Ngành Du lịch đổi mới cách tiếp thị

09:53 - Thứ Ba, 17/03/2020 Lượt xem: 9648 In bài viết

Mặc dù các điểm tham quan, vui chơi giải trí và nhiều cơ sở lưu trú tạm dừng đón khách, nhưng nhiều đơn vị du lịch đã linh động chuyển hướng hoạt động, dần “thích nghi” với tình hình thực tế hơn.

Doanh nghiệp thiệt hại nhưng cũng là dịp để tự chấn chỉnh

Ngày 16/3, HanoiRedtours chính thức triển khai thử nghiệm hình thức làm việc trực tuyến tại tất cả hệ thống các văn phòng (bao gồm trụ sở chính và chi nhánh). Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc HanoiRedtours, Trưởng ban Truyền thông của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Mọi biện pháp HanoiRedtours triển khai nhằm mục đích bảo vệ an toàn tuyệt đối cho khách hàng, đối tác, cán bộ nhân viên HanoiRedtours, giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh do COVID-19. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để HanoiRedtours đánh giá, rà soát lại công tác chuẩn bị để tiến tới trở thành doanh nghiệp lữ hành 4.0”.

Theo đó, từ ngày 16 đến ngày 30/3, tất cả các hoạt động giao dịch của đơn vị với khách hàng, đối tác sẽ được thực hiện qua điện thoại, email, zalo, viber... Hàng loạt số điện thoại, email của các cá nhân phụ trách từng bộ phận của các tỉnh, thành được công bố rộng rãi để khách có thể liên hệ khi cần giao dịch hoặc hỗ trợ.

Trong trường hợp không thể giải quyết bằng các hình thức online, khách vẫn có thể đến trực tiếp trụ sở chính của đơn vị tại Hà Nội và các văn phòng chi nhánh để được hỗ trợ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, khách sẽ phải thực hiện đầy đủ các quy trình kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn... trước khi gặp giao dịch viên.

Cũng theo ông Nguyễn Công Hoan, hiện tại, không chỉ có HanoiRedtours mà nhiều đơn vị khác cũng vừa tích cực chung tay phòng chống dịch bệnh, vừa cố gắng thích nghi với tình hình, duy trì hoạt động, chuẩn bị các hoạt động cần thiết để phục hồi ngay khi hết dịch. Riêng về các trường hợp du khách nhiễm bệnh tại Việt Nam nói riêng, khi đi du lịch nói chung, ông Hoan cho rằng, trong trường hợp Chính phủ không điều trị miễn phí, du khách vẫn có thể thanh toán bảo hiểm.

Ngoài chế độ bảo hiểm theo gói du lịch, được thỏa thuận khi ký kết hợp đồng với các đơn vị lữ hành, du khách còn được tham gia bảo hiểm thanh toán nếu tham gia một số loại hình bảo hiểm khác như bảo hiểm nhân thọ…

Về vấn đề này, ngay từ thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát như hiện nay và ngành du lịch còn đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu du lịch trên cả nước, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng chia sẻ rằng, ngành du lịch chịu thiệt hại lớn do dịch bệnh nhưng cũng là dịp để tự chấn chỉnh. Trong điều kiện không tổ chức tour thì nên tranh thủ đào tạo nhân lực. Đây vừa là cách giữ chân nhân viên, vừa nhằm bổ sung, nâng cao nguồn nhân lực vốn bị than phiền là yếu và thiếu.

Việc mua bảo hiểm cũng tương tự. Thực tế, bài học du khách Việt gặp tai nạn do khủng bố tại Ai Cập trước đây đã từng là tiếng chuông cảnh báo cho các đơn vị lữ hành về bảo hiểm du lịch. Nhưng, vì lợi ích trước mắt, không phải đơn vị nào cũng quan tâm mua bảo hiểm du lịch, hoặc có mua nhưng chỉ mua một cách đối phó.

Dịch bệnh do COVID-19 là dịp các doanh nghiệp xem lại, điều chỉnh khai thác thị trường. Lâu nay, du lịch Việt đang bị phụ thuộc nhiều thị trường Trung Quốc và một số nước châu Á. Vì vậy, trong thời gian này, các doanh nghiệp có thể tính toán, điều chỉnh, tìm kiếm thị trường mới.

Tiếp thị, giao dịch online là xu hướng được các doanh nghiệp du lịch lựa chọn để duy trì hoạt động.

Tập trung quảng bá, tiếp thị online

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc sản phẩm của Eviva Tour, bà Phạm Thị Thu Hương cũng cho biết, đa dạng hóa thị trường khai thác, phòng khi có khủng hoảng tại thị trường này thì nhanh chóng tập trung chuyển qua thị trường khác là xu hướng được lựa chọn của đơn vị hiện nay. Thay vì tổ chức đưa đón các đoàn tham quan như trước, cán bộ công nhân viên của đơn vị tập trung xây dựng sản phẩm mới, quảng bá, tiếp thị online. Hầu hết các hoạt động của đơn vị cũng đã được chuyển sang hình thức trao đổi qua điện thoại, email, mạng xã hội…

Các nước châu Âu đang là những thị trường được Eviva Tour quan tâm khai thác. Khách du lịch đến từ các thị trường này thường có mức chi trả cao. Không chỉ có Eviva Tour, nhiều doanh nghiệp du lịch Việt cũng rất kỳ vọng, với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thông qua, cơ hội phát triển, mở rộng thị trường du lịch tại các nước châu Âu từ năm 2020 sẽ thuận lợi hơn. Tất nhiên, để cơ hội biến thành hiện thực thì ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, vẫn cần sự chủ trì, quan tâm, nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Tổng cục Du lịch.

Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), ông Hoàng Nhân Chính cũng cho biết, hiện tại, ngay cả TAB cũng chuyển hình thức hoạt động, hầu hết hoạt động qua online. Cũng theo ông Chính, khi dịch bệnh chưa bùng phát như hiện nay TAB đã tập trung xây dựng, hoàn thiện và gửi nhiều nội dung kiến nghị lên Chính phủ về việc hỗ trợ ngành du lịch vượt qua khó khăn. So với nhiều ngành nghề khác, rõ ràng, du lịch là một trong những ngành dễ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh.

Không chỉ có Việt Nam, du lịch thế giới cũng thiệt hại không nhỏ. Điển hình là Triển lãm du lịch quốc tế Berlin 2020 vừa qua đã phải tạm hoãn để phòng chống dịch. Đây là hội chợ du lịch lớn hàng đầu thế giới. Để chuẩn bị cho hội chợ là một vấn đề lớn cả về tài chính lẫn nhân lực, tâm sức... Vì vậy, Việt Nam càng không thể là ngoại lệ.

Theo quan sát của TAB, hầu hết các đơn vị trong ngành du lịch đã thực hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan một cách nghiêm túc, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”, kể cả phải chấp nhật thiệt hại về kinh tế. Nhiều hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú đã tạm thời đóng cửa. Đây là hoạt động cần thiết, không chỉ góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe cho các thành viên trong cộng đồng mà còn là để bảo vệ chính các cán bộ công nhân viên, bảo vệ chính các cơ sở lưu trú.

TAB vẫn theo dõi sát các diễn biến của dịch bệnh, liên tục cập nhật tình hình. Trong trường hợp phát sinh so với 4 kịch bản ứng phó với dịch bệnh đã được kiến nghị lên Chính phủ, Hội đồng sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top