Khảo sát, phát triển sản phẩm du lịch mới

09:29 - Thứ Năm, 02/01/2020 Lượt xem: 8866 In bài viết

ĐBP - Vài năm trở lại đây, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh nhà triển khai nhiều chương trình khảo sát các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Qua quá trình khảo sát thực tế, những ưu, nhược điểm của các tuyến này dần bộc lộ, là cơ sở để những người làm du lịch đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch mới của Ðiện Biên…

Ðoàn famtrip do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát tại hang Thẳm Púa, xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo).

Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch thường xuyên phối hợp với các đơn vị khác tổ chức các chuyến famtrip (một hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen tiếp thị) tiến hành khảo sát các tuyến đường, tình trạng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch tại các địa điểm có tiềm năng trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Phạm Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch cho biết: Các chương trình khảo sát đều lựa chọn những điểm di tích lịch sử, văn hóa mà nhiều người biết tới, có trong sử sách nhưng chưa thể đưa vào khai thác du lịch. Tham gia đoàn không chỉ có cán bộ, viên chức của đơn vị mà còn nhiều phòng, ban khác trong Sở VHTT&DL, các công ty lữ hành, cơ quan báo chí… Ðể từ đó có thể khảo sát thu thập thông tin, hình ảnh, đánh giá thực trạng công tác quản lý các điểm này. Và cũng có cơ sở để đề xuất các chương trình du lịch, các giải pháp nâng cao khả năng khai thác phục vụ hoạt động du lịch trong thời gian tới.

Qua quá trình khảo sát, có nhiều điểm tương đối khả thi, hứa hẹn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai. Ví dụ như cuối tháng 7 vừa qua, Trung tâm tổ chức đoàn famtrip gồm 18 thành viên từ nhiều đơn vị đi khảo sát một số điểm có tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng và Tuần Giáo. Tiêu biểu trong đó, đoàn đã khảo sát Di tích Tượng đài kéo pháo bằng tay, chinh phục dốc Chuối với đoạn đường dài 3,9km đến vị trí anh hùng Tô Vĩnh Diện hi sinh trên địa bàn xã Nà Nhạn (huyện Ðiện Biên). Ðây là con đường kéo pháo bằng tay duy nhất và cũng là con đường kéo pháo đầu tiên trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ được khôi phục. Có thể thấy điểm tham quan này nằm trên tuyến đường giao thông thuận lợi, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc để giới thiệu, giáo dục lịch sử, hành trình chinh phục mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách. Do vậy, có thể đưa điểm này vào chương trình tham quan.

Ngoài ra, cũng cần có thêm những mô hình, hiện vật trưng bày tại đỉnh dốc hoặc dọc quốc lộ 279 để du khách có thể hiểu thêm và trải nghiệm.

Trong chuyến famtrip này, đoàn còn khảo sát hang Thẳm Púa thuộc địa phận bản Bó, xã Chiềng Ðông (huyện Tuần Giáo). Ðây là địa điểm đặt Sở chỉ huy đầu tiên của chiến dịch Ðiện Biên Phủ do Ðại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng tư lệnh. Thẳm Púa có vẻ đẹp tự nhiên và còn khá nguyên vẹn, lòng hang rộng, càng đi vào sâu bên trong càng gặp nhiều phiến đá to, phẳng như mặt bàn phủ đầy rêu phong. Hang Thẳm Púa là di tích thành phần thuộc quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Ðây cũng là một điểm có khả năng khai thác du lịch khám phá, lịch sử.

Mới đây, vào đầu tháng 12, Trung tâm chủ trì thành lập đoàn famtrip khảo sát đài quan sát trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ trên đỉnh núi Pú Tó Cọ, xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên). Ðồng thời, đánh giá điểm du lịch cộng đồng homestay Phương Ðức và các điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn xã Mường Phăng. Ðỉnh Pú Tó Cọ cao trên 1.700m so với mực nước biển, với tổng diện tích khoảng 5.000m2, thuộc địa phận bản Khá, xã Mường Phăng, cách trung tâm xã Mường Phăng 8km. Ðây là vị trí thuận lợi, từ độ cao này có thể phóng tầm mắt quan sát ra nhiều phía, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp. Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Ban Tham mưu Chiến dịch đã đứng trên đỉnh Pú Tó Cọ để theo dõi, quan sát sự suy yếu và biểu hiện thất thủ của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ngoài ra, di tích còn mang giá trị văn hóa to lớn đối với đồng bào dân tộc Thái xã Mường Phăng. Nếu được khai thác điểm tham quan này sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Do vậy, cũng cần cải tạo và đưa vào chương trình du lịch khám phá trải nghiệm. Ðặc biệt, có thể nghiên cứu phát triển môn thể thao dù lượn từ đỉnh Pú Tó Cọ xuống các bãi trống của xã Mường Phăng hoặc Pá Khoang để du khách trải nghiệm như một số địa phương đã làm. Cùng với việc chinh phục Pú Tó Cọ, du khách có thể kết hợp trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng tại homestay trải nghiệm đi xe trâu hoặc chèo thuyền độc mộc trên lòng hồ Pá Khoang…

Trong 2 năm 2018 - 2019, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tổ chức 5 chuyến khảo sát các điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Qua đó, cũng cơ bản đánh giá được những mặt mạnh, yếu của các điểm này. Theo ông Phạm Văn Thăng, từ một chuyến khảo sát chưa thể hình thành ngay được một tour du lịch mới để đưa vào khai thác. Bởi qua thực tế trải nghiệm, còn không ít những khó khăn, như: Các điểm đều ở xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn; chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng… Ðứng trước những khó khăn, thách thức đó, thành viên trong các đoàn famtrip đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất có tính khả thi để khai thác được các điểm này trong tương lai. Không chỉ vậy, dù cần nhiều thời gian nữa để nghiên cứu, xem xét nhưng có thể kết hợp các điểm từ những chuyến khảo sát khác nhau hình thành nên tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn, từng bước đưa vào khai thác, góp phần phát triển thêm các sản phẩm hấp dẫn cho du lịch tỉnh nhà.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top