Nỗi lo “chảy máu” nhân lực du lịch

07:27 - Thứ Năm, 02/09/2021 Lượt xem: 6082 In bài viết

ĐBP - “Cơn bão” mang tên Covid-19 đã và đang hiện hữu, tiếp tục gây ra thiệt hại lớn cho ngành du lịch cả nước nói chung, Điện Biên nói riêng. Nguồn nhân lực là một trong số những thứ bị đại dịch này cuốn đi và mang đến nỗi lo giữ chân lao động cho những người làm du lịch. Đây sẽ là vấn đề đặc biệt quan trọng liên quan đến sự hồi sinh của du lịch trong thời kỳ “hậu Covid-19”.

Lễ tân Khách sạn Mường Thanh Grand Điện Biên Phủ trong giờ làm việc.

Cuối tuần nhưng Khách sạn Mường Thanh Grand Điện Biên Phủ lại vắng lặng, đìu hiu, không mấy người qua lại, khác xa so với khung cảnh nhộn nhịp trước khi đại dịch xảy ra. Không có khách lưu trú, sự kiện tạm dừng tổ chức, Khách sạn buộc phải cắt giảm nhân sự xuống còn 10 người đi làm 1 ngày, vừa để đảm bảo giãn cách nhưng cũng là biện pháp giảm thiểu chi phí vào giai đoạn khó khăn này. Ngay cả Giám đốc Khách sạn Đặng Việt Dũng cũng nằm trong diện chỉ được đi làm 4 ngày/tháng. Anh Dũng tâm sự: Vào những đợt bùng dịch trước, vấn đề nhân sự luôn là nỗi lo thường trực. Bởi tuyển được một người làm việc ở khách sạn theo đúng tiêu chuẩn của Tập đoàn Mường Thanh không phải dễ. Hầu hết đều phải tuyển xong mới đào tạo, mất thời gian rất nhiều. Từ việc gấp khăn ăn như thế nào, đặt chiếc đĩa ra sao… đều phải được đào tạo bài bản mới có thể phục vụ được khách. Nhưng khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch, các bạn ấy “dứt áo ra đi” thì khách sạn cũng chẳng thể làm gì được. Do vậy, trong đợt dịch này, Tập đoàn đã có chính sách để giữ chân người lao động. Trong đó, có việc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội để họ yên tâm ở lại. Hiện nay, riêng khách sạn Mường Thanh Điện Biên có 109 nhân viên, trung bình đóng mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng tiền BHXH, mỗi tháng 130 triệu đồng - gần bằng doanh thu trong tháng này. Nếu tính tất cả nhân sự của Tập đoàn thì đây là một khoản chi phí khổng lồ. Thế nhưng chi phí này là cần thiết và đã mang lại hiệu quả. Người lao động đang cố gắng ở lại với khách sạn để chờ ngày hết dịch. Có điều đời sống vẫn còn rất khó khăn, hầu hết đều phải có thêm nghề “tay trái” thì mới đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Đó là với khách sạn lớn, có tập đoàn lớn hậu thuẫn phía sau để duy trì nguồn nhân lực lao động. Với những khách sạn nhỏ hơn, hoạt động bằng nguồn vốn tư nhân thì khó có thể tiếp tục duy trì bộ máy nhân sự như thời chưa có dịch bệnh. Khách sạn Long Giang, TP. Điện Biên Phủ là một ví dụ. Hiện nay, mọi hoạt động gần như bị đình trệ nên khách sạn không còn nhân viên. Khi có khách lưu trú thì do người nhà hoặc một nhân viên đang làm ở lĩnh vực khác tiếp đón, phục vụ. Còn những nhân viên trước đây, không sống được với mức thu nhập khi đại dịch đã đi tìm công việc khác ít bị ảnh hưởng hơn. Chị Đặng Kim Anh, quản lý Khách sạn Long Giang lo lắng: Cứ như thế này, dịch bệnh có kiểm soát tốt thì cũng phải mất một thời gian khách sạn mới hoạt động bình thường trở lại được. Nguyên nhân là do thiếu người làm. Những người cũ mình có nhiệt tình mời về thì chưa chắc quay trở lại vì đã thích ứng, phù hợp với công việc mới, thu nhập ổn định hơn. Vậy nên hầu hết người lao động sẽ phải tuyển mới, chưa qua đào tạo sẽ phải đào tạo lại nên mất thời gian là điều không tránh khỏi.

“Không nỡ đi đâu nhưng giờ ở lại làm sao được. Vì miếng cơm, manh áo mà em buộc phải chuyển công việc khác. Chứ dịch bệnh cứ thế này biết lúc nào du lịch phục hồi?”. Đó là những chia sẻ rất thật của T.H. một lễ tân gắn bó lâu năm với một khách sạn lớn trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Sau nhiều đợt bùng dịch, khách du lịch không có, kéo theo sự sụt giảm mạnh của doanh thu, khách sạn nơi T.H. làm buộc phải cắt giảm 50% nhân sự để giảm chi phí. Thời điểm đó rất khó khăn nhưng T.H. cũng đã từng nghĩ đến viễn cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch hồi sinh trở lại sôi động như ngày xưa. Thế nhưng, dịch Covid-19 lại bùng phát đợt 3, đợt 4 liền sát nhau, ngay khi du lịch chớm phục hồi khiến cho mọi hi vọng trong T.H. dường như tan biến. Dù rất tiếc cho tấm bằng Cao đẳng Du lịch của mình nhưng T.H. buộc phải chuyển hướng sang một công việc khác có thu nhập ổn định hơn với câu nói đầy chua xót: “Dẫu có yêu nghề đến đâu thì cũng phải có thực mới vực được đạo!”.

Câu chuyện của T.H chỉ là một trong số rất nhiều những chuyện buồn của người làm du lịch đang chật vật giữa “vòng xoáy” Covid-19. Nhiều đồng nghiệp của T.H cũng phải chuyển sang công việc khác không liên quan đến du lịch. Người thì đi giao hàng, bán hàng online, người khác thậm chí còn rời quê hương đi làm việc tại các địa phương khác hoặc các khu công nghiệp trước khi đợt dịch thứ 4 bùng phát. Tất cả những việc họ làm cốt để mưu sinh, duy trì cuộc sống hàng ngày. Và nếu ai còn tâm huyết thì vẫn chờ đến ngày quay lại với du lịch khi thị trường hồi sinh...

Thực tế cho thấy, ngành “công nghiệp không khói” đang phải đối diện cuộc khủng hoảng nhân sự lớn chưa từng có, nhất là nguồn lao động đã qua đào tạo, làm việc lâu năm. Đa số lực lượng lao động bỏ ngành vì đang nhìn thấy một tương lai khá mờ mịt: Du lịch không biết tới khi nào mới hồi phục hoàn toàn. Và mỗi lần bùng phát dịch thì tiếp tục hoạt động trong ngành du lịch có đủ để đảm bảo thu nhập, cuộc sống của mình hay không? Những suy nghĩ đó khiến cho nhân lực du lịch đã và đang bị “chảy máu” từng ngày, từng giờ theo sự kéo dài của đại dịch. Hậu quả để lại sẽ là khó khăn cho quá trình hồi sinh của du lịch trong tương lai khi lĩnh vực này đòi hỏi lượng nhân lực phải có những kỹ năng đặc thù, không thể đào tạo trong một sớm, một chiều.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top