Quảng bá giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch

09:00 - Thứ Tư, 20/11/2019 Lượt xem: 10571 In bài viết

Để thúc đẩy hoạt động quảng bá các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, từ ngày 21-26/11, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) phối hợp ngành văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức Ngày hội Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch”. 

Ảnh minh họa.

Hàng trăm đại biểu đại diện các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ðắk Lắk, Gia Lai, TPHCM tham dự Ngày hội Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam năm 2019 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Ðiểm nhấn là các hoạt động tại không gian triển lãm được tổ chức với sự phối hợp của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Tạp chí Heritage, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa Việt Nam với ba phần nội dung trưng bày phong phú: Du lịch qua những miền di sản, Thiên nhiên Việt Nam và Di sản Việt Nam 2019. Gần 100 bức ảnh đẹp về di sản Việt Nam được trưng bày tại đây, cho thấy một bức tranh tổng quát về lịch sử văn hóa, di sản, vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam. Ðó là một hành trình gắn kết, kiến tạo nên đời sống văn hóa, tinh thần, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn được gìn giữ và phát huy. Những nét đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nét đẹp văn hóa, lễ hội, danh lam thắng cảnh, sinh hoạt đời sống con người hằng ngày tạo nên một tổng thể đa dạng mà gần gũi hấp dẫn khách tham quan...

Khu trưng bày những hình ảnh và mẫu vật địa chất, cổ sinh sẽ thể hiện những nét độc đáo của thiên nhiên Việt Nam, tiêu biểu là thế giới côn trùng vô cùng đa dạng và phong phú do các nhà nhiếp ảnh và chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên (Ðại học Florence, Italy) và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam ghi lại trong các chuyến khảo sát ở Việt Nam hơn mười năm qua.

Cùng với đó, một không gian trưng bày của các tỉnh, thành phố có sự tham gia của nhiều đơn vị du lịch, lữ hành theo chủ đề gắn kết văn hóa và du lịch, giúp người xem được trải nghiệm một hành trình dọc dài qua các miền đất nước, tăng thêm hiểu biết về những di sản văn hóa và thiên nhiên đặc trưng ở từng địa phương và hướng khai thác bền vững, vừa bảo tồn, vừa phát huy được các giá trị di sản trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Các tiềm năng cùng những sản phẩm du lịch địa phương được quảng bá sinh động thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt. Khách tham quan được tìm hiểu, trải nghiệm các nghi lễ tín ngưỡng và nghệ thuật diễn xướng mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, H’ Mông, Dao; Ê Ðê, Gia Rai... đến thăm các vùng đất, từ cố đô Huế cổ kính cho đến đại ngàn Tây Nguyên lộng gió, xem biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam Bộ, hát then cổ, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc.

Bên cạnh đó là các gian trưng bày đặc sản, mặt hàng lưu niệm du lịch đặc trưng cùng những chương trình nghệ thuật ẩm thực của các vùng, miền, địa phương với không gian "Nét văn hóa trà Việt" và nghệ thuật thư pháp. Nổi bật là gian hàng của TPHCM về các di sản kiến trúc gắn với quá trình phát triển của thành phố hơn 320 năm tuổi.

Sôi động nhất trong ngày hội là phần triển lãm "Di sản văn hóa, du lịch nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam" giới thiệu, tôn vinh 33 nghề truyền thống được trao tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thủ công mỹ nghệ, cùng các sản phẩm tinh hoa nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống phục vụ du lịch cả nước.

Trong khuôn khổ Ngày hội, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ tổ chức cuộc tọa đàm "Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập quốc tế năm 2019" và lễ ký kết các điểm du lịch kết nối với làng nghề, nghệ nhân tại Hà Nội, Hải Phòng, Sa Pa (Lào Cai), Hội An (Quảng Nam), Thừa Thiên Huế.

Ngay sau chương trình nghệ thuật khai mạc ngày hội có tên gọi "Những sắc màu văn hóa" quy tụ nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, trong suốt thời gian diễn ra ngày hội còn có các chương trình văn hóa nghệ thuật, biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam Bộ, hát then cổ, Hội thi cắt tóc (làng nghề Kim Liên) và nặn tò he (làng nghề Xuân La), thi vẽ tranh "Việt Nam quê hương em", giao lưu nhóm nhạc sinh viên "Tuổi trẻ với di sản văn hóa, du lịch Việt Nam".

P.V (Theo baochinhphu)
Bình luận
Back To Top