“Phép thử” cho ngành Du lịch

10:08 - Thứ Năm, 06/02/2020 Lượt xem: 6572 In bài viết

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) đang diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và cả xã hội. Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp nhất, đặc biệt thời gian này đang là cao điểm của mùa du lịch lễ hội ở trong nước và mùa đón khách du lịch quốc tế đông nhất. Trước “phép thử” không mong muốn này, ngành Du lịch cùng doanh nghiệp đang tìm giải pháp thiết thực để vững vàng vượt qua thử thách, tiếp tục phát triển.

Thành viên CLB lữ hành UNESCO Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho du khách tại đền Ngọc Sơn. Ảnh: Khánh Phùng

Khó khăn chồng chất

Ngay từ khi những ca đầu tiên nhiễm vi rút nCoV xuất hiện tại Việt Nam, nhiều người đã nghĩ rằng không thể chủ quan với dịch bệnh này. Tuy nhiên, những diễn biến bất ngờ của nó vẫn khiến ngành Du lịch cũng như nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ cung ứng du lịch hay các khách sạn, điểm đến hoàn toàn rơi vào thế bị động khi số lượng khách hoàn, hủy tour ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và phát triển du lịch Nụ cười mới cho biết: “15 năm làm nghề, chưa bao giờ công ty tôi phải đối mặt với khó khăn như bây giờ. Ngay từ mùng 6 tháng Giêng, các khách hàng đã đặt xe du lịch đều báo hủy. Chưa đầy một tuần, tỷ lệ hợp đồng bị hủy đã lên tới 95%, trong khi những năm trước, thời điểm ra Tết cho đến hết tháng Ba âm lịch công ty chúng tôi luôn “cháy” xe, không đáp ứng đủ nhu cầu của du khách”. Quan sát trên màn hình điều hành xe của công ty, dễ thấy gần như toàn bộ xe đều báo tín hiệu không hoạt động.

Trong tình cảnh tương tự, hệ thống khách sạn trong khu vực phố cổ Hà Nội như La Siesta, Camellia, A25, Old Quarter View Hanoi Hostel hay các khách sạn lớn như Kim Liên, Công Đoàn, Hanoi Daewoo, Sofitel Metropole... cũng liên tục bị khách hủy hợp đồng. Không nằm ngoài “vòng xoáy” của dịch bệnh, các doanh nghiệp lữ hành lớn như HanoiRedtour, Vietrantour, Vietsense Travel, Vietravel... cũng phải hoàn tiền cho khách hàng đã đăng ký các tour Trung Quốc hoặc hỗ trợ chuyển đổi ngày khởi hành khác.

Tại các điểm đến, di tích, danh lam thắng cảnh vốn thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi ngày như Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long..., số lượng khách cũng giảm hẳn. Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố và Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, các điểm di tích này cũng chính thức đóng cửa, không đón khách từ chiều ngày 4-2-2020. Toàn bộ các lễ hội tại các địa phương dù đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước cũng bị hoãn tổ chức nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Thời gian này, thông thường, trung bình mỗi ngày chúng tôi đón hơn 4.000 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 100 triệu đồng/ngày. Việc đóng cửa, dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đơn vị bởi chúng tôi chủ yếu duy trì hoạt động từ nguồn tiền bán vé. Tuy nhiên, vì sự an toàn của du khách, chúng tôi muốn chung tay chia sẻ để cùng thành phố và cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Chủ động vượt thách thức

Không thờ ơ trước những khó khăn của dịch bệnh, các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) lữ hành UNESCO Hà Nội đã cùng nhau quyên góp, phát hàng nghìn khẩu trang miễn phí cho du khách tại các điểm đến nổi tiếng của Hà Nội như: Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà cổ 87 Mã Mây, Nhà hát lớn, Bảo tàng Dân tộc học... Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch CLB cho biết: “Bên cạnh việc huy động các doanh nghiệp chung tay quyên góp kinh phí để mua và phát khẩu trang miễn phí cho du khách, chúng tôi cũng đồng hành, hỗ trợ, làm “cầu nối” giúp doanh nghiệp đề đạt nguyện vọng được các ngân hàng hỗ trợ trong việc giãn nợ, giảm lãi suất, bởi áp lực lớn nhất của các doanh nghiệp trong thời gian tới là không có nguồn thu mà vẫn phải trả nợ ngân hàng hằng tháng với số tiền không nhỏ”. Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà cho rằng, các doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có những hỗ trợ về chính sách thuế, bảo hiểm xã hội để chia sẻ khó khăn trước mắt với các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia du lịch, từ kinh nghiệm đối phó với những dịch bệnh tương tự từng xảy ra như đại dịch SARS, ngành Du lịch sẽ phải mất ít nhất 3 - 4 tháng rất khó khăn trong việc thu hút khách, duy trì các mục tiêu đã đề ra hồi đầu năm. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, đây là thời điểm nhạy cảm, các cấp ngành, người dân và doanh nghiệp cần bình tĩnh tìm biện pháp ứng phó, thích nghi để hạn chế, phòng chống dịch. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, thay đổi các mục tiêu, kế hoạch cho phù hợp với thực tế; bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, và về lâu dài là cho chính ngành Du lịch. Cũng cần tính tới việc sau khi dịch bệnh lắng xuống, làm thế nào để có thể hoạt động, thu hút khách trở lại một cách tốt nhất.

Với tinh thần không chủ quan, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục vào cuộc một cách chủ động, tích cực; chủ động hủy tour, không tổ chức các đoàn khách tới nơi đang có dịch và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào thành phố. Chủ động phòng chống dịch cho du khách và cán bộ, nhân viên tại khách sạn, điểm đến du lịch, trên xe vận chuyển khách du lịch và văn phòng công ty mình bằng nhiều hình thức. Sở cũng duy trì hoạt động 24/24h Tổng đài 1800556896 nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và du khách liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV.

Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của toàn xã hội, các cấp, ngành cùng người dân và doanh nghiệp, hy vọng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút nCoV sẽ sớm bị đẩy lùi. Qua “phép thử” này, một lần nữa, ngành Du lịch sẽ thêm chủ động trong việc ứng phó với mọi biến động nhiều mặt, từ đó tiếp tục phát triển, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự đi lên của Thủ đô và cả nước.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top