“Địa chỉ đỏ” khơi dậy tinh thần yêu nước

11:07 - Thứ Hai, 03/02/2020 Lượt xem: 6528 In bài viết

Bên cạnh số lượng di tích lịch sử - văn hóa đồ sộ, Thủ đô Hà Nội còn có hàng trăm di tích cách mạng, gắn với phong trào yêu nước, quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bảo tồn và phát huy giá trị các “địa chỉ đỏ” này, không chỉ nhằm thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước, mà còn góp phần tô điểm, làm sáng thêm truyền thống yêu nước, yêu chuộng hòa bình của Thủ đô nghìn năm tuổi.

Du khách tham quan Di tích nhà số 5D Hàm Long - nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Nam Nguyễn

Điểm đến thiết thực và sâu sắc

Những ngày này, ngôi nhà 5D Hàm Long (quận Hoàn Kiếm) luôn tấp nập người đến tham quan, tìm hiểu lịch sử di tích. Họ là những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thuộc nhiều cơ quan, đơn vị; học sinh, sinh viên tại nhiều trường đại học, trung học tới đây với mong muốn thấy được những bài học lịch sử quý giá, cảm nhận rõ hơn những cống hiến, hy sinh to lớn của lớp người đi trước cho độc lập, tự do của dân tộc.

Trong căn phòng nhỏ với những vật dụng đơn sơ còn lưu giữ, Trịnh Ngọc Thục Anh (học sinh lớp 8A, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Ngôi nhà 5D Hàm Long là điểm đến thiết thực và sâu sắc với học sinh chúng em. Nơi đây ghi dấu sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên của Việt Nam, sự kiện mang nhiều ý nghĩa với lịch sử Đảng, với cách mạng đất nước”.

Nằm cách ngôi nhà 5D Hàm Long không xa là ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm), nơi ghi dấu thời gian hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - đồng chí Trần Phú, cùng sự ra đời của bản Luận cương cách mạng tư sản dân quyền do đồng chí biên soạn. Những năm qua, “địa chỉ đỏ” này được các cấp chính quyền và cơ quan văn hóa Hà Nội bảo tồn, gìn giữ, trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu, nơi tổ chức các hoạt động truyền thống, như: Lễ báo công, lễ kết nạp đoàn, đội... của nhiều trường học, đoàn thể trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt, thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách, một trưng bày đặc biệt mang tên “Những hoạt động của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng tại ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm” đã được đưa vào phục vụ công chúng từ giữa năm 2019. Theo Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, trưng bày giới thiệu 70 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, tranh vẽ, theo các nội dung từ quê hương, gia đình, thời niên thiếu, quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm.

“Thông qua hoạt động trưng bày, cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú, gắn với những diễn biến quan trọng của giai đoạn cách mạng đầy khó khăn, hiện lên chân thực, gần gũi, đi vào lòng người, khiến nhân dân càng thêm thấm thía, tự hào với truyền thống lịch sử của đất nước”, ông Nguyễn Doãn Văn bày tỏ.

Lan tỏa truyền thống cách mạng

Không chỉ tại ngôi nhà 5D Hàm Long, ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm, trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng đã được thực hiện thông qua nhiều hoạt động giáo dục truyền thống hấp dẫn, sinh động, như: Triển lãm, trưng bày chuyên đề, tổ chức nói chuyện chuyên đề, giao lưu với nhân chứng lịch sử... Có thể kể đến nhà số 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; di tích Nhà tù Hỏa Lò; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc (Hà Đông); hầm 59 và 66 tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nơi Bộ Chính trị đề ra các chủ trương, quyết sách quan trọng, đập tan âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ trong giai đoạn từ năm 1965 đến 1973…

Tại các điểm này, ngoài việc trực tiếp nghe thuyết minh hướng dẫn, khách tham quan có thể tìm hiểu sâu hơn về nội dung, ý nghĩa của di tích thông qua một số ấn phẩm được xuất bản như sách, tờ rơi, đĩa CD… Ngoài ra, rất nhiều di tích đã thúc đẩy việc tôn vinh, quảng bá giá trị bằng việc tích cực kết nối với các địa chỉ lịch sử, tạo thành tuyến tham quan hấp dẫn, chất lượng.

Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Các hoạt động giáo dục truyền thống tại đây được tổ chức thường xuyên, giúp các thế hệ có nhận thức đúng đắn về lịch sử đất nước; đồng thời cũng nhằm để bạn bè quốc tế hiểu hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử đầy tự hào của Việt Nam. Trung bình mỗi năm, di tích đón tiếp hơn 600 nghìn lượt khách tham quan, tìm hiểu.

Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng gắn với quá trình đấu tranh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức khẳng định: Lịch sử cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, là một chặng trong bản anh hùng ca của dân tộc. Biết bao căn nhà, góc phố, bến nước, sân đình đã gắn với cuộc đấu tranh giành lại độc lập. “Việc phát huy những giá trị lịch sử ấy thông qua hoạt động giáo dục truyền thống không chỉ góp phần tôn vinh thế hệ cha anh, mà còn tạo nên sức sống lâu bền cho chính các di tích”, ông Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top