Cơ hội việc làm rộng mở với lao động ngành du lịch

14:30 - Thứ Tư, 23/10/2019 Lượt xem: 9757 In bài viết

Dự báo thời gian tới, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch đạt từ 25%-35%. Theo kế hoạch đến năm 2020, ngành du lịch cả nước sẽ cần hơn hai triệu lao động chất lượng cao, chưa kể hàng nghìn lao động cung cấp cho du lịch tàu biển. Đây cũng là ngành học không lo thất nghiệp, với tỷ lệ có việc làm ngay khi ra trường khá cao.

Đào tạo kỹ năng nghề tại Khoa Du lịch (Đại học Mở Hà Nội).

Luôn “khát” lao động

Bên cạnh các ngành tích hợp công nghệ cao phù hợp với công nghệ 4.0, theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP Hồ Chí Minh, thị trường lao động của TP Hồ Chí Minh đã cho thấy xu hướng chuyển dịch nghề nghiệp, những ngành thương mại, du lịch, dịch vụ y tế.. đang là những ngành “hot” của thị trường lao động.

TS Đoàn Mạnh Cương (Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay, số liệu của Tổng cục Du lịch cho biết, hiện tại, cả nước có hơn 1,3 triệu lao động trực tiếp trong ngành du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước. Trong đó, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Chính vì thế, số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao vừa thiếu vừa yếu. Đây cũng là lý do lý giải vì sao ngành du lịch luôn “khát” lao động được đào tạo bài bản.

Hiện nay, cả nước có hơn 190 cơ sở đào tạo du lịch và tham gia giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn. PGS.TS Phạm Xuân Hậu (Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học Văn Hiến, TP Hồ Chí Minh) thống kê, trung bình hằng năm, các cơ sở tuyển khoảng hơn 22 nghìn học sinh, sinh viên, trong đó có khoảng 5.000 cử nhân đại học và cao đẳng, 18.000 học viên các trường trung cấp và khoảng 5.000 người học sơ cấp nghề. Số lượng sinh viên ra trường hằng năm đạt hơn 20 nghìn người. “Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm hiện nay giống như bức tranh sáng dần, trong đó khoảng 70% trình độ đại học và cao đẳng, 80% trình độ trung cấp có việc ngay khi ra trường”, PGS.TS Phạm Xuân Hậu nhấn mạnh.

Tại kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, nhiều trường, khoa du lịch trong cả nước đã ghi nhận những kết quả tuyển sinh tích cực. Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội thông tin, trong năm học này, nhà trường đón hơn 2.500 tân sinh viên nhập trường ở các cấp học. Còn tại Khoa Du lịch (Trường Đại học Mở Hà Nội), gần 300 sinh viên được nhập học trong năm nay được chọn lựa từ 2.642 nguyện vọng đăng ký về khoa.

Theo ông Vũ An Dân, Phó trưởng khoa Phụ trách Khoa Du lịch (Đại học Mở Hà Nội), nhiều sinh viên sau một thời gian thực tập, thực tế tại các khách sạn, công ty lữ hành đã được doanh nghiệp liên hệ trực tiếp mời về cộng tác, làm nhân viên. “Đến mùa cao điểm, nhiều khi doanh nghiệp nhờ Khoa kêu gọi tuyển dụng mà chúng tôi không thể hỗ trợ, vì các em đều đã có nơi nhận làm”, ông Vũ An Dân chia sẻ.

Kỹ năng quan trọng hơn bằng cấp

Là ngành dịch vụ, nhân lực trong ngành du lịch đòi hòi nhiều kỹ năng nghề, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống thực tế… Bởi vậy, hiện nay, nhiều trường đào tạo du lịch đã liên kết chặt chẽ với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp khách sạn, lữ hành để xây dựng các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế.

Không chỉ giúp sinh viên được tiếp cận môi trường làm việc thực tế từ trong nhà trường, đây còn là cách doanh nghiệp tìm được nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của mình. Khi đó, tiêu chí về kỹ năng quan trọng hơn bằng cấp. Ông Lê Đức Phong, Tổng giám đốc khách sạn Hà Nội Daewoo, chia sẻ, nhà tuyển dụng luôn coi trọng thái độ, sự chuyên nghiệp của các nhân viên. “Ngành du lịch nói chung và khách sạn riêng có những điều đặc biệt. Tài sản của doanh nghiệp chính là chất lượng dịch vụ mà nhân viên cung cấp, chứ không phải là máy móc, nhà xưởng như các lĩnh vực khác. Bởi vậy, chúng tôi cần sự chuyên nghiệp, sự đam mê để có thể bắt tay vào công việc”, ông cho biết.

Với những lao động trong ngành du lịch, bên cạnh kỹ năng nghề, ngoại ngữ cũng là một trong những điều kiện cần và đủ đề thành công với nghề. Theo TS Đoàn Mạnh Cương, khó khăn nhất của ngành du lịch hiện nay là thiếu nguồn nhân lực đáp ứng đủ nhu cầu về ngoại ngữ. Trong khi đó, không chỉ có cơ hội việc làm trên sân nhà, lao động Việt Nam có thể gia nhập thị trường chung của khu vực Đông - Nam Á khi Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA) về nghề du lịch đã được thông qua.

Cơ hội việc làm trong ngành du lịch - khách sạn còn đến từ những chương trình hợp tác về đẩy mạnh tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định Việt Nam ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn sang làm việc tại Nhật Bản hay chương trình đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo tiêu chuẩn của Đức….

Khi đó, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, nếu hoàn thiện kiến thức và kỹ năng nghề từ trong nhà trường, những lao động trẻ trong ngành du lịch được kỳ vọng sẽ lấp đầy khoảng trống thiếu hụt nhân lực quản trị cấp cao, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh khách sạn, khu resort... đang phát triển tại Việt Nam hiện nay.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top