xem: 9806 In bài viết

ĐBP - Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Tuần Giáo 13km, nhưng trước đây xã Tênh Phông đi lại khó khăn, đất đai chủ yếu là đồi núi độ dốc cao, thiếu đất sản xuất, hạ tầng cơ sở kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm gần đây, được hưởng các chính sách để xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống sinh hoạt... từ nguồn vốn các Chương trình 135/CP, nông thôn mới, Nghị quyết 30a..., bộ mặt kinh tế - xã hội, đời sống người dân trong xã đã có nhiều thay đổi.

Du khách tham quan, thư giãn tại thác nước Tênh Phông.

Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, gần đây người dân xã Tênh Phông phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi gia đình để phát triển kinh tế hộ cải thiện thu nhập và đời sống. Ông Vàng A Mua, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông, cho biết: Tuy khó khăn nhiều mặt, nhưng Tênh Phông là xã có nhiều lợi thế: ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, không khí trong lành. Nhiều năm nay, người dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Trong đó, khu rừng già thuộc địa phận bản Ten Hom được quản lý bảo vệ tốt. Nhiều khe núi trong khu rừng già có nguồn nước trong, sạch, mát lành phù hợp cho nuôi cá hồi, cá tầm; đầu tư ít, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, cho thu nhập cao. Khai thác thế mạnh từ đất rừng và rừng, những năm qua bà con các bản đã phát triển chăn nuôi theo nhóm sở thích, trồng cây thảo quả dưới tán rừng. Cụ thể, Tênh Phông có hơn chục nhóm sở thích chăn nuôi bò, dê, xã có 56ha cây thảo quả. Hình thức chăn nuôi này góp phần phát triển gia súc bền vững, thu nhập từ bán gia súc, thảo quả giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Có đường rải nhựa, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Tuần Giáo khuyến khích động viên Công ty TNHH Sơn Hạnh Ðiện Biên đầu tư xây dựng bể chứa, giống, kỹ thuật... khai thác nguồn nước lạnh để phát triển nuôi cá tầm, cá hồi. Năm 2018, Công ty đã bán ra thị trường hơn 20 tấn cá nước lạnh, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động là con em trên địa bàn xã. Mở rộng quy mô nuôi cá tầm, cá hồi tháng 10/2018, Công ty TNHH Sơn Hạnh đầu tư mở 2,3km đường vào khe núi có thác nước (người dân địa phương đặt tên thác nước Tênh Phông). Tại khe núi này, độ dốc cao, nguồn nước lớn, thiên nhiên tạo nên 5 thác nước. Bên cạnh đó, rừng nhiều cây xanh, khí hậu mát mẻ, không gian môi trường thiên nhiên yên tĩnh. Dưới chân thác nước đầu tiên, Công ty đang xây dựng các hạng mục đập ngăn nước, hồ chứa nước, hệ thống thoát nước, nuôi cá hồi, cá tầm trong lồng bè. Ông Tô Quốc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hạnh Ðiện Biên, cho biết: Khi công trình phục vụ nuôi cá tầm, cá hồi ở khu mới hoàn thành, từ năm 2020 Công ty sẽ bán ra thị trường từ 50 tấn cá tầm, cá hồi/năm trở lên, tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động.

Trung tuần tháng 7, đoàn công tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm 18 cán bộ, chuyên viên các phòng ban chuyên môn do ông Phạm Văn Thăng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh làm trưởng đoàn đi khảo sát các điểm di tích lịch sử văn hóa, liên quan đến chiến trường Ðiện Biên Phủ và danh lam thắng cảnh dọc quốc lộ 6 thuộc địa bàn 3 huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo phục vụ cho quảng bá, giới thiệu, tư vấn phát triển du lịch trên địa bàn. Trong đó, danh lam thắng cảnh thác nước Tênh Phông được đánh giá cao về tiềm năng phát triển.

Khai thác thế mạnh điều kiện tự nhiên, phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm ở xã Tênh Phông là hướng đi đúng được cấp ủy, chính quyền, người dân xã Tênh Phông và nhà đầu tư ủng hộ, đồng thuận. Bước đầu đã góp phần làm phong phú sản phẩm nông nghiệp của địa phương, về  lâu dài sẽ là điểm tham quan, thư giãn, khám phá của du khách gần xa, trở thành nơi cung cấp cá tầm, cá hồi và sản phẩm khác của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top