Phát triển du lịch cộng đồng:
ĐBP - Du lịch cộng đồng hiện nay là một trong những loại hình du lịch mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp bảo vệ môi trường sinh thái mà còn bảo tồn, phát huy những nét đẹp, giá trị văn hóa của địa phương. Với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có, vài năm trở lại đây, du lịch cộng đồng ở tỉnh ta đã và đang được quan tâm đúng mức; việc phát triển loại hình du lịch này có sự quan tâm, đồng hành từ phía cấp ủy, chính quyền địa phương.
Nếu ai đã từng đến bản Nà Sự, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) và trở lại thăm những ngày này, đều dễ dàng nhận ra sự đổi thay rất lớn. Toàn bộ con đường vào bản, đường ra suối, đường từ nhà này sang nhà khác… đều được xếp đá cuội ngay ngắn, bằng phẳng, tạo nên hình ảnh mộc mạc, thân quen, gần gũi. Đặc biệt, vào buổi tối, những ánh đèn nhấp nháy, đèn sáng được trang hoàng quanh những nếp nhà sàn của bản càng khiến cho Nà Sự thêm phần lộng lẫy... Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa cho biết: Nà Sự có gần 140 hộ, 600 nhân khẩu. Những năm gần đây, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân dù có sự thay đổi song vẫn mang đậm nét truyền thống văn hóa. Từ ẩm thực, trang phục, tập quán sinh hoạt của đồng bào Thái - ngành Thái trắng được lưu truyền trong mỗi gia đình cho đến những bản sắc cộng đồng như: dân ca, dân vũ, đời sống tâm linh... Chính những nét văn hóa đặc sắc đó cộng thêm địa hình, địa thế, cảnh quan thiên nhiên phù hợp đã thôi thúc chúng tôi “biến” ý tưởng đưa Nà Sự trở thành điểm du lịch cộng đồng.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, việc đưa Nà Sự trở thành điểm du lịch cộng đồng có dấu ấn rất lớn từ cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ. Theo đó, trên cơ sở chủ trương và chỉ đạo từ huyện, xã Chà Nưa ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình, hành động, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đáng chú ý, quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận lớn từ phía người dân, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong toàn huyện. Do vậy, chỉ trong một tuần, từ khi bắt tay xây dựng, bản du lịch cộng đồng Nà Sự đã đón những vị khách đầu tiên đến tham quan, trải nghiệm.
Phấn khởi vì sự đổi thay nhanh chóng của bản làng, chị Lèng Thị Chiên, người dân bản Nà Sự chia sẻ: Được cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động, định hướng để làm du lịch, chúng tôi mừng lắm. Cuộc sống cũng dần thay đổi. Hiện chúng tôi đã có sẵn đường sá, nhà cửa và các vật dụng, dụng cụ truyền thống, tận dụng hết để phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu. Đồng thời, chúng tôi mong muốn được tham gia một số lớp tập huấn tìm hiểu thêm kiến thức nhằm phục vụ khách tốt hơn, làm sao khách đến trải nghiệm rồi lại muốn trở lại.
Đầu năm 2023, TX. Mường Lay đón hàng nghìn lượt khách thập phương tề tựu để tham quan, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp sông nước nơi đây nhân sự kiện Lễ hội Đua thuyền đuôi én và Giải vô địch Các câu lạc bộ dù lượn toàn quốc. Với lượng khách đông đúc, trong khi chuỗi hệ thống nhà nghỉ, khách sạn có hạn thì việc bố trí nơi ăn, chốn ngủ cho du khách tại các bản văn hóa, bản du lịch cộng đồng trở thành điểm nhấn khiến nhiều du khách thích thú. Thực tế việc phát triển du lịch cộng đồng tại TX. Mường Lay triển khai từ nhiều năm nay sau khi thực hiện Dự án Di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La. Hiện toàn thị xã có hơn 30 hộ phát triển mô hình du lịch cộng đồng với sức chứa gần 500 du khách, tập trung chủ yếu ở xã Lay Nưa và phường Na Lay. Đa số các hộ phục vụ nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của khách; ngoài ra còn gần 10 hộ cung cấp các dịch vụ khác như: Tham quan, trải nghiệm đi thuyền trên hồ, tham gia đánh bắt cá, tôm, làm các loại bánh truyền thống, giao lưu văn nghệ...
Ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho biết: Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, chúng tôi đang vận động, tạo mọi điều kiện để bà con thực hiện các mô hình du lịch cộng đồng. Qua đây, không chỉ quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây mà còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển dịch vụ du lịch, phục vụ du khách thập phương gắn liền với văn hóa bản địa, từng bước phát triển kinh tế - xã hội của người dân thị xã.
Có thể nói, việc phát triển du lịch theo loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã và đang ngày càng được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Để khơi nguồn cho các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng người dân trong thực hiện mô hình này, từ năm 2004, tỉnh bắt đầu xây dựng mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch tại 8 bản thuộc huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” (các bản: Pe Luông, Phiêng Lơi, Him Lam 2, Mển, Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, sau đó tiếp tục phát triển thêm một số bản văn hóa, như: Hoong Lếch Cang, Che Căn, Noong Chứn...). Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ các bản xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, nhà vệ sinh đạt chuẩn, sân bãi, điện nước, đường đi, mua sắm các trang thiết bị phục vụ hoạt động cộng đồng, phục vụ khách du lịch... Với nền tảng cũng như kinh nghiệm từ những mô hình bản du lịch cộng đồng đã triển khai và mang lại hiệu quả, giờ đây, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình hoạt động homestay đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, trải nghiệm của du khách.
Dù đang là xu thế của ngành Du lịch hiện nay, theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động du lịch cộng đồng tại tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, như: Chưa có sự đầu tư bài bản; sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, trùng lặp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển... Để khắc phục tồn tại này, tỉnh cần có nhiều hơn nữa chính sách phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo... Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, từ đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông đến hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ, khôi phục và phát triển nghề truyền thống...