Ðể du lịch Ðiện Biên có “thương hiệu” riêng

08:59 - Thứ Năm, 29/08/2019 Lượt xem: 13642 In bài viết

ĐBP - Nhắc đến Ðiện Biên là nhắc đến miền đất của lịch sử, của những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc và hệ thống thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng. Với mục tiêu phấn đấu đưa Ðiện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của khu vực trung du miền núi Bắc Bộ vào năm 2020, thời gian qua, địa phương đã tập trung khai thác tốt những tiềm năng sẵn có để tạo dựng nên nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mang “thương hiệu” riêng.

Phiên chợ vùng cao là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn mới được đưa vào khai thác tại Lễ hội Hoa Ban Ðiện Biên năm 2019.

Trước tiên là loài cây đặc trưng - hoa ban. Mặc dù phân bổ ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, như: Sơn La, Yên Bái… song những năm qua Ðiện Biên đã khai thác tốt thời cơ để đưa hình tượng hoa ban trở thành một thương hiệu riêng cho du lịch, với lễ hội có sức hút đặc biệt. Sau tiếng vang từ lần đầu tiên tổ chức, những năm gần đây, Lễ hội Hoa Ban đã trở thành điểm hẹn để những người con xa xứ trở về quê hương, bạn bè trong nước, quốc tế tụ hội giao lưu, trải nghiệm mỗi dịp tháng 3 về. Bằng việc tự làm mới mình, mỗi năm ngành Du lịch địa phương đều nghiên cứu và đưa ra sản phẩm mới, nhằm tạo sức hút cho lễ hội, như: Cuộc thi Người đẹp hoa ban; giới thiệu ẩm thực Tây Bắc; các hoạt động trải nghiệm thi xe đạp thồ, thi tải đạn; và gần đây nhất là Phiên chợ vùng cao - nơi hội tụ đa dạng sắc màu văn hóa cộng đồng các dân tộc Ðiện Biên - Tây Bắc.

Với sản phẩm này, du lịch Ðiện Biên đã thành công khi không chỉ tạo sức hút đối với đông đảo du khách trong và ngoài nước, mà còn đem đến sự hài lòng bằng những trải nghiệm hấp dẫn, mới mẻ. Thống kê từ ngành Du lịch địa phương thì lượng khách đến Ðiện Biên mỗi dịp diễn ra Lễ hội Hoa Ban những năm gần đây đều tăng từ 20 - 25% và chiếm phần đa lượng khách du lịch trong cả năm.

Ngành Du lịch địa phương đã không ngừng làm mới, để mỗi lần đến với Ðiện Biên của du khách đều là một lần trải nghiệm. Cũng là tham quan, tìm hiểu hệ thống di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ, nhưng giờ đây không chỉ theo cách truyền thống, du khách đã có thêm những trải nghiệm thú vị với các sản phẩm du lịch mới, như: “Hành quân theo dấu chân chiến sĩ Ðiện Biên”, “Hành quân theo chiến dịch”, “Du lịch xe đạp thồ”…

Với 19 dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc; những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, ẩm thực mang đậm nét của vùng Tây Bắc… Những năm gần đây Ðiện Biên đã tạo thêm điểm nhấn cho du lịch, thông qua việc khuyến khích, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Ðua thuyền đuôi én tại thị xã Mường Lay tổ chức vào dịp Tết dương lịch hàng năm; xên bản, xên mường, xên lẩu nó, kin pang then, pang then, kin khẩu mấư (các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái); xé pang ả (các dân tộc thuộc nhóm Môn - Khơ me); co nhẹ chà, de khù chà (dân tộc Hà Nhì); khlang khùa, quá tang, tủ cải, dù su (dân tộc Mông, Dao)... Mỗi lễ hội được duy trì hàng năm, mang đậm màu sắc, đặc trưng riêng của từng dân tộc.

Việc khai thác tốt những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá đang được đưa vào làm đa dạng thêm loại hình du lịch Ðiện Biên thời gian gần đây. Như: Chinh phục cực Tây tổ quốc A Pa Chải; khám phá quần thể hang động, núi đá Tủa Chùa; du lịch sông Ðà; khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng; hồ Thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay; trải nghiệm đèo Pha Ðin…

Bên cạnh các sản phẩm du lịch chính, việc phát triển các dòng sản phẩm bổ trợ góp phần đa dạng hóa và phong phú hơn các chương trình du lịch để tăng cường thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch dần được hình thành, như: Du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc Tây Bắc; du lịch lễ hội, tâm linh, về nguồn; du lịch nghỉ dưỡng núi, chăm sóc sức khỏe; du lịch biên giới gắn với mua sắm, quá cảnh tại cửa khẩu Tây Trang; du lịch thương mại, công vụ khai thác gắn với thành phố Ðiện Biên Phủ và các cửa khẩu; du lịch sự kiện, hội họp MICE…

Vài năm gần đây loại hình du lịch cộng đồng do các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nở rộ. Những cái tên như: Homestay Phương Ðức, Mường Then; Tằng Quái Park; Pha Ðin Park; Ðào Viên Sơn tour… đã được nhắc đến trong hành trình du lịch của mỗi đoàn khách, ngoài những điểm đến truyền thống trong lịch trình đến Ðiện Biên. Bản thân những mô hình du lịch mang tính cộng đồng này cũng đang tự làm mới mình, để đáp ứng nhu cầu của du khách và tạo dấu ấn cho riêng mình.

Cách TP. Ðiện Biên Phủ khoảng 50km, Khu du lịch sinh thái Ðào Viên Sơn tour nằm ngay trên tuyến quốc lộ từ Hà Nội đến Ðiện Biên nên rất thuận tiện để trở thành điểm dừng chân đầu tiên của nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành trong nước trước khi đặt chân tới Ðiện Biên Phủ. Khu du lịch này được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên cảnh quan, không gian của núi rừng Tây Bắc để cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, tham quan, chụp ảnh, ăn uống. Ðặc biệt, để khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, đơn vị đang ấp ủ và chuẩn bị “tung” ra thị trường một “sản phẩm” mới, đó là tổ chức trình diễn, giao lưu, trải nghiệm không gian văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Mông, thông qua các trò chơi dân gian, múa khèn, hát giao duyên…

Cùng với tiến trình phát triển chung của cả nước, từng sản phẩm du lịch riêng lẻ đã và đang xây dựng nền tảng vững chắc cho một điểm đến Ðiện Biên đầy hấp dẫn. Thông qua đó, đóng góp một phần nhất định trong sự phát triển chung của địa phương. 6 tháng đầu năm 2019, lượng du khách đến Ðiện Biên ước tính 586.100 lượt, đạt 70,6% so với kế hoạch năm (tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2018); tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 855,8 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm (tăng 32,9% so cùng kỳ 2018).

Mục tiêu hướng tới của Ðiện Biên là phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại trên cơ sở khai thác phát triển du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng đồng bộ với tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch. Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên về Chương trình phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: Phấn đấu đến năm 2020 đón 940.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 210.000 lượt. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 1.560 tỷ đồng. Số ngày bình quân lưu trú của khách duy trì đạt 2,5 ngày. Và đến năm 2030 sẽ đón khoảng 1.600 ngàn lượt khách; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 3.500 tỷ đồng; qua đó tạo việc làm cho trên 35.000 lao động, với trên 10.000 lao động trực tiếp.

Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, mang đậm đặc trưng văn hóa vùng Tây Bắc, gắn liền với các giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ, hồ Pá Khoang và Rừng văn hóa lịch sử Mường Phăng để đưa khu du lịch quốc gia này trở thành điểm nhấn, mốc son trên tuyến du lịch qua miền Tây Bắc.

Những dự án đang được ấp ủ, bước đầu khởi động và một sân bay mang tầm vóc quốc tế chính là “cầu nối” để du lịch Ðiện Biên đến gần hơn với du khách mọi miền. Hơn bao giờ hết, việc phát huy tốt nội lực để xây dựng một thương hiệu lâu bền cho du lịch Ðiện Biên là việc cần làm. Ngoài những giải pháp mà các cấp và ngành văn hóa địa phương đang nỗ lực, thì mỗi người dân cũng cần trở thành một “đại sứ” du lịch, tự mình quảng bá, giới thiệu cho chính mảnh đất quê hương và tạo dựng nên những mô hình, sản phẩm du lịch thực sự mang dấu ấn của sắc màu văn hóa Ðiện Biên.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top