Ðất nước - con người

Ðình Hưng Lộc

10:55 - Thứ Năm, 16/01/2020 Lượt xem: 8603 In bài viết

Nằm về phía tây nam xã Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Ðịnh), đình Hưng Lộc thờ Thái úy Ðại tướng Phạm Cự Lượng. Ông là danh tướng có công lao trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước dưới hai vương triều Ðinh và Tiền Lê. Theo cuốn thần tích “Hưng Lộc hương thần từ sự tích” (Sự tích đền thờ thôn Hưng Lộc), Phạm Cự Lượng sinh ngày 20/11 năm Giáp Thìn (944). Sống trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến loạn ông đã cùng anh là Phạm Hạp chiêu dụ nhân tài, chọn Ðinh Bộ Lĩnh là minh chủ. Phạm Cự Lượng được Ðinh Bộ Lĩnh trọng dụng, giao cho giữ chức Phòng ngự sứ tiên phong tướng quân, cử ra trấn giữ vùng cửa biển Ðại ác. Vùng này ở ven biển, gần cửa sông Ðáy và là ngã ba sông, tương ứng với địa bàn miền nam huyện Ý Yên, phía Bắc huyện Nghĩa Hưng, trong đó có các thôn Hưng Lộc, Hải Lạng, Hưng Nghĩa, Thượng Kỳ, Hạ Kỳ... thuộc xã Nghĩa Thịnh ngày nay.

Quần thể Ðình Hưng Lộc.

Năm 968, Ðinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn 12 sứ quân lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là Ðại Cồ Việt, xây dựng kinh đô ở Hoa Lư, đặt triều nghi, dựng chế độ phong kiến tập quyền. Do công lao, đức độ nên Phạm Cự Lượng được phong là Tâm phúc tướng quân, coi việc thị vệ bảo vệ hoàng thành.

Năm Nhâm Ngọ (982), Phạm Cự Lượng cùng Hoàng đế Lê Hoàn chinh phạt quân Chiêm Thành thu thắng lợi lớn. Năm sau (983), Phạm Cự Lượng tuân lệnh chỉ huy khơi sông mới từ Ðồng Cổ đến Bà Hòa, thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Ngoài việc khơi sông, ông còn đắp đất hai bên, tạo thành đường lớn để mở mang mạng lưới giao thông thủy bộ.

Ngày 19/9 năm Giáp Thân (984), Phạm Cự Lượng mất tại quân doanh ở Ðồng Cổ, hưởng thọ 41 tuổi. Ðược tin đó, vua Lê Hoàn tỏ lòng thương tiếc, cho đem linh cữu về kinh thành táng tại núi Bồ ở phía sau kinh thành Hoa Lư (nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Nhân dân Ðồng Cổ nhớ công ơn của Phạm tướng quân nên đã lập đền thờ ông, với thần hiệu: “Lê triều tiên phong đại tướng quân, Thái úy Ðồng Cổ sơn thần”.

Ngọc phả đền Hưng Lộc có ghi sự việc năm Ðại Bảo (1440 - 1442), tại vùng núi Ðồng Cổ có mưa lớn, nước lên to, cây cối bị đổ, gãy trôi theo dòng nước. Khi ấy có một cây gỗ trôi về bến Bạch Vân, thôn Hưng Lộc, huyện Ðại An, trấn Sơn Nam là nơi xưa kia đại tướng quân Phạm Cự Lượng đã từng đóng quân. Cây gỗ đổ trôi dạt vào bến, bị ông già kéo vó nhiều lần đẩy ra, nhưng lại trôi vào chỗ cũ. Việc lạ này cùng với thần núi Ðồng Cổ Phạm Cự Lượng báo mộng cho dân làng nên nhân dân địa phương đã lập đền thờ.

Ngoài ra, đình Hưng Lộc còn thờ bốn vị thủy tổ có công khai hoang lập ấp thuộc họ Bùi, Lường, Hoàng, Phạm vào thế kỷ XIII. Công sức của bốn vị tổ đã lập nên cả một vùng đất rộng lớn, gồm nhiều thôn của xã Nghĩa Thịnh ngày nay. Ðể ghi nhận công lao đó, không riêng gì Hưng Lộc mà các thôn Hải Lạng, Hưng Nghĩa, Nhân Hậu, Bình A đều lập đền thờ. Bức đại tự ở tiền đường đình Hưng Lộc còn ghi: “Công tại vạn thế” nghĩa là công lao tồn tại mãi mãi.

Ngoài những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, đình Hưng Lộc còn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Ðó là ngày hội xuân ngày mồng 6 tháng giêng và lễ hội kỷ niệm ngày sinh của tướng quân Phạm Cự Lượng từ ngày 18 đến ngày 21/11 âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ trang trọng và hình thức vui chơi giải trí, thuần phong mỹ tục từ bao đời của người dân Hưng Lộc xã Nghĩa Thịnh.

Từ những giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, đình Hưng Lộc đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa.

Hòa An (sưu tầm)
Bình luận
Back To Top