Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

10:44 - Chủ Nhật, 23/08/2020 Lượt xem: 11140 In bài viết

ĐBP - Tỉnh Điện Biên từ lâu đã được xác định là một trong những vùng trọng điểm để phát triển du lịch của khu vực miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, trong những năm qua du lịch Điện Biên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trước thực trạng đó, đầu tháng 7/2020 vừa qua UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Lễ hội Đền Hoàng Công Chất được tổ chức hàng năm là loại hình du lịch văn hóa, lịch sử và lễ hội thu hút nhiều du khách. Trong ảnh: Màn rước kiệu trong Lễ hội Đền Hoàng Công Chất.

Theo thống kê của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Điện Biên đón khoảng trên 3 triệu lượt du khách, tăng gấp 1,5 lần giai đoạn 2010 - 2015. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2010 - 2015… Tuy nhiên, do Điện Biên ở xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông khó khăn nên sự liên kết với các tỉnh để phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Mặt khác, cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ vẫn còn ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa có những chính sách ưu đãi mang tính đột phá đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong khi các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh hoạt động manh mún, sự liên kết và tính chuyên nghiệp chưa cao. Đặc biệt, công tác rà soát, lập quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch làm cơ sở xúc tiến, kêu gọi đầu tư còn chậm. Đó là một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng du lịch Điện Biên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Để khắc phục thực trạng này và tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, ngày 3/7/2020, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch số 1916/KH-UBND về việc triển khai “Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Điện Biên”. Theo đó đề ra các mục tiêu quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2025 như: Phấn đấu đón trên 5,4 triệu lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách quốc tế trên 600 ngàn lượt, khách nội địa 4,8 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu đón trên 6,5 triệu lượt khách tham quan, trong đó khách quốc tế trên 800 ngàn lượt, khách nội địa trên 5,5 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 10.000 tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động du lịch đóng góp đạt 10% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở VH, TT&DL cho biết: Để thực hiện tốt “Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Điện Biên”, tỉnh tập trung tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể và thu hút đầu tư vào phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với xúc tiến quảng bá du lịch, ngành sẽ tập trung định hướng và ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, lễ hội và du lịch cộng đồng. Khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc sắc, độc đáo và giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, từ ngày 22/7/2020, Sân bay Điện Biên Phủ chính thức mở thêm đường bay Điện Biên - Hải Phòng với tần suất 4 chuyến mỗi tuần cũng là yếu tố quan trọng góp phần thu hút, quảng bá hình ảnh Điện Biên đến du khách trong và ngoài nước. Thời gian tới, ngành Du lịch Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; xây dựng, hình thành tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu hay tuyến du lịch quốc gia: Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai...

Bên cạnh việc tiếp tục phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch văn hóa tín ngưỡng, tâm linh gắn với các lễ hội dân gian truyền thống; khai thác những giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc... Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái sông, hồ, hệ thống các hang động; chinh phục các địa danh, như: Hồ Pá Khoang, rừng Mường Phăng, hang động: Pa Thơm, Xá Nhè, Khó Chua La, cột mốc A Pa Chải hay khám phá vẻ đẹp nguyên sơ tại Tủa Chùa...

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, Sở VHTT&DL đã tham mưu cho tỉnh cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trong và ngoài nước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch. Hàng năm mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam, tiêu chuẩn nghề ASEAN và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng khai thác và phục vụ du lịch cho doanh nghiệp...

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top