Phát triển du lịch về nguồn tương xứng với tiềm năng

08:47 - Thứ Sáu, 18/10/2019 Lượt xem: 9853 In bài viết

Những năm qua ngành du lịch nước ta đã phát triển nhanh chóng, đa dạng với nhiều loại hình khác nhau, như du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh... thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo du khách trong nước, và nước ngoài. Tuy nhiên đối với loại hình du lịch về nguồn, một thế mạnh dù đã được một số địa phương quan tâm, song phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Về nguồn là loại hình du lịch chứa đựng ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Khi tham gia các tour (chuyến du lịch) về nguồn, đến với các di tích lịch sử - “địa chỉ đỏ” của từng địa phương, du khách không chỉ được vui chơi, tham quan, giải trí như các loại hình du lịch khác, mà còn được tiếp cận và có cơ hội hiểu biết thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương nói riêng, của dân tộc nói chung. Trên thực tế, các chuyến du lịch về nguồn đã và đang góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, bồi đắp niềm tự hào về các giá trị tốt đẹp của cha ông, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho người dân, nhất là giới trẻ.

Đất nước ta có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch về nguồn. Bên cạnh 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên đã được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, Việt Nam có hàng nghìn di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được công nhận là di sản. Trong đó chỉ tính riêng di sản văn hóa vật thể ước tính có hơn 3.000 di sản cấp quốc gia và khoảng 7.500 di sản cấp tỉnh. Hầu như, địa phương nào cũng có các “địa chỉ đỏ” nổi tiếng mời gọi du khách đến tham quan, chiêm bái, tri ân và hồi tưởng về công lao của các tiền nhân đã có công xây dựng, kiến thiết đất nước. Nếu như trước đây trong các chuyến du lịch về nguồn thành phần chiếm số đông là các cựu chiến binh, lão thành cách mạng, gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ hoặc được đưa vào chương trình giáo dục truyền thống của đoàn thanh niên tại các xã phường, quận huyện, các cơ quan, tổ chức hoặc một số trường học, thì gần đây, loại hình du lịch này đã bắt đầu thu hút nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Ngày càng nhiều du khách trẻ đã lựa chọn hình thức du lịch này trong các kỳ nghỉ theo nhu cầu của bản thân, chứ không phải theo hình thức sinh hoạt truyền thống có tính bắt buộc. Điều đó cho thấy du lịch về nguồn ở nhiều địa phương đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, nội dung các tour đã được chú trọng, trở nên hấp dẫn hơn.

Một số địa phương hiện có nhiều tour về nguồn hấp dẫn có thể kể đến như: Hà Nội, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Chẳng hạn, Khu di tích cách mạng Pác Bó, một điểm đến thiêng liêng và hấp dẫn hàng chục năm nay luôn thu hút đông đảo du khách đã luôn được chính quyền, ngành du lịch và nhân dân ở Cao Bằng chú trọng đầu tư, xây dựng, bổ sung nhiều nội dung, chương trình hấp dẫn. Du khách đến đây không chỉ tham quan di tích, mà còn được hòa mình vào môi trường sinh thái trong lành với tổng diện tích 500 ha được quy hoạch trong vùng du lịch. Bên cạnh những giá trị lịch sử cách mạng vô giá, lợi thế phong cảnh non nước hữu tình ở Pác Bó được các nhà đầu tư tận dụng kết hợp, phát triển thành nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, khiến cho di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam ngày càng hấp dẫn. Thống kê của ngành du lịch địa phương cho biết, khách du lịch trong nước và ngoài nước đến khu di tích Pác Bó từ con số 54 nghìn lượt khách năm 2013 đã tăng lên đến 140 nghìn lượt khách năm 2018.

Tương tự, du lịch Quảng Bình trong vài năm trở lại đây, bên cạnh các tour khám phá hang động, thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh cũng đã hết sức chú trọng các tour về nguồn. Quảng Bình đang có những tour về nguồn rất hấp dẫn du khách như địa đạo Văn La, điểm di tích Làng Ho, bến đò Mẹ Suốt, bến phà Long Đại... Đà Nẵng, thành phố phát triển du lịch sôi động cũng đang chuyển hướng quan tâm nhiều hơn đến du lịch về nguồn. Mới đây, ngành du lịch thành phố đã trình duyệt đề án khôi phục, đầu tư, tôn tạo phát triển khu căn cứ cách mạng K20 - khu Di tích lịch sử cấp quốc gia, một di tích sống động về lịch sử hào hùng của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Địa đạo Xóm Đồng và một số căn hầm bí mật tại nhà dân thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đã được khôi phục lại. Khu di tích lịch sử này sẽ sớm trở thành một địa chỉ du lịch về nguồn đặc sắc thu hút du khách trong nước và quốc tế khi đến thành phố Đà Nẵng. Các địa phương khác như Điện Biên, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương cũng đang có nhiều nỗ lực đầu tư, hoàn thiện dịch vụ tại các điểm di tích lịch sử để du khách có nhu cầu trải nghiệm “về nguồn” đến tham quan thật sự thoải mái và muốn quay trở lại. Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ (Điện Biên), nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, bến sông Thạch Hãn (Quảng Trị)... cũng được ghi nhận là các “địa chỉ đỏ” có nhiều du khách đến hơn, chủ yếu do cách làm du lịch của địa phương ngày càng chuyên nghiệp với nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn. Nhiều chuyến du lịch về nguồn đã được chào bán rộng rãi trong các đơn vị lữ hành, thậm chí trở thành tour hút khách.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến đó, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, du lịch về nguồn hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vai trò vẫn còn khiêm tốn trong toàn cảnh bức tranh du lịch. So với số lượng di tích lịch sử, các “địa chỉ đỏ” có tiềm năng phát triển du lịch thì số lượng các tour để lại ấn tượng cho du khách chưa nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang lãng phí tài nguyên du lịch. Hệ thống các di tích chính là nơi lưu giữ các di sản văn hóa lịch sử vô giá nhưng chúng ta vẫn để phần lớn các địa chỉ này “ngủ yên”, chưa biết cách đánh thức, khai thác để làm sống động các giá trị này trong lòng người thông qua các sản phẩm du lịch độc đáo. Chẳng hạn như tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mặc dù có số lượng các tour về nguồn khá phong phú và thu hút một lượng du khách không nhỏ, nhưng xét ra vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Hà Nội hiện có tới hơn 300 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn, nhưng số di tích được giới thiệu, quảng bá và khai thác thu hút nhiều khách du lịch như Hoàng thành Thăng Long, Hỏa Lò... vẫn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhiều địa phương cũng chung cảnh ngộ, dẫn đến tình trạng du lịch vẫn đang loay hoay chưa biết cách làm để thu hút du khách trong các tour về nguồn. Chính vì nội dung tour du lịch còn nghèo nàn; nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp, còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng; việc trùng tu tôn tạo chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước; thiếu sự liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp khai thác du lịch; công tác truyền thông, quảng bá các “địa chỉ đỏ” cũng chưa được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng,... nên phần lớn điểm di tích chưa thể phát huy, tạo được nguồn thu nhập ổn định hiệu quả để tự thân phát triển, chưa nói tới việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thay đổi tình trạng nêu trên, ngành du lịch của mỗi địa phương cần phải chủ động đưa ra những giải pháp phù hợp, trước hết là quan niệm về hình thức du lịch này. Cần nhận thức rằng, các di tích lịch sử, văn hóa đang ngày càng đem lại cơ hội lớn thu hút du khách vì các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh luôn luôn ẩn chứa trong đó, nhiệm vụ của chúng ta là phải phát huy tối đa những giá trị của từng “địa chỉ đỏ”. Mỗi di tích lịch sử cần phải được xây dựng một chương trình riêng và phù hợp, với nội dung hấp dẫn để quảng bá hình ảnh tới các công ty lữ hành, mời gọi khách du lịch, thông qua việc chú trọng xây dựng, nâng cấp, hoàn chỉnh các phòng truyền thống, phòng trưng bày hiện vật, tư liệu, phòng chiếu phim, tạo cảnh quan chung quanh các điểm di tích nhằm thiết lập một không gian thật sự hấp dẫn, thu hút du khách. Điều đáng nói là, với các di tích có nhiều lợi thế khai thác du lịch, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, cần tạo môi trường thuận lợi khuyến khích sự chung tay của xã hội cũng như vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Công việc này cần được kết hợp chặt chẽ với việc nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ quản lý và nhân viên theo hướng khai thác du lịch tại điểm di tích lịch sử. Đồng thời, cần có sự phối hợp các ngành liên quan trong quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ, đường sông, hệ thống bến bãi nhằm tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi các điểm di tích lịch sử khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Vấn đề quảng bá thông tin du lịch tại các “địa chỉ đỏ” cũng cần được quan tâm đúng mức, đầu tư thỏa đáng, nhằm giúp du khách có cơ hội biết nhiều hơn về các tour về nguồn để có lựa chọn phù hợp. Theo Vụ trưởng Lữ hành - Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), Nguyễn Quý Phương, một trong những vấn đề quan trọng nhất để phát triển du lịch về nguồn là tính chủ động của từng địa phương trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá mời gọi du khách tìm đến.

Trên thực tế, du lịch về nguồn có không ít lợi thế, thậm chí là những giá trị độc đáo, đặc biệt mà các loại hình du lịch khác khó có thể so sánh. Nếu chúng ta biết khai thác, tôn vinh đúng cách sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hết sức đa dạng, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới, thú vị. Để tương xứng với tiềm năng sẵn có, ngành du lịch cần phải làm nhiều hơn nữa để việc du lịch tới mỗi “địa chỉ đỏ” thật sự trở thành một hành trình lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở đến những địa danh, những con người đã làm nên lịch sử hào hùng và nền văn hóa đặc sắc của dân tộc, giáo dục giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống cho thế hệ tương lai.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top