Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

08:34 - Thứ Tư, 08/07/2020 Lượt xem: 10628 In bài viết

ĐBP - Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có nhiều yếu tố đặc thù mang tính xã hội. Bên cạnh việc đem lại các giá về trị kinh tế, du lịch còn có sự ảnh hưởng không nhỏ đến các yếu tố về văn hóa và lịch sử... Do vậy, trong những năm gần đây, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Ðiện Biên luôn chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Ðây là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch bền vững.

Du khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại di tích Ðồi A1. Ảnh: Văn Thành Chương

Hiện nay toàn tỉnh Ðiện Biên có khoảng 14 nghìn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó 6 nghìn lao động trực tiếp là những người công tác trong các đơn vị kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch.

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Chất lượng hoạt động du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò quan trọng. Do vậy, việc phát triển, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã và đang được ngành đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn, chung tay ngăn chặn dịch bệnh, ngành Du lịch tỉnh đã từng bước tính toán cơ cấu lại thị trường và tập trung phát triển, nâng cao nguồn nhân lực. Ðây cũng là sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ðội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch là lực lượng nòng cốt, là “bộ mặt” của ngành du lịch, bởi họ là người đầu tiên tiếp cận và có thời gian tiếp xúc với du khách nhiều nhất tại các điểm du lịch. Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ cho biết: Người được tuyển chọn làm thuyết minh, hướng dẫn du khách phải đảm bảo một số tiêu chí nhất định. Cụ thể, như: Hình thức ưa nhìn, trình độ chuyên môn vững, có năng khiếu, phát âm chuẩn và đặc biệt phải có sức khỏe tốt. Ðiện Biên có thế mạnh là các di tích lịch sử, bởi vậy thuyết minh, hướng dẫn phải có kiến thức sâu rộng về lịch sử, nhất là các nội dung có liên quan đến chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Thuyết minh viên cũng phải am hiểu về mảnh đất, con người Ðiện Biên để có thể truyền tải cho du khách một cách chân thực và sinh động... Hiện nay Sở VHTT&DL có 10 thuyết minh viên, trong đó 6 người đã được cấp thẻ hướng dẫn viên. Ðối với lực lượng này, Sở thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng công tác hướng dẫn theo định kỳ mỗi năm 2 lần. Qua kiểm tra cho thấy chất lượng đều đáp ứng yêu cầu và có nhiều điểm vượt trội khi thuyết minh về di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong tương lai gần thì các hướng dẫn, thuyết minh viên sẽ cần bổ sung kỹ năng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh để phục vụ du khách quốc tế tốt hơn khi mà lượng khách quốc tế đến Ðiện Biên mỗi năm một tăng.

Bên cạnh việc bồi dưỡng chất lượng đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên thông qua các khóa học nâng cao trong và ngoài tỉnh, hàng năm, Sở VHTT&DL cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các đối tượng làm trong lĩnh vực du lịch để nâng cao chất lượng một cách đồng bộ và toàn diện. Trong năm 2019, Sở VHTT&DL đã tổ chức gần 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho các đối tượng phục vụ du lịch trực tiếp, cán bộ, công nhân viên chức trong ngành, các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ và các điểm đến... Gần đây nhất, ngay sau thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, Sở VHTT&DL đã phối hợp với các đơn vị và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch mở một số lớp tập huấn. Cụ thể như, tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với khách du lịch, dành cho các lái xe vận chuyển khách du lịch, lái xe taxi. Ðây là lớp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với du khách để từng bước xây dựng tác phong, thái độ, tinh thần làm việc của những người làm việc trực tiếp trong môi trường phục vụ du lịch. Hay lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức marketing điểm đến du lịch, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng trong hoạt động xúc tiến du lịch. Từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm trong lĩnh vực du lịch và các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp.

Có thể thấy, việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh những năm gần đây đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực. Một trong thành công là tính chuyên nghiệp đang được thể hiện khá rõ nét, từ phong cách phục vụ của người lái xe, đến những nhà quản lý, hướng dẫn viên và lễ tân nhà hàng, khách sạn... Những hướng dẫn viên trong trang phục dân tộc Thái luôn nở nụ cười đã tạo nên một hình ảnh đẹp, ấn tượng trong lòng du khách. Ðó cũng chính là những “sứ giả” có nhiệm vụ xây dựng hình ảnh, thương hiệu của ngành Du lịch và truyền tải đến du khách những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc của con người và mảnh đất Ðiện Biên.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top