Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa dân tộc

09:40 - Thứ Tư, 06/01/2021 Lượt xem: 12441 In bài viết

ĐBP - Là địa bàn có bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, những năm qua, tỉnh Ðiện Biên đã và đang khai thác, phát huy các lợi thế đó để phát triển du lịch, từng bước góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tái hiện Lễ Cầu an, buộc chỉ cổ tay của dân tộc Thái trong khuôn khổ Những ngày văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Ðiện Biên tại TP. Hải Phòng. Ảnh: Diệp Chi

Với cộng đồng 19 dân tộc, mỗi dân tộc lại là chủ nhân của những kho tàng văn hóa khác nhau, có thể thấy đây là nguồn tài nguyên giá trị, dồi dào để Ðiện Biên phát triển du lịch. Trong các định hướng phát triển du lịch chung của toàn tỉnh, nhất là qua 4 mùa tổ chức Lễ hội Hoa Ban, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tập trung khai thác những nét tinh túy nhất của kho tàng văn hóa dân gian trong cộng đồng các dân tộc của Ðiện Biên. Trong đó nổi bật lên các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái với sự tích hoa ban, câu chuyện tình yêu của nàng Ban, chàng Khum được xây dựng trở thành hồn cốt của cả mùa lễ hội. Hay tục giã bánh giầy truyền thống, điệu múa khèn của người Mông cũng được khai thác làm nên nét chấm phá, góp phần không nhỏ tạo ấn tượng sâu đậm với nhiều du khách. Ngoài ra, các điệu múa truyền thống của dân tộc Khơ Mú, các nghi lễ, trò chơi dân gian của dân tộc Lào… cũng đã được đưa vào để tô điểm thêm cho bức tranh lễ hội thêm phần màu sắc.

Không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng, những chủ nhân của kho tàng văn hóa đó cũng đã biết khai thác lợi thế của mình để phát triển du lịch. Toàn tỉnh hiện có 11 bản văn hóa đang triển khai các dịch vụ phục vụ khách du lịch giao lưu ẩm thực, văn hóa văn nghệ, sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống... Ngoài ra, còn có 5 homestay đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ và trải nghiệm của du khách. Ðiều đáng mừng là hiện nay các bản văn hóa, homestay đều đang hoạt động tương đối hiệu quả, mở ra hướng phát triển mới cho người dân từ du lịch.

Ðể làm đa dạng hơn các sản phẩm du lịch, ngoài các bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, Mông, thời gian gần đây ngành VHTT&DL đang nỗ lực đưa thêm các nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hà Nhì ở vùng đất ngã ba biên giới vào khai thác du lịch. Bước đầu mới đang dừng ở khâu tuyên truyền, quảng bá nhưng cũng đã có những tín hiệu đáng mừng. Còn nhớ vào những ngày trung tuần tháng 11 vừa qua, trong sự kiện Những ngày văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Ðiện Biên tại TP. Hải Phòng, cùng với Lễ cầu an của dân tộc Thái, múa khèn của dân tộc Mông còn có những điệu múa của dân tộc Hà Nhì. Sự xuất hiện của những cô gái Hà Nhì duyên dáng, rực rỡ trong trong trang phục truyền thống đã để lại ấn tượng trong lòng người dân đất Cảng về một Ðiện Biên đa dạng bản sắc dân tộc. Ngay trong những ngày đầu năm mới 2021 này, tết Hồ Sự Chà - tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé được lựa chọn để tái hiện trong khuôn khổ các hoạt động của “Phiên chợ vùng cao chào Xuân 2021” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Với nét văn hóa trong ngày Tết, như: Nghi thức cúng tổ tiên, tục xem gan lợn truyền thống, các món ăn đặc trưng; nghề đan lát thủ công truyền thống và các điệu múa truyền thống đặc sắc của dân tộc Hà Nhì đã được biểu diễn giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước…

Việc khai thác du lịch trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa đồng bào dân tộc được xem là hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng cho Ðiện Biên. Thực tế cho thấy, các sản phẩm du lịch văn hóa, đặc biệt là Lễ hội Hoa Ban đã thu hút được lượng du khách không nhỏ đến với Ðiện Biên. Minh chứng là số lượng du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh nhà đang tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên cũng còn một thực tế khác, đó là các sản phẩm du lịch của Ðiện Biên còn khá khiêm tốn, đâu đó vẫn còn sự trùng lặp với địa phương khác trong cụm Tây Bắc. Không chỉ vậy, đội ngũ tham gia công tác phục vụ khách du lịch còn mang tính tự phát, thiếu sự chuyên nghiệp; các sản phẩm du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp còn hạn chế, chất lượng chưa cao… Vì vậy, để đa dạng hóa các sản phẩm từ văn hóa truyền thống, nâng cao khả năng cạnh tranh của “ngành công nghiệp không khói” tỉnh nhà rất cần sự chung tay, hiến kế của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Thêm nữa là sự nỗ lực của chính những chủ nhân các giá trị văn hóa truyền thống, góp công, góp sức bảo tồn, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh này. Từ đó, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn hơn đối với du khách, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top