Kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch

10:32 - Thứ Năm, 01/10/2020 Lượt xem: 11625 In bài viết

Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số ngành du lịch là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.

Du lịch toàn cầu tổn thất 1.000 tỷ USD do COVID-19

Tại Diễn đàn "Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam tổ chức diễn ra tại Hà Nội vào 30/9, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ra một thảm họa chưa từng có cho thể giới, thiệt hại do COVID-19 là vô cùng to lớn cả về tính mạng con người và kinh tế thế giới, đặc biệt là du lịch.

Theo dự báo của tổ chức du lịch thế giới UNWTO, đại dịch COVID-19 có thể gây thiệt hại cho du lịch năm 2020 làm giảm 1 tỷ khách quốc tế, tổn thất 1.000 tỷ USD. Du lịch Việt Nam cũng bị thiệt hại to lớn do COVID-19.

Theo dự báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2020, COVID-19 làm cho khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu (inbound và nội địa) giảm trên 61%.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Chính phủ, Việt Nam luôn kiểm soát được đại dịch COVID-19. Ngành du lịch Việt Nam đã tích cực sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch mỗi khi điều kiện cho phép, đã phần nào khắc phục hậu quả của dịch COVID-19. Tuy nhiên dịch COVID-19 diễn biến khó lường, dễ bùng phát trở lại. Do vậy, công cuộc khôi phục và phát triển du lịch trong lúc phải song hành với phòng chống dịch COVID-19 không thể có kết quả nhanh chóng được.

Khó khăn lớn nhất của khôi phục du lịch là các biện pháp cách ly, dãn cách xã hội, đóng cửa biên giới theo yêu cầu phòng chống dịch. Trong bối cảnh này các hoạt động kinh tế trực tuyến đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đã tăng trưởng từ 50-200%. Như vậy, việc ứng dụng công nghệ mới đã chứng tỏ sự ưu việt của mình trong công cuộc khắc phục hậu quả của COVID-19 nói riêng và thúc đẩy kinh tế phát triển nói chung.

Ông Nguyễn Thanh Hưng khẳng định du lịch là một ngành dịch vụ, gắn liền với mọi biến động của xã hội, với nhu cầu của con người. Du lịch là ngành có điều kiện ứng dụng các công nghệ liên quan đến dịch vụ phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân. Trên thế giới, du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch đã dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Diễn đàn "Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch". Ảnh: VGP/Nhật Nam

Mục tiêu là biến nguy thành cơ

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng: "Phải tạo ra những vector cùng chiều, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch, phát triển kinh tế".

Trước tác động mạnh mẽ của đại dịch, nền du lịch Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung bị ảnh hưởng nặng nề, làm thế nào để vực dậy giữa bối cảnh này là câu hỏi khó khăn với các cấp ngành. Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử tổ chức diễn đàn hôm nay là trong những hướng đi, giải pháp quan trọng góp phần khôi phục ngành du lịch.

Khi các ngành khác bị ảnh hưởng, du lịch cũng bị ảnh hưởng theo và ngược lại. Trong bối cảnh hiện nay, theo chủ trương của Đảng và Chính Phủ là đặt phát triển kinh tế số là mục tiêu hàng đầu. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó góp phần phát triển kinh tế bền vững.

Theo đó, 5 lĩnh vực hiện nay cần tập trung gồm có: đẩy mạnh công nghệ số, quản lý điểm đến du lịch thông minh, hệ thống thông tin có sở dữ liệu ngành du lịch tạo tương tác với các tổ chức khác, kêu gọi doanh nghiệp cùng hưởng ứng tạo ra sáng tạo trong chuyển đổi số, lan toả công nghệ số đến mọi cấp, ngành để hỗ trợ phát triển ngành du lịch.

Trước tác động COVID-19 đòi hỏi ngành du lịch hoạt động khẩn trương và quyết liệt hơn. Trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL mong muốn các hiệp hội và cộng đồng du lịch kết hợp tạo ra sức mạnh để cùng phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Mục tiêu là kép biến nguy thành cơ, phải khởi động lại gói kích cầu lần 2, Việt Nam trở thành điểm đến du lịch an toàn.

Ông Hùng cho hay trong 10 ngày nữa sẽ ra mắt ứng dụng du lịch an toàn giúp quảng bá du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Chuyển đổi số - thay đổi căn bản hoạt động du lịch

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra thông tin, các báo cáo chính thức của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), thiệt hại do COVID-19 đối với du lịch quốc tế Quý I và II năm 2020 như sau: Khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm giảm 65% (tháng 6- 93%) tương đương với 440 triệu khách; thiệt hại kinh tế là 460 tỷ USD, gấp 5 lần thiệt hại đợt khủng khoảng tài chính toàn cầu 2009.

UNWTO dự báo 3 kịch bản của du lịch thế giới với độ suy giảm tương ứng 58%, 70%, 78%. Tình hình 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy du lịch thế giới hiện đi theo kịch bản 2 là suy giảm khoảng 70%, thiệt hại từ du lịch quốc tế (xuất khẩu) toàn cầu ước khoảng 1000 tỷ USD.

Đối với du lịch Việt Nam, khách quốc tế vào Việt Nam: Quý I, Việt Nam đón được 3,7 triệu. Do đóng cửa biên giới, 3 quý còn lại cơ bản không có khách quốc tế. Do vậy, khách quốc tế năm 2020 sẽ chỉ đạt tối đa 30% so với năm 2019 (thiệt hại ít nhất 70%).

Với khách nội địa: Đã triển khai Chương trình kích cầu đợt 1 (từ tháng 5-7/2020) và sẽ tiếp tục triển khai kích cầu đợt 2 (từ tháng 10-12/2020). Tuy nhiên tối đa cả năm lượng khách nội địa chỉ đạt 50% so với năm 2019.

Khách quốc tế ra (outbound) từ tháng 3/2020 cơ bản không có khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Thiệt hại từ kinh doanh outbound ước khoảng 85%.

Doanh thu du lịch năm 2019 đạt 755.000 tỷ VND, với dự kiến lượng khách như trên, doanh thu du lịch Việt Nam năm 2020 (inbound và nội địa) chỉ đạt khoảng 300.000 tỷ VND (thiệt hại 61% so với 2019).

Ông Bình cho rằng, COVID-19 cho thấy du lịch phải thay đổi. Sự nguy hiểm, khó lường của COVID-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường… nhiều khi doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Bởi vậy, chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. Điều đó cho thấy chỉ các doanh nghiệp du lịch triển khai chuyển đổi số mới có thể đáp ứng nhu cầu này.

Chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tinh, gọn, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý hiện đại, từng bước tự động hóa ở một số khâu. Đồng thời, chuyển đổi số giúp đổi mới nhân sự, tăng cường liên kết giữa các bộ phận, đơn vị trong doanh nghiệp, xây dựng được cơ sở dữ liệu để tăng khả năng phân tích, bảo mật (dữ liệu về khách hàng, về đối tác, về sản phẩm…).

Về hiệu quả kinh doanh, nó giúp mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng cũng như năng suất lao động các bộ phận, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Các công nghệ được sử dụng trong chuyển đổi số của ngành du lịch có thể đề cập tới là: Công nghệ di động; Điện toán đám mây và internet vạn vật (IoT); Thực tế tăng cường, thực tế ảo (AR/VR); AI- Trí tuệ nhân tạo; Block chain (chuỗi khối) và Thương mại điện tử.

Nội dung cơ bản của chương trình chuyển đổi số của ngành du lịch là xây dựng nền tảng dữ liệu du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch, quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh an toàn trong quá trình phục vụ khách du lịch, nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, tăng năng suất lao động, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.

Thế giới đang bước vào nền công nghiệp 4.0, trong đó sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, của các công nghệ hiện đại, của các vật liệu mới đã và đang làm thay đổi từ nhận thức, tri thức, đến mọi mặt xã hội. Du lịch là ngành kinh tế gắn liền với đời sống xã hội, do vậy cần thiết phải đi trước trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của mình. Sự nhạy bén, năng động của người Việt Nam, việc chuyển đổi số sẽ nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp du lịch, góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển nhanh hơn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top