Kỳ vọng mảnh đất cực Tây

07:55 - Thứ Bảy, 16/01/2021 Lượt xem: 12654 In bài viết

ĐBP - Ðã nhiều lần tôi đến cực Tây vui Tết cổ truyền với đồng bào dân tộc Hà Nhì; nhưng năm 2020 là lần đầu huyện Mường Nhé tổ chức cho đồng bào Hà Nhì ở 4 xã vùng biên ăn Tết tập trung. Ðó là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt; thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương với người dân; là hoạt động mở đầu cho mục tiêu chiến lược bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc, góp phần phát triển du lịch của địa phương...

Ðông đảo du khách có mặt tại khu vực bản Tá Miếu vui ngày Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì.

Ðứng trên đỉnh Khoang La San, nơi có cột mốc số 0 - A Pa Chải, chúng tôi phóng tầm mắt qua những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp có thể thấy một mùa Xuân mới đang rực rỡ sắc màu trên khắp các sườn đồi. Ðó chính là khu vực bản Tá Miếu, nơi đất thiêng mà người dân từ nhiều đời trước đã chọn để lập miếu thờ. Người dân ở vùng này thường đến đây thắp hương, tưởng nhớ công ơn của những người anh hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Ðây cũng chính là nơi huyện Mường Nhé lựa chọn để tổ chức cho đồng bào dân tộc Hà Nhì của 4 xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải và Leng Su Sìn cùng nhau vui tết.

Có mặt ở đây từ hôm trước, ngay từ sáng sớm Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng đã tất bật kiểm tra lại các nội dung của ngày hội trước khi các đại biểu khách mời có mặt. Anh cho biết: Lần đầu huyện tổ chức để đồng bào 4 xã cùng vui Tết cổ truyền dân tộc Hà Nhì, có thể còn nhiều thiếu sót nhưng Ban tổ chức đã rất cố gắng để vừa tạo được điểm nhấn thu hút khách du lịch lại vừa đảm bảo các yếu tố truyền thống của đồng bào Hà Nhì. Theo chủ trương của huyện, từ nay trở đi, hàng năm khu vực Tá Miếu, xã Sín Thầu sẽ là nơi tổ chức Tết tập trung của đồng bào Hà Nhì. Sau lần này huyện sẽ lắng nghe ý kiến của khách mời, người dân và du khách để rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo. Việc tổ chức lễ hội với quy mô tập trung sẽ góp phần quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng mỗi dân tộc hiệu quả hơn. Sau khi tổ chức thành công đối với dân tộc Hà Nhì sẽ là tiền đề để tổ chức lễ hội tập trung đối với cộng đồng các dân tộc khác nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đồng thời gắn với mục tiêu chiến lược phát triển du lịch của huyện.

Các nghi lễ trong cộng đồng ngày Tết đã được tái hiện một cách sinh động thu hút đông người dân và du khách tham gia hưởng ứng. Trong lễ hội các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian đã diễn ra một cách tự nhiên với sự tham gia của người dân, các chiến sĩ biên phòng, chiến sĩ các lực lượng ở khu vực biên giới và đông đảo du khách đã tạo một không khí đoàn kết, vui tươi, phấn khởi. Không gian lễ hội cũng được tổ chức khá hợp lý. Khán đài trung tâm được dựng ngay phía trước của nền di tích ngôi miếu cổ. Trên những sườn đồi gần đó được dựng lên các ngôi nhà truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Trong mỗi ngôi nhà như vậy, những mâm cơm Tết đã được chuẩn bị chu đáo đúng với phong tục cổ truyền. Cả chủ và khách cùng nâng chén rượu chúc mừng mùa Xuân mới với một niềm tin và kỳ vọng vào sự đổi thay và phát triển của vùng cực Tây giàu truyền thống văn hóa và tiềm năng du lịch.

Trò chuyện với cựu Bí thư Huyện ủy Mường Nhé - Pờ Diệp Sàng trong mâm rượu, ông cho biết, theo Ðồ án quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh Ðiện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 thì lối mở A Pa Chải đã được quy hoạch trở thành cửa khẩu quốc tế, còn khu vực bản A Pa Chải, xã Sín Thầu sẽ trở thành đô thị loại V. Ông Sàng tỏ ra rất tự hào và kỳ vọng vào sự phát triển của vùng đất này khi nói về những dự định của địa phương trong tương lai không xa. Ông là người con của dân tộc Hà Nhì đã nhiều năm gắn bó, cống hiến và tâm huyết với mảnh đất này nên sau khi được điều chuyển công tác về tỉnh, đến khi về hưu ông lại quay về cực Tây để tiếp tục cùng con cháu và người dân địa phương xây dựng vùng biên vững chắc.

Ðược biết, trong chuyến thăm và làm việc với huyện Mường Nhé gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng cũng khẳng định, khu vực ngã ba biên giới là vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng của tỉnh Ðiện Biên nói riêng và của nước ta nói chung. Ðây cũng là nơi có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân Mường Nhé. Chính vì thế trong thời gian tới, tỉnh sẽ xem xét, và sớm có ý kiến đề xuất với Trung ương về việc nâng cấp, cải tạo lối mở thành cửa khẩu quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình mở rộng sân cột mốc và xây dựng điểm ngắm cảnh tại Mốc giao điểm ba đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc cũng đang được Chính phủ phê duyệt. Theo thiết kế, điểm ngắm cảnh tại mốc sẽ được xây dựng có hình tròn, với diện tích 255m2, bán kính 9m; sân mốc hướng về mỗi quốc gia thể hiện bản đồ du lịch từ mốc giao điểm đến thủ đô mỗi nước được kiến thiết, xây dựng bằng đá cẩm thạch... Ðây sẽ là điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng góp phần cùng với những đề án quy hoạch của tỉnh về phát triển kinh tế vùng biên làm cho khu vực A Pa Chải trở thành trung tâm thương mại, du lịch và văn hóa của khu vực vành đai biên giới.

Với sự quan tâm đầu tư bằng các chương trình, dự án của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, trong những năm gần đây xã Sín Thầu luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mường Nhé. Hiện nay xã đã đạt 18/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Giữa không gian ấm áp, tưng bừng của ngày Tết cổ truyền, chúng tôi gặp lại Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu. Trong trang phục truyền thống rực rỡ, bà Pờ Mỳ Lế vui vẻ kéo chúng tôi đến trước sân khấu để chụp chung một kiểu ảnh rồi lại đưa chúng tôi đến chúc tết các gia đình. Nhìn mâm cỗ đầy đặn trong những ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi hiện đại chúng tôi đã cảm nhận được sự ấm no và phát triển của người dân nơi đây. Chỉ trong gần 5 năm qua, số hộ nghèo toàn xã đã giảm từ 70% xuống còn 30%. Có được kết quả đó là nhờ hệ thống tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã hoạt động hiệu quả, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân tạo nên sức mạnh mang đến sự đổi thay và phát triển.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top