Du lịch xanh: Khai thác của hiện tại, để dành cho tương lai

09:38 - Thứ Năm, 12/12/2019 Lượt xem: 9187 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, du lịch xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều nơi. Ðối với Ðiện Biên, có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, lịch sử phong phú đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, từ thực tế, có thể thấy hướng đi này vẫn chưa phổ biến tại tỉnh ta.

Homestay Phương Ðức, bản Che Căn, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) khai thác môi trường tự nhiên, văn hóa truyền thống để phục vụ du khách. Ảnh: Nguyễn Hiền

Tháng 3/2019, diễn đàn “Du lịch xanh” được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019. Tại đây, theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, du lịch xanh được hiểu là du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã xác định: Phát triển sản phẩm du lịch xanh, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương là giải pháp để phát triển du lịch bền vững.

Nói riêng về Ðiện Biên, là điểm đến có sức hút đối với cả du khách trong và ngoài nước. Số lượng khách du lịch tham quan, trải nghiệm năm sau đều tăng so với năm trước. Cùng với sự phát triển ấy, vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường ở các khu đông khách vào mùa cao điểm cũng được đặt ra. Chia sẻ về du lịch xanh, ông Ðặng Minh Phương, phụ trách Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Tại tỉnh ta, các đơn vị kinh doanh, dịch vụ du lịch đã bắt đầu chú trọng những hoạt động hướng đến du lịch bền vững, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Ví dụ như các nhà hàng, khách sạn sử dụng bình nước, ấm nước thay thế chai nhựa, hạn chế các vật liệu độc hại; doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển trang bị phương tiện, thiết bị đảm bảo quy chuẩn về kiểm soát khí thải, thân thiện với môi trường. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia bảo vệ môi trường, nâng tính “xanh” trong cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ. Ðặc biệt là tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở lưu trú phấn đấu đạt nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững).

Có thể nói rằng du lịch xanh liên quan đến nhiều lĩnh vực trong hoạt động du lịch như vận tải, lưu trú, nhà hàng, tour, tuyến. Tất cả các loại hình du lịch cũng đều cần gắn với du lịch xanh để phát huy giá trị di tích, văn hóa, tự nhiên. “Tuy đây là xu hướng và có ý nghĩa tích cực, nhưng tại tỉnh ta, du lịch xanh mới chỉ bắt đầu được quan tâm, tham gia bởi các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chứ chưa có đơn vị nào thực sự nổi bật, tiêu biểu trong hoạt động này”- ông Ðặng Minh Phương cho biết thêm. Ðơn lẻ có thể kể đến một số cơ sở, địa chỉ, như Cà phê A1 (Khu trải nghiệm di tích đồi A1). Từ đầu năm 2019, tại đây đã chuyển từ dùng ống hút nhựa 1 lần sang ống hút giấy, ống hút tre thân thiện với môi trường. Không chỉ dùng sản phẩm “xanh”, mà hơn hết trong dòng cảm xúc lịch sử của di tích đồi A1, không gian mở dưới những tán cây lâu năm, Khu trải nghiệm mang lại cảm giác “xanh” đúng nghĩa cho du khách khi gần gũi, hòa mình với thiên nhiên và trở về ký ức một thời của những người lính tuổi đôi mươi.

Du khách quốc tế tìm hiểu ẩm thực truyền thống dân tộc Thái tại Homestay Phương Ðức, bản Che Căn, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên).

Du lịch xanh không chỉ tôn trọng yếu tố tự nhiên mà còn cả văn hóa bản địa, đề cao vai trò của cộng đồng địa phương. Ðây là yếu tố rất quan trọng để tạo nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo. Tại tỉnh ta, du lịch xanh còn thể hiện trong các mô hình du lịch cộng đồng, giữ nguyên nét thiên nhiên hoang sơ, văn hóa truyền thống đặc sắc để du khách khám phá, tìm hiểu. Qua đó mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc cho người dân. Tiêu biểu như mô hình du lịch cộng đồng bản Che Căn, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) do Tổ chức Action on Poverty và Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh hỗ trợ, tư vấn. Anh Lò Văn Ðức, chủ Homestay Phương Ðức (thuộc mô hình) cho biết: Năm qua, Homestay đã đón gần 50 đoàn khách đến trải nghiệm. Du khách đến với cơ sở chúng tôi ngoài ngủ nhà sàn, hát múa, ăn món truyền thống dân tộc Thái còn thích đạp xe thăm thú quanh bản, đi thuyền trên lòng hồ Pá Khoang, tham gia làm ruộng, trồng rau... Ðây đều là các hoạt động ít tác động đến môi trường, gần gũi, tôn trọng đời sống, văn hóa địa phương.

Khách du lịch hiện đại đang ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường, cộng đồng, vì vậy dù mới manh nha nhưng du lịch xanh có nhiều tiềm năng phát triển tại địa bàn tỉnh ta. Sự chuyển biến trong nhận thức, thay đổi, chủ động trong hành động của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh cho chúng ta thêm niềm tin về tăng trưởng xanh, bền vững của ngành du lịch tỉnh nhà với phương châm khai thác của hiện tại, để dành cho tương lai.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top