Giữ rừng làm du lịch

08:21 - Thứ Năm, 13/05/2021 Lượt xem: 7786 In bài viết

ĐBP - Với địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, phức tạp nhưng thiên nhiên lại ưu đãi cho Điện Biên nhiều địa điểm thuận lợi để phát triển các khu du lịch sinh thái gắn với rừng. Một số điểm bước đầu đang được đầu tư xây dựng thành điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách, mở ra hướng đi khác trong phát triển kinh tế từ rừng.

Khung cảnh làng bản bình yên dưới chân núi Phù Lồng.

Nhiều điểm du lịch gắn với rừng

Chúng tôi trở lại hồ Noong U, bản Tìa Ló B, xã Pú Nhi (Điện Biên Đông) vào những ngày đầu tháng 5. Dù đã đến đây không ít lần song vào mùa này, ai nấy trong đoàn vẫn không khỏi thích thú, ấn tượng khi được thong dong tản bộ trong rừng thông xanh mát, tận hưởng bầu không khí trong lành. Không còn cảm giác nóng bức, chật chội nơi phố thị.

Cách TP. Điện Biên Phủ khoảng 30km, rừng thông và những vạt rừng tái sinh của dãy núi Phù Lồng như vòng tay màu xanh khổng lồ ôm trọn hồ Noong U. Được trồng, chăm sóc và bảo vệ đã vài chục năm nên có những cây thông đường kính hơn 50cm. Với diện tích khoảng 4ha, hồ Noong U được người dân bản địa ví như “mắt rừng”. Nhờ được rừng bao bọc mà hồ có những lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, vừa hoang sơ vừa trữ tình như bức tranh thủy mặc, ấn tượng với nhiều du khách khi đến nơi đây.

Ông Cứ A Chá, Chủ tịch UBND xã Noong U cho biết: Rừng thông hiện nay có diện tích hơn 7.000m2 và được lấy cây giống từ thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Vào sáng sớm, mặt hồ bảng lảng hơi sương, luồn lách qua những nương đá tai mèo và rừng thông khiến khung cảnh càng trở nên huyền ảo. Mặt trời lên cao, lớp sương tan dần, mặt hồ hiện ra trong xanh như viên ngọc bích, in bóng hình của núi, mây trời và rừng cây. Đây chính là khoảng thời gian thích hợp nhất để du khách lưu lại những hình ảnh đẹp. Để tạo cảnh quan thu hút du khách, xã đã cải tạo, trồng những vạt hoa cúc, hoa cải xung quanh hồ khiến khung cảnh càng rực rỡ dưới nắng. Nhiều khách du lịch đã ví von nơi đây là một “Đà Lạt thu nhỏ” mộng mơ, mùa hè nhưng khí hậu nơi đây vẫn luôn mát mẻ.

Cách hồ Noong U chừng 10km, đỉnh Phù Lồng hùng vĩ thuộc bản Dư O, xã Noong U cũng trở thành điểm dừng chân lý tưởng của nhiều du khách thời gian gần đây. Với độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, tổng diện tích hơn 200ha, nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 200C, đến đây du khách được hòa mình vào thiên nhiên, núi rừng hoang sơ. Điều thú vị là nếu trời quang mây, khi lên đến đỉnh núi du khách còn được ngắm nhìn toàn cảnh núi non hùng vĩ và di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ). Vào những ngày mùa đông, thời tiết lạnh sẽ là cơ hội “săn mây” rất độc đáo, thú vị. Đỉnh Phù Lồng và hồ Noong U đã tạo ra tour du lịch sinh thái kết hợp du lịch lịch sử khép kín ấn tượng, hấp dẫn.

Hướng tới phát triển du lịch xanh

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số điểm du lịch nhà vườn, du lịch cảnh quan, sinh thái gắn với rừng như: Khu du lịch hồ Pá Khoang (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ) rộng hơn 600ha với những cánh rừng già và những bản làng trù phú; khu du lịch sinh thái Đào Viên Sơn (bản Bua 1, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng) với diện tích khoảng 7ha có những đồi cỏ tự nhiên, thác nước nhân tạo, đặc biệt là hơn 1.000 gốc đào cổ thụ như khu rừng mùa xuân độc đáo. Hay đỉnh Pha Đin lộng gió tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo; một số điểm du lịch nhà vườn khác tại các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên)... Cùng với quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ, những khu du lịch này đã tạo nét chấm phá mới, bổ sung vào danh sách các điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong hành trình đến Điện Biên.

Để phát triển du lịch xanh gắn với rừng bền vững, hiệu quả, cần có quy hoạch và chiến lược phát triển dài hơi; đầu tư về hạ tầng giao thông; làm mới, phong phú các sản phẩm du lịch; quản lý rác thải, quản lý môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo vệ phát triển rừng. Với trên 776.000ha đất lâm nghiệp (chiếm 81% diện tích đất tự nhiên), tỉnh ta có tiềm năng phát triển kinh tế từ rừng, trong đó có du lịch. Cùng với khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên, đến nay toàn tỉnh đã trồng được hơn 5.000ha rừng, góp phần tạo cảnh quan, môi trường sinh thái. Việc hình thành và phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch xanh sẽ trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Do đó các cấp, ngành chức năng cần nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, chính sách quản lý, khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ phát triển rừng bền vững.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top