Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

06:55 - Thứ Bảy, 25/02/2023 Lượt xem: 8385 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua các cấp, ngành tỉnh đã triển khai phát triển sản phẩm OCOP kết hợp phát triển du lịch bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn thiết thực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển bền vững.

Du khách đến xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) sẽ được trải nghiệm hái chè cổ thụ - nguyên liệu làm ra sản phẩm OCOP chè Shan Tuyết.

Tỉnh Điện Biên xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tàu để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, xây dựng tỉnh Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025. Tuy nhiên, một trong những hạn chế là chất lượng các sản phẩm du lịch, hay đúng hơn là sự nghèo nàn, đơn điệu của sản phẩm không thể giữ chân du khách được lâu.

Để tìm giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này, việc đa dạng các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản vùng miền, nhất là phát triển các sản phẩm OCOP và đưa vào các điểm tham quan, nghỉ dưỡng đã được tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP của Điện Biên.

Khu di tích lịch sử Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng là địa danh nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu lịch sử khi đến Điện Biên. Để làm mới và thu hút khách du lịch, những năm gần đây, Sở VHTH & DL đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng địa phương, trong đó có các sản phẩm OCOP như: Thịt trâu khô; thủ công mỹ nghệ; mây tre đan; cà phê, gạo, chè…

Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP (cuối năm 2019), sản phẩm chè Shan Tuyết Tủa Chùa (Diệp thanh trà) không chỉ ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, mà còn tạo điều kiện để du lịch địa phương phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm với rừng chè cổ thụ hơn 8.000 cây. Ngoài tham quan, du khách còn được trải nghiệm hái chè cổ thụ - nét hấp dẫn riêng của vùng cao Sín Chải (huyện Tủa Chùa).

Theo ông Đặng Tiến Công, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa, thì từ khi chè Shan Tuyết Tủa Chùa được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều du khách khi đến Tủa Chùa đều muốn đến tham quan, trải nghiệm rừng chè cổ thụ. Nhất là từ đầu năm 2022 khi 100 cây chè Shan Tuyết tại thôn Hấu Chua và Sín Chải (xã Sín Chải) được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm càng nhiều hơn.

Chị Phạm Thị Lan, khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch Điện Biên. Tại các điểm di tích lịch sử, các bản văn hóa có những sản phẩm nông sản được giới thiệu, bày bán rất phong phú, đa dạng. Chúng tôi tham quan, mua sắm, tìm hiểu các sản phẩm, đồ lưu niệm được bày bán tại các điểm di tích. Chúng tôi đã mua một số sản phẩm dệt thổ cẩm để làm quà.”

Thực tế thời gian qua, việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là hướng đi được các huyện tập trung thực hiện và mang lại kết quả khả quan. Sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Điện Biên đã có 56 danh mục sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao. Ssản phẩm OCOP được bày bán tại các điểm du lịch đã tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến Điện Biên và “níu” chân du khách lưu trú lâu hơn. Lượng khách du lịch đến Biên Biên và số ngày tham quan, lưu trú ngày càng tăng lên. Năm 2022, đã có 810.000 lượt du khách đến Điện Biên (tăng 2,35 lần so với năm 2021), trong đó khách du lịch quốc tế 3.000 lượt. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch gần 1.400 tỷ đồng (tăng 2,12 lần so với năm 2021); số ngày lưu trú bình quân khách du lịch khoảng 2,5 ngày (tăng 0,2 ngày).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 sản phẩm làng nghề gồm nhiều chủng loại khác nhau như: Thổ cẩm, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, rượu dân tộc... Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó giúp nâng tầm sản phẩm OCOP, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững. Chính vì vậy mô hình này cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.

Lễ hội Hoa Ban năm 2023 sẽ được tổ chức vào khoảng 10 - 13/3 tới, hứa hẹn thu hút đông khách du lịch đến Điện Biên. Đây cũng là cơ hội để tỉnh quảng bá các sản phẩm OCOP đến khách du lịch. Khi các sản phẩm OCOP được đưa vào trưng bày, giới thiệu và bán tại các điểm du lịch sẽ giúp du khách tham quan thuận lợi mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm OCOP dù đã được chứng nhận, nhưng trên thực tế các sản phẩm chưa thực sự đa dạng, chất lượng sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, quy cách sản phẩm, bao bì, mẫu mã chưa gọn, đẹp… Đây là những hạn chế cần được quan tâm khắc phục để các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP có sự gắn kết sâu hơn, hiệu quả với du lịch.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top