Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch

08:22 - Thứ Tư, 15/04/2020 Lượt xem: 11606 In bài viết

ĐBP - Tính đến thời điểm hiện tại, Ðiện Biên chưa ghi nhận trường hợp nào mắc Covid-19 nhưng dịch bệnh này đã khiến cho các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Ðể giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng trở lại hoạt động kinh doanh ngay khi kết thúc đại dịch, cũng cần sớm tìm các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp du lịch.

Du khách rửa tay sát khuẩn tại Di tích Ðồi A1 (ảnh chụp trước ngày 28/3). Ảnh: Diệp Chi

Cơn khủng hoảng của du lịch

Dù mới đi vào hoạt động trong những tháng cuối năm 2019 nhưng Công ty TNHH Thiên Di chuyên về mảng lữ hành có kết quả hoạt động kinh doanh tương đối tốt. Thế nhưng khi bước sang năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, đã mấy tháng nay, Công ty hầu như không hoạt động. Ông Lò Quang Chiêu, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Di cho biết: “Hiện nay một số đoàn khách đăng ký đi du lịch vào quý I và quý II/2020, bao gồm khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đều đã hủy tour. Do vậy trong những tháng đầu năm nay, Công ty không có doanh thu. Ðiều đó khiến cho việc thanh toán các khoản lãi và gốc vay ngân hàng của Công ty đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vì không có khách nên Công ty buộc phải cho 2 nhân viên tạm thời nghỉ việc”. Cũng không khá hơn Công ty TNHH Thiên Di bao nhiêu, 8 chiếc xe ô tô loại 7 - 29 chỗ của đơn vị chuyên phục vụ xe hợp đồng chở khách du lịch Tâm Tâm Travel cũng đang nằm nhà chờ ngày hết dịch. Ông Nguyễn Tuấn Anh, quản lý Tâm Tâm Travel cho biết: “Hơn một tháng nay đơn vị hầu như không có khách tới thuê xe du lịch. Các hợp đồng lớn thường niên của đơn vị như đi lễ chùa đầu năm cũng bị hủy do các địa phương lo ngại sự lây lan của dịch bệnh. Khách ngoại tỉnh không đến, khách nội tỉnh cũng e ngại việc đi du lịch trong thời điểm này, nhất là từ khi thực hiện việc giãn cách toàn xã hội từ ngày 1/4. Không có khách thuê xe, thu nhập của đội ngũ lái xe cũng buộc phải giảm theo. Bây giờ anh em lái xe của đơn vị chỉ mong sớm hết dịch để có thể trở lại với công việc…”.

Do dịch bệnh xảy ra đúng vào thời gian cao điểm mùa du lịch, đặc biệt là việc buộc phải dừng tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2020 khiến cho lượng du khách đến Ðiện Biên giảm mạnh. Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng lượng khách du lịch đạt 88.000 lượt, chưa bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019; trong đó khách quốc tế giảm hơn 71%, chỉ còn khoảng 16.200 lượt. Ðặc biệt từ thời điểm ngày 28/3/2020 đến nay gần như tất cả hoạt động liên quan đến du lịch, như: Lữ hành, điểm du lịch, điểm vui chơi giải trí, điểm di tích lịch sử, các dịch vụ bổ trợ… đều phải tạm dừng hoạt động. Duy nhất chỉ còn dịch vụ lưu trú là chưa phải đóng cửa. Nhưng với việc thực hiện giãn cách toàn xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, số khách còn lưu lại và lượng khách công vụ, làm ăn, buôn bán… có lưu trú tại Ðiện Biên cũng rất hạn chế. Việc các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoặc thu gọn quy mô hoạt động thì số lượng người lao động trong các đơn vị cũng được cho tạm nghỉ việc. Hiện chỉ còn một vài đơn vị duy trì việc làm cho lượng người lao động rất hạn chế còn lại đa phần những người trong gia đình tự quản lý, phục vụ. Theo đánh giá sơ bộ, hiện có đến 90% trong tổng số 6.000 lao động trực tiếp tại các đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tạm dừng việc, giảm thu nhập. Bên cạnh đó rất nhiều hoạt động hỗ trợ bị ảnh hưởng theo như vận tải, nông nghiệp, thương mại... Do vậy, tổng thu từ hoạt động du lịch trong 3 tháng đầu năm chỉ khoảng 137 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019. Ðây thực sự là một cơn khủng hoảng gây ra thiệt hại không nhỏ ngay từ đầu năm với ngành “công nghiệp không khói” của Ðiện Biên.

Những giải pháp vượt khó

Dù chưa thể biết trước được diễn biến tiếp theo của đại dịch Covid-19 sẽ như thế nào nhưng việc chủ động nghiên cứu các giải pháp để giúp các đơn vị, doanh nghiệp du lịch vượt qua cơn khủng hoảng vẫn là việc làm cần thiết. Qua trao đổi, cả ông Lò Quang Chiêu và ông Nguyễn Tuấn Anh đều đồng tình với việc các ngành chức năng cần nghiên cứu giải pháp giảm 50% các loại thuế phải nộp, giảm lãi suất tiền vay… tháo gỡ khó khăn trước mắt về vốn cho các doanh nghiệp, đơn vị sau quãng thời gian tạm dừng hoạt động. Không còn nỗi lo về vốn, các doanh nghiệp có thể vững tâm hơn trong việc tái khởi động việc kinh doanh. Thêm nữa, cũng cần có những “cú hích” mạnh kích cầu thị trường du lịch sôi động trở lại. Ðể làm được điều đó, không thể một cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị có thể làm được mà cần phải có sự vào cuộc của toàn ngành du lịch. Các công ty lữ hành tăng cường khuyến mại, thêm ưu đãi; các đơn vị vận tải, cơ sở lưu trú giảm giá dịch vụ; các cơ quan chuyên môn nghiên cứu khắc phục điểm yếu và phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn… Ðó là những giải pháp có thể làm ngay sau khi kết thúc đại dịch.

Ðể giúp du lịch vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19, các cơ quan chuyên môn cũng đề xuất một số giải pháp cấp bách cần làm ngay trong thời gian tới. Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Việc cần làm đầu tiên là đánh giá chi tiết tình hình thiệt hại, đề xuất với các cấp có thẩm quyền một số chính sách hỗ trợ phù hợp như miễn, giảm thuế VAT; miễn, giảm tiền thuế đất, tiền thuê đất; miễn, giãn nợ và giảm lãi suất vay ngân hàng; giảm tiền điện, nước kinh doanh bằng giá điện, nước sinh hoạt… Với ngành du lịch có thể nghiên cứu việc giảm giá vé các điểm tham quan cho một số đối tượng khách du lịch. Cùng với đó, ngành chỉ đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng, tổ chức các chương trình xúc tiến quảng bá bằng nhiều hình thức khác nhau để thu hút du khách trở lại. Tập trung xây dựng, triển khai các gói sản phẩm kích cầu du lịch, trước mắt là các thị trường trọng điểm khách nội địa và kích cầu ngay với khách nội tỉnh. Ngành cũng sẽ chủ động phối hợp với Hiệp hội Du lịch hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng tham gia chương trình kích cầu du lịch của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch, nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm”. Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác; đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất kỹ thuật, làm mới sản phẩm, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng dịch vụ hơn nữa để nhanh chóng trở lại hoạt động sau khi kết thúc đại dịch.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top