Vực dậy ngành du lịch - Bài 2: Tăng tốc ngay khi hết dịch

09:18 - Thứ Ba, 25/02/2020 Lượt xem: 9504 In bài viết

Một số chuyên gia phân tích, DN chuyên phục vụ thị trường khách Trung Quốc nên thay thế thị trường. Đối với công ty phục vụ đa thị trường cần cân đối lại lượng khách và khai thác thị trường khách mới. 

Đà Nẵng khai thác các đường bay Lào, Ấn Độ để chuyển dịch thị trường khách du lịch. Ảnh: Xuân Quỳnh

Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng thời điểm này chính là lúc xem xét, cơ cấu lại thị trường, bồi dưỡng nguồn nhân lực…; đồng thời gấp rút kiến nghị Chính phủ sớm đưa ra chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất vay ngân hàng, giãn nợ vay… để doanh nghiệp (DN) có thể phục hồi, lấy đà tăng tốc ngay khi hết dịch Covid-19.

Xúc tiến tại chỗ, cơ cấu lại thị trường

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ ngay từ lúc này, không để đến khi dịch lắng xuống mới bắt tay làm, bởi như vậy sẽ chậm một bước. Việc cần thiết trước mắt là chuyển hướng xúc tiến sang các thị trường xa như: Anh, Mỹ, Australia, Canada, các nước Tây Âu, Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần có kết nối đường bay thuận lợi đang có tốc độ tăng trưởng cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ đồng thời tăng cường truyền thông, quảng bá xúc tiến tại thị trường Trung Quốc sau khi có công bố hết dịch”.

Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng lúc này nên tập trung công tác đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác xúc tiến tại chỗ, đẩy mạnh e-marketing quảng bá điểm đến. Sở sẽ cùng các doanh nghiệp chuẩn bị Chương trình Kích cầu du lịch nội địa để đưa vào hoạt động ngay khi dịch bệnh lắng xuống. Đồng quan điểm này, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) nhận định, Việt Nam nên tranh thủ cơ hội này để đưa ra các chính sách miễn hoặc gia hạn visa dài hơn cho các thị trường tiềm năng nhằm kích cầu hiệu quả.

Một số chuyên gia phân tích, DN chuyên phục vụ thị trường khách Trung Quốc nên thay thế thị trường. Đối với công ty phục vụ đa thị trường cần cân đối lại lượng khách và khai thác thị trường khách mới. Thời điểm hiện tại, do tác động của dịch Covid-19, thị trường khách du lịch bị mất trong quý 1-2020 có khả năng mất luôn trong quý 2. Ngành du lịch cần có giai đoạn tạo đà để tăng tốc và phát triển nhưng hiện tại biểu đồ phát triển đi ngang, tức đang ở mức thấp nhất. Thường tháng 5 bắt đầu kỳ nghỉ hè nhưng năm nay do nghỉ dịch bệnh nên kỳ nghỉ không phải từ tháng 5 đến tháng 8 mà rơi vào tháng 6 đến tháng 9. Trong khi đó, tháng 9 là điểm rơi của mùa thu nên gần như chỉ còn một số thị trường như Hà Nội, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu là có đặc tính mùa riêng.

Trong khi đó, nhằm nhanh chóng tìm giải pháp gỡ khó cho ngành du lịch, chiều 24-2, Sở Du lịch TPHCM đã có cuộc họp với các hãng lữ hành trên địa bàn về việc giảm giá, khuyến mãi cho các sản phẩm du lịch trên địa bàn cũng như tour du lịch có kết nối với các địa phương lân cận. Mục tiêu nhằm sớm vực dậy ngành du lịch TP nói riêng và cả nước nói chung sau dịch Covid-19.

Mức giảm giá chung dao động từ 18%-30%. Dự tính, thời gian tới, mức giảm giá tour của các doanh nghiệp sẽ sâu hơn, lên tới 50%-60%.

Sớm gỡ khó về chính sách

Bà Thượng Mỹ An, Tổng Giám đốc Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7, TPHCM) phản ánh, các gói hỗ trợ hiện nay chưa đề cập đến những DN đặc thù như đơn vị tổ chức hội chợ dù rằng đơn vị là một phần của du lịch MICE (hội thảo, hội nghị…). Dịch bệnh xảy ra khiến lượng khách tham quan hội chợ giảm sút, nhiều DN hủy tổ chức sự kiện khiến trung tâm mất khách. Do vậy, bà An mong muốn được xem xét giảm tiền thuê đất. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình, kiến nghị chính sách hỗ trợ của ngân hàng nên bám sát thực tế. Công ty Hòa Bình mới hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào hoạt động một khách sạn 5 sao nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đơn vị sụt giảm 100% lượng khách Trung Quốc, 80% khách nội địa. Tuy nhiên, việc đề xuất ngân hàng hỗ trợ các khoản nợ cho những dự án đã hoạt động lại không được chấp thuận.

Cùng quan điểm trên, hàng loạt DN cũng đề đạt nguyện vọng Chính phủ sớm triển khai ngay các chính sách hỗ trợ cụ thể để có thể phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh (như những chính sách mà Chính phủ từng hỗ trợ thời điểm dịch SARS). Trong đó, cần kíp nhất chính là tập trung vào các chính sách miễn giảm thuế, cho phép các tỉnh thành sử dụng quỹ dự trữ tài chính địa phương hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn giãn nợ cho DN, giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập DN…

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết hiệp hội đã kiến nghị miễn, chậm nộp thuế, giảm lệ phí visa, giảm lãi vay, khoanh nợ với nhiều ngân hàng nhà nước, giảm các chi phí điện nước, thuế đất, miễn/giảm chi phí vào các điểm tham quan, khu di tích... Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, thông báo, vào tháng 3, Đà Nẵng dự kiến tiên phong thực hiện mô hình quỹ xã hội do DN tự thành lập để tham gia vào các hoạt động xúc tiến mang lại hiệu quả cao.

Mở văn phòng “ảo” tại các thị trường trọng điểm

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, khuyến nghị, thay vì phải tới tận quốc gia đó quảng bá, xúc tiến, Việt Nam có thể lập văn phòng trực tuyến, giải đáp thông tin 24/24 giờ. Du khách chỉ cần vào website của văn phòng sẽ có đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh, kiểm soát đến đâu, các điểm đến an toàn ra sao; đồng thời có thông tin khẳng định về những vùng hoàn toàn chưa có dịch bệnh như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc…

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top