Cần đồng bộ hệ thống thống kê du lịch quốc gia

15:16 - Thứ Năm, 19/03/2020 Lượt xem: 7079 In bài viết

Những năm gần đây, với tăng trưởng ấn tượng, du lịch ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Đi cùng với sự phát triển ấy, nhu cầu về thống kê du lịch ngày càng trở nên cấp thiết và do đó càng cần được coi trọng.

Khách nước ngoài thăm Hồ Gươm (Hà Nội).

Thông tin thống kê là dữ liệu thống kê được xử lý, tổng hợp và phân tích theo phương pháp, quy trình, chuyên môn. Sử dụng nghiệp vụ thống kê phản ánh đặc trưng, thuộc tính của hiện tượng nghiên cứu. Trên cơ sở đó, thông tin thống kê du lịch với các số liệu và bảng phân tích số liệu không chỉ có vai trò trong nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển du lịch mà còn là cơ sở dữ liệu quan trọng để dự báo, xây dựng những chính sách phát triển du lịch quốc gia mang tính lâu dài và bền vững. Ðối với du lịch - lĩnh vực dịch vụ được xác định là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, hệ thống thông tin thống kê còn có khả năng phản ánh năng lực hoạt động của nhiều lĩnh vực liên quan, nắm rõ thực trạng các nguồn lực, khả năng đáp ứng của ngành cho xã hội trong từng giai đoạn, ở phạm vi quốc gia hay từng địa phương... Do đó, du lịch càng phát triển, nhu cầu về thống kê du lịch càng trở nên cấp thiết.

Ở nước ta, ngành du lịch đã triển khai áp dụng hệ thống hàng chục chỉ tiêu thống kê như: doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam, số lượt người Việt Nam ra nước ngoài, số khách du lịch nội địa, chi tiêu của khách quốc tế, chi tiêu của khách nội địa... Trong đó, có những chỉ tiêu được được xây dựng theo mô hình tài khoản vệ tinh du lịch (TSA) theo khuyến cáo của Tổ chức Du lịch thế giới, về cơ bản đã phản ánh khá toàn diện năng lực, kết quả hoạt động của ngành du lịch cũng như vai trò, đóng góp của du lịch đối với ngành kinh tế quốc dân trên cơ sở so sánh giữa các địa phương, vùng, miền và với một số quốc gia khác. Tuy nhiên, trên thực tế, các chỉ tiêu thống kê du lịch vẫn chưa được thực hiện đồng bộ trên tất cả các tỉnh, thành phố. Một số chỉ tiêu vẫn chưa được thống nhất về cách tính dẫn đến còn có độ chênh trong quá trình thống kê giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực làm công tác chuyên trách về thống kê ở các đơn vị, địa phương còn thiếu và yếu, phần lớn là kiêm nhiệm nên kết quả thống kê còn chậm và chưa đầy đủ. Nguồn đầu tư cho hoạt động thống kê cũng còn hạn chế... Tất cả đã gây ảnh hưởng chung đến công tác thống kê du lịch quốc gia.

Để khắc phục những nhược điểm trên, theo các chuyên gia, điều quan trọng đầu tiên là cần nâng cao nhận thức của những người làm du lịch về công tác thống kê du lịch. Các ban, ngành cần nhận thức đúng về trách nhiệm quản lý, chia sẻ, cung cấp thông tin du lịch. Hệ thống thông tin thống kê du lịch cần được hoàn thiện đồng bộ trên cơ sở tham vấn các nước có nền du lịch phát triển hơn và cụ thể hóa bằng các công cụ, biểu đồ đo lường mang tính toàn diện, thống nhất từ các cấp bộ, ngành tới địa phương, các cơ sở kinh doanh du lịch. Muốn làm điều đó, những người đảm nhận công tác thống kê cần thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt hệ thống thống kê quốc tế để cập nhật xu hướng, kịp thời áp dụng, bổ sung những chỉ tiêu, công cụ đo lường mới. Bên cạnh đó, cần tăng đầu tư kinh phí cho công tác thống kê du lịch, củng cố đội ngũ nhân lực thống kê ở các cấp và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê du lịch để bảo đảm tính chính xác, hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top