Du lịch dịch vụ - thêm một lần gặp khó vì đại dịch

09:18 - Thứ Năm, 11/03/2021 Lượt xem: 9849 In bài viết

ĐBP - Dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát vào những ngày giáp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và ảnh hưởng trực tiếp đến Ðiện Biên khiến cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh nhà một lần nữa đứng trước những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh lại điêu đứng cùng nguy cơ thêm một lần lỡ hẹn với mùa du lịch năm nay...

Nhân viên khách sạn Mường Thanh Grand Ðiện Biên Phủ dọn dẹp phòng nghỉ.

Với nhiều nỗ lực khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng ngành Du lịch Ðiện Biên cũng mới chỉ gượng dậy vài tháng khi lượng khách bắt đầu tăng trở lại vào nửa cuối năm 2021. Sau một năm ảm đạm, tất cả đang dồn hết tâm huyết, hi vọng vào một sự khởi đầu mới từ mùa du lịch năm 2021, với cao điểm sẽ bắt đầu từ sau tết Nguyên đán cho đến khi mùa mưa Tây Bắc bắt đầu. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, diễn biến phức tạp của đợt dịch lần 3 bồi thêm cú giáng khiến ngành Du lịch Việt Nam nói chung, ngành Du lịch Ðiện Biên tiếp tục ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị chưa kịp phục hồi sau 2 lần bùng phát trước lại phải điêu đứng vì chống chọi với đợt bùng phát thứ 3 này. Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lao đao, bị dồn vào thế “khó khăn chồng chất khó khăn” ngay trước thềm năm mới. Nhất là các đơn vị khách sạn, nhà nghỉ vốn được xem là có nguồn doanh thu khá ổn định từ khách du lịch. Họ buộc phải chia ca, các ngày trong tuần và thỏa thuận mức lương hợp lý theo tình hình hoạt động thực tế để ổn định bộ máy, duy trì kinh doanh trong giai đoạn khó khăn này.

Là thành viên của Tập đoàn Mường Thanh, với doanh thu bình quân khoảng 4 tỷ đồng/tháng nhưng nay Khách sạn Mường Thanh Grand cũng phải hoạt động cầm chừng với doanh thu sụt giảm hàng chục lần. Cả khách sạn vẫn phải hồi hộp dõi theo những diễn biến mới nhất của dịch bệnh. Ông Ðặng Việt Dũng, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Grand chia sẻ: Hiện nay, người dân có xu hướng du lịch vào mùa xuân nên từ trước tết Nguyên đán đã có tương đối đông khách đặt phòng trước để lên thăm Ðiện Biên. Thế nhưng từ ngày 28/1, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tất cả các phòng đặt trước đều hủy hết. Cùng với đó là các chính sách phòng, chống dịch của các cấp nên có thời điểm khách sạn chỉ hoạt động khoảng 1% công suất, tương đương với 8 - 10 phòng có khách. Ðiều đó khiến khách sạn phải cố gắng cắt giảm tối đa các chi phí cố định, như: Ðiện, nước, nhân công... Vào thời điểm này, mỗi ngày cả khách sạn có 10 nhân viên đi làm, mỗi người đi làm không quá 14 ngày/tháng và tất nhiên mức lương cũng chỉ còn khoảng 40% so với trước đây. Có những nhân viên lương tháng chưa đến 2 triệu đồng. Thu nhập thấp khiến họ không thể tiếp tục gắn bó với nghề. Theo tiêu chuẩn khách sạn phải có 7 lễ tân nhưng hiện nay chỉ còn 3 và không thể tuyển được 4 vị trí còn lại. Ngoài phòng nghỉ thì mảng kinh doanh quan trọng không kém của khách sạn là tổ chức sự kiện cũng đang bị ảnh hưởng không nhỏ. Trước khi bùng phát dịch đã có 7 đám cưới được lên lịch đặt trước nhưng cũng do dịch bệnh nên đều phải tạm dừng tổ chức. Và với quy định như hiện nay, nhà hàng, khách sạn không được tập trung quá 30 người thì việc tổ chức các sự kiện, nhất là các sự kiện tập trung đông người như đám cưới khó có thể thực hiện được...

Với đơn vị lớn như Khách sạn Mường Thanh Grand còn đang phải lao đao thì với những khách sạn, nhà nghỉ nhỏ hơn, doanh thu phụ thuộc chủ yếu vào phòng nghỉ thì gần như tê liệt hoàn toàn. Cá biệt có những khách sạn không thể thuê nhân viên mà tự người nhà đứng ra làm giám đốc, quản lý cho đến… lễ tân, dọn phòng. Có những nơi nhân viên chỉ nhận được mức lương từ vài trăm nghìn cho đến hơn 1 triệu đồng sau cả tháng làm việc. Chị Biên, quản lý khách sạn Bảo An trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết: Tình hình hiện nay với khách sạn hết sức khó khăn. Lượng khách nghỉ sụt giảm hẳn so với thời điểm năm trước. Trong tuần hầu như không có khách mà chỉ được dịp cuối tuần mới có khách nghỉ. Nhưng gọi là đông khách cũng chỉ được 6 - 7 phòng, thấp hơn nhiều so với trước đây. Ðể kích cầu thì khách sạn cũng đã thực hiện giảm giá phòng xuống 10 - 20% so với bình thường nhưng vẫn không có khách nghỉ. Nhân viên đã cắt giảm tối đa và không thể cắt giảm hơn được nữa. Vả lại, họ đều là những người đã làm việc lâu năm tại đây, gắn bó thời gian dài. Khi có khó khăn họ cũng sẵn sàng chia sẻ với khách sạn để vượt qua thời điểm này...

Ngoài lĩnh vực khách sạn, nhiều ngành dịch vụ khác cũng gặp không ít khó khăn do đại dịch Covid-19, như: Lữ hành, điểm tham quan, vui chơi giải trí... kéo theo đó là chuỗi khó khăn của các cơ sở dịch vụ ăn uống, giải khát, vận tải… cũng sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Theo đánh giá của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: “Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 do tác động vô cùng nặng nề của đại dịch Covid-19 lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch giảm mạnh. Các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch vô cùng khó khăn, thậm chí nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động”. Trước tình thế khó khăn như hiện nay, điều các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch mong muốn nhất là dịch bệnh sớm được kiểm soát để du lịch nói riêng và các ngành nghề khác nói chung trở lại bình thường. Ngoài ra, cũng cần có những cơ chế, chính sách của tỉnh, của ngành du lịch phù hợp với tình hình hiện nay để xây dựng Ðiện Biên thành điểm đến an toàn, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top