Đà Nẵng mỗi năm nên có một sản phẩm du lịch mới

10:19 - Thứ Sáu, 27/11/2020 Lượt xem: 9538 In bài viết

Đà Nẵng nên có chiến lược dài hơi phát triển du lịch. Mỗi năm nên có một sản phẩm mới, tìm kiếm dư địa đang còn có thể phát triển, có thể là du lịch đường thủy, là kinh tế đêm…

Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ VHTT&DL với Sở Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ngày 26/11, Đoàn công tác của Bộ VHTT&DL do Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành du lịch Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, tính đến tháng 1/2020, tổng lượng khách đến Thành phố tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2019, đứng đầu top 10 điểm đến năm 2020 do Google bình chọn. 

Tuy nhiên, dịch COVID-19 từ tháng 2 đã gây tác động nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu phát triển du lịch trong năm 2020, trong đó tổng lượng khách giảm 68,7% so với năm 2019, chỉ đạt 28,5% kế hoạch.

Đà Nẵng đề xuất Bộ VHTT&DL kiến nghị với Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn do dịch bệnh; sớm ban hành các cơ chế, chính sách phát triển du lịch và khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm; khung quy định quản lý cụ thể các hoạt động kinh tế ban đêm...

Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ VHTT&DL tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và các tỉnh, thành phố xúc tiến, quảng bá du lịch, tiếp tục phát động các chiến dịch kích cầu du lịch nội địa. Bộ sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc quản lý các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên cơ sở Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ.

Cùng với đó, Bộ tạo điều kiện để Đà Nẵng được đăng cai tổ chức một số sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia, quốc tế; nghiên cứu tổ chức tuần lễ văn hóa quốc tế tại Đà Nẵng và tổ chức tuần lễ văn hóa du lịch Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá thu hút khách...

Sau khi nghe các ý kiến của lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Đà Nẵng được xem là thành phố động lực, là đầu mối để dẫn dắt khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong chiến lược phát triển kinh tế của vùng.

Những năm qua Đà Nẵng đã huy động được rất nhiều nguồn lực, đầu tư kết nối hạ tầng đồng bộ, các nhà đầu tư chiến lược. Thành phố cũng đã kết nối, phát huy hiệu quả của các di sản, di tích, danh lam thắng cảnh được du khách biết đến. 

Dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, nhưng Đà Nẵng đã rất nỗ lực, nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đà Nẵng cũng tập trung tái cơ cấu, làm mới lại hình ảnh các cơ sở lưu trú, điểm đến, chuẩn bị nhân lực khi mở cửa trở lại.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch trong năm 2021, đáng chú ý là có 3 gói kích cầu ở 3 thời điểm, cho thấy sự mạnh dạn và quyết tâm của Đà Nẵng trong việc tìm kiếm mô hình mới, thử nghiệm vừa hướng đến thị trường truyền thống vừa tạo ra cái mới, để có thể vừa đón khách, vừa phòng chống dịch. 

Đà Nẵng cần có những đề án làm điểm nhấn trở thành trung tâm du lịch, trung tâm nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế… và phải sớm làm, có lộ trình từng năm. Ngoài ra, xu hướng hiện nay là phải liên kết để phát triển, làm du lịch. Cùng với đó cần phát huy các giá trị của di sản, làm cho “ra tấm ra món”. 

Xu hướng hiện nay là hướng đến chuyển đổi kinh tế số, ứng dụng công nghệ vào du lịch. Trong chuyển đổi số, ngành du lịch Đà Nẵng nên làm cơ sở dữ liệu lớn (big Data), từ đó kết nối, chia sẻ để du khách dễ dàng tiếp cận thông tin. 

Đà Nẵng cũng nên có chiến lược dài hơi phát triển du lịch. Mỗi năm nên có một sản phẩm mới, tìm kiếm dư địa đang còn có thể phát triển, có thể là du lịch đường thủy, là kinh tế đêm… Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm du lịch an toàn.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top