Người vùng cao làm kinh tế

15:52 - Thứ Năm, 16/01/2020 Lượt xem: 8972 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên có 19 dân tộc anh em cùng chung sống với dân số gần 59 vạn người, trong đó trên 80% là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, đồng bào đã khắc phục khó khăn, từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để triển khai thêm nhiều mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn hơn 37%...

Nhân viên Homestay Mường Then (huyện Ðiện Biên) chuẩn bị các món ăn truyền thống dân tộc Thái cho du khách.

Theo đánh giá từ UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2014 - 2019 của tỉnh đạt 8,72%/năm; thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2017 - 2018 đạt 22,69 triệu/người/năm, tăng gấp 4,3 lần so với giai đoạn 2014 - 2015. Có được những thành quả đó, một phần là nhờ người dân đã biết phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai về sản xuất cây nông nghiệp, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng và mở rộng thâm canh, tăng từ 1 vụ lên 2 vụ/năm; cơ giới hóa được áp dụng vào các khâu sản xuất. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: Chè, cà phê, cao su, mắc ca, lúa chất lượng cao, rau an toàn…

Huyện Tuần Giáo là một trong số các địa phương trọng điểm phát triển cây mắc ca của tỉnh với gần 1.400ha. Dù mắc ca chưa cho thu hoạch nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho những người dân tham gia trồng loại cây này. Ông Lò Văn Puốn, bản Củ, xã Quài Nưa cho biết: Hiện tại gia đình tôi tham gia góp cổ phần bằng quyền sử dụng 3,5ha đất; vận động anh em họ hàng, bà con trong bản đóng góp 75ha đất trồng cây mắc ca. Ðến nay, cây mắc ca đã bước vào năm thứ 4, được chăm sóc, bảo vệ đúng quy trình nên phát triển tốt. Trong 5 năm đầu góp đất, cây mắc ca chưa cho thu hoạch nên Công ty Cổ phần Mắc ca Ðiện Biên hỗ trợ 1 triệu đồng/ha để người dân trang trải cuộc sống. Ngoài ra, với những người dân có nhu cầu đều được trở thành công nhân của Công ty để chăm sóc cây mắc ca với mức thu nhập tương đối ổn định. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm dần, thu nhập bình quân, đời sống của người dân từng bước được tăng lên.

Cùng với đó, diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm không ngừng tăng do người dân biết khai thác tốt tiềm năng các hồ, đập, sông, suối và lợi thế của các địa phương. Ðồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa vào nuôi một số giống cá có giá trị kinh tế cao, như: Cá hồi, cá tầm, cá lăng, cá chiên… góp phần tăng lợi nhuận cho các hộ dân gấp 2 - 2,5 lần so với nuôi truyền thống và duy trì tốc độ tăng sản lượng bình quân 9,1% năm. Sau tái định cư Thủy điện Sơn La, diện tích đất nông nghiệp và 100% diện tích ruộng của người dân xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) chìm sâu trong nước khiến họ phải tìm hướng đi mới để duy trì sinh kế. Ông Tẩn A Ðạt, Chủ tịch UBND xã Huổi Só cho biết: Nhận thấy việc nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân mạnh dạn triển khai phương án này. Ðến nay, trên địa bàn xã có 5 hộ gia đình tham gia với 28 lồng nuôi cá. Mỗi năm xuất bán được khoảng 2,7 tấn cá thịt với doanh thu khoảng trên 250 triệu đồng. Ngoài xã Huổi Só, còn nhiều địa phương tái định cư thủy điện Sơn La khác của huyện Tủa Chùa, TX. Mường Lay cũng đang biến khó khăn thành lợi thế theo hướng đi này.

Không chỉ có những bước tiến trong nông nghiệp, người dân còn tích cực tham gia vào khu vực thương mại, dịch vụ. Thời gian gần đây, du khách gần xa thường nhắc đến điểm dừng chân lý tưởng khi đến đỉnh đèo Pha Ðin là khu du lịch “Pha Ðin Pass” do Hợp tác xã Pha Ðin Pass có trụ sở tại thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo xây dựng. Khu du lịch được hình thành dựa trên ý tưởng muốn xây dựng một điểm nghỉ ngơi, dừng chân để du khách có thể thoải mái vui chơi, ngắm cảnh, cũng là nơi giao lưu của người dân hai tỉnh Ðiện Biên và Sơn La. Khu du lịch chia ra nhiều không gian cho du khách vui chơi, ăn uống và trải nghiệm các loài hoa và không khí trong lành, mát mẻ của vùng núi cao nên rất “được lòng” du khách. Cũng vì thế mà lượng khách đến với điểm du lịch này rất đông, đặc biệt là vào các ngày nghỉ, ngày lễ, mang lại nguồn thu không nhỏ cho Hợp tác xã Pha Ðin Pass. Từng bị coi là “thiếu nữ ngủ quên” nhưng đến nay, khu vực lòng hồ Noong U đã được già làng Cứ Chừ Tú, bản Tìa Ló B, xã Noong U (huyện Ðiện Biên) “đánh thức” và biến thành khu du lịch sinh thái cộng đồng thu hút đông đảo du khách tới tham quan. Với khu rừng thông 20 năm tuổi rộng 7.000m2 cùng 5ha diện tích mặt nước, khu du lịch hồ Noong U mang tới cho du khách không khí trong lành của núi rừng, vẻ đẹp tự nhiên của các loài hoa và đặc biệt là làn nước trong xanh như ngọc bích… Dẫu còn nhiều việc phải làm phía trước để khu du lịch hồ Noong U mang lại thu nhập cho cộng đồng tại đây nhưng có thể thấy được việc chuyển hướng phát triển kinh tế mới của người dân vùng cao.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top