Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

09:17 - Thứ Tư, 13/11/2019 Lượt xem: 10327 In bài viết

ĐBP - Trong Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ quan điểm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác...

Tại tỉnh ta, từ khi ban hành, Nghị quyết số 08-NQ/TW được quán triệt, triển khai tới 100% tổ chức đảng và 95% cán bộ đảng viên tham gia học tập Nghị quyết và được thể chế hóa thành các nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh nhận thức rõ quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự thay đổi về nhận thức đó tạo điều kiện cho ngành du lịch Ðiện Biên được cơ cấu lại theo hướng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch gắn với thương mại và liên kết nông nghiệp. Ðồng thời, tập trung phát triển và khai thác sản phẩm du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh; khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ để tạo ra sản phẩm có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, tạo sự khác biệt.

Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng (huyện Ðiện Biên).

Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến về du lịch tiếp tục được quan tâm cả về kinh phí, phương thức tổ chức. Hiện nay, ngành du lịch triển khai tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Quảng cáo tấm lớn tại các cửa ngõ vào Ðiện Biên; phát hành ấn phẩm, tài liệu với 4 ngôn ngữ Việt, Anh, Lào và Thái Lan; trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài truyền hình trong nước và quốc tế, mạng xã hội... Hàng năm, các cơ quan chuyên môn về du lịch phối hợp tham gia nhiều chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tại các hội chợ du lịch trong và ngoài nước; tổ chức đón các đoàn phóng viên báo chí, các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch Ðiện Biên giới thiệu cho khách du lịch. Trong những năm gần đây, công tác xã hội hóa hoạt động quảng bá du lịch Ðiện Biên luôn được đẩy mạnh. Các đơn vị đã vận động doanh nghiệp đóng góp kinh phí tham gia xúc tiến quảng bá du lịch tại các sự kiện hội chợ lớn như: Lễ hội Hoa Ban, Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội (VITM); Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE)... với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Cùng với đó, nhiều nguồn ngân sách được tỉnh dành cho tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp, chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, giao tiếp, thuyết minh, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch, các bản văn hóa du lịch trên địa bàn. Giai đoạn 2017 - 2018, các cơ quan chuyên môn tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng nghề du lịch cho trên 300 lượt học viên tham dự. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền nếp sống văn minh du lịch tới các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị kinh doanh du lịch và người dân tham gia làm du lịch tại các khu, điểm du lịch, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Ðiều quan trọng hơn cả là các sản phẩm du lịch đặc trưng của Ðiện Biên từng bước được hình thành. Có thể nhắc tới sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa: Tập trung khai thác giá trị lịch sử của quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ và bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc Tây Bắc. Trong đó giá trị cốt lõi là quần thể di tích chiến trường gắn với Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ hào hùng. Cùng với đó là phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng trải nghiệm dựa trên các giá trị lịch sử như “Hành quân theo dấu chân Chiến sĩ Ðiện Biên”, “Hành quân theo chiến dịch”, “Du lịch xe đạp thồ”... Du lịch sinh thái cũng đang phát triển với các hoạt động tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái hồ Pá Khoang, rừng Mường Phăng, hang động Pa Thơm, sông Nậm Rốm, du lịch phượt đến các điểm như A Pa Chải, Tủa Chùa... Bên cạnh các sản phẩm du lịch chính, Ðiện Biên còn đang phát triển các dòng sản phẩm bổ trợ góp phần đa dạng hóa và phong phú hơn các chương trình du lịch để tăng cường thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Ví dụ như du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc Tây Bắc; du lịch lễ hội, tâm linh, về nguồn: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội thành Bản Phủ, Lễ Xên Mường gắn với cội nguồn dân tộc Thái ở Mường Thanh... Du lịch nghỉ dưỡng núi, chăm sóc sức khỏe, du lịch biên giới gắn với du lịch mua sắm, quá cảnh tại cửa khẩu Tây Trang...

Nếu như cuối năm 2017, tổng lượng khách đến Ðiện Biên là hơn 600 nghìn lượt, mang lại nguồn thu từ du lịch là 950 tỷ đồng; thì đến cuối năm 2018 nguồn thu là 1.155 tỷ với trên 705 nghìn lượt khách. Năm 2019 với nhiều sự kiện trọng đại đã được tổ chức hứa hẹn là một năm thành công nữa của du lịch Ðiện Biên. Những kết quả đó một lần nữa cho thấy, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo đà cho du lịch Ðiện Biên sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top