Khởi động lại du lịch sau đợt tạm nghỉ vì dịch Covid-19: Đón khách trong an toàn

15:52 - Thứ Hai, 04/05/2020 Lượt xem: 8879 In bài viết

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài 4 ngày được xem là thời điểm vàng để ngành Du lịch Việt Nam khởi động lại sau đợt tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều điểm đến lần lượt mở cửa trở lại, tạo đà kích cầu và phát triển du lịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tạo sự phát triển ổn định và bền vững, ngành Du lịch không quên nhiệm vụ phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.

Bên cạnh việc phát triển trở lại thị trường nội địa, ngành Du lịch luôn đề cao nhiệm vụ phòng, chống dịch tại các điểm đến du lịch. Trong ảnh: Nhân viên khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng) và du khách đều đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn.

Nhiều hoạt động kích cầu

Ngay sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cả nước thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều ngành kinh tế dần hoạt động trở lại, trong đó có du lịch. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ngô Hoài Chung, giai đoạn này, ngành Du lịch xác định phát triển du lịch nội địa là hoạt động trọng tâm và là bước đệm để dần khôi phục lại thị trường.

Với chủ trương này, dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5, hàng loạt điểm đến trong cả nước đồng loạt mở cửa đón khách trở lại. Nhiều địa phương, doanh nghiệp đưa ra chương trình kích cầu phù hợp, giới thiệu sản phẩm mới, điển hình như Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế miễn phí vé vào cửa đến hết ngày 7-5; Khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng) giảm 60% phí sử dụng dịch vụ cáp treo; thành phố Hội An (Quảng Nam) miễn phí vé tham quan khu phố cổ; thành phố Hồ Chí Minh khai thác tour trải nghiệm khám phá biệt động Sài Gòn bằng xe Honda… Tại Hà Nội, các khu du lịch ở ngoại thành như làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cũng đã mở cửa đón khách, được xem là sự khởi đầu cho hoạt động du lịch của Thủ đô sau thời gian tạm nghỉ.

Cùng với việc mở cửa các điểm đến, ngành Hàng không cũng đưa ra những gói kích cầu nhằm vào thị trường du lịch nội địa. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã triển khai chương trình bay đồng giá 99.000 đồng/chiều cho tất cả hành trình nội địa, áp dụng cho vé mua trên website hoặc ứng dụng di động. Tương tự, hãng hàng không Vietjet Air mở bán vé máy bay với giá từ 9.000 đồng cho tất cả chặng bay nội địa với thời gian bay áp dụng từ nay đến ngày 31-12-2020. Hãng hàng không Bamboo Airway cũng xây dựng nhiều sản phẩm mới như mua 1 vé tặng 2 vé.

Ở góc độ lữ hành, một số công ty du lịch uy tín như Hanoitourist, Vietravel, Hanoi Redtours… chào bán các gói tour nội địa với giá hấp dẫn. Cụ thể, Công ty Du lịch Hanoitourist giới thiệu gói tour Quy Nhơn - Tuy Hòa, Nha Trang - Đà Lạt, Phú Quốc với mức giá từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng cho 4 ngày 3 đêm; Công ty Du lịch Vietravel giới thiệu gói tour khám phá các điểm di tích lịch sử - cách mạng kháng chiến ở miền Trung và sản phẩm “Vượt bão Covid-19” với mức giá giảm tới 40%...

Đánh giá về việc khôi phục thị trường nội địa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc các địa phương, đơn vị chủ động đưa ra các gói kích cầu lúc này là cần thiết. Mặc dù ngành Du lịch chưa thể hồi phục ngay, song những động thái đó đã góp phần kích thích nhu cầu du lịch của người dân và du khách.

Du lịch an toàn là tiêu chí hàng đầu

Du khách tham quan làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 luôn đeo khẩu trang. Ảnh: Hữu Tiệp

Ngành Du lịch đang “cựa mình” với “đòn bẩy” là hoạt động du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, từng bước khôi phục thị trường. Dù vậy, những khó khăn trước mắt chưa thể tránh khỏi, số lượng khách đặt tour vẫn còn ít, chủ yếu là du lịch tự túc. Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt cho biết, do khách vẫn còn tâm lý e dè về dịch Covid-19, nên chưa mạnh dạn đặt tour của các công ty du lịch...

So với mọi năm, tình hình du lịch đầu mùa hè năm nay trầm lắng hơn nhiều, song cũng có tín hiệu vui, khi nhu cầu du lịch của người dân được khởi động trở lại ngay sau khi công tác phòng, chống dịch thu được kết quả tích cực. Chị Trần Ngọc Diệp (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) chia sẻ, kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, gia đình chị đã quyết định đi Hội An, vì khá yên tâm với công tác phòng, chống dịch của nước ta hiện nay. Cùng chung tâm lý, anh Trần Đại Nghĩa (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) quyết định chọn Nha Trang làm nơi để cả gia đình nghỉ dưỡng trong dịp nghỉ lễ…

Tại Hà Nội, hoạt động du lịch diễn ra khá thận trọng. Dù vậy, việc mở cửa một số điểm đến cũng tạo sự khởi sắc đáng kể. Phó Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây Nguyễn Trọng An cho biết, trong ngày đầu mở cửa đón khách trở lại, di tích này đã tiếp đón hàng trăm khách du lịch, trong đó có cả những vị khách nước ngoài đang sống tại Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, trong giai đoạn hiện nay, tiêu chí du lịch an toàn được đặt lên hàng đầu. Sở Du lịch Hà Nội đã yêu cầu các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp du lịch tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như đo thân nhiệt, chuẩn bị dung dịch vệ sinh tay cho du khách, yêu cầu hướng dẫn viên và du khách phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách đúng quy định…

Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, thời điểm này, việc triển khai các hoạt động du lịch nội địa là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để khôi phục thị trường, cần có thêm thời gian và biện pháp đồng bộ như chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho du khách.

“Chỉ khi các điểm đến an toàn, du khách hoàn toàn yên tâm, tin tưởng thì lúc đó thị trường du lịch mới ổn định và phát triển bền vững”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top