Du lịch nỗ lực làm mới mình

07:35 - Thứ Sáu, 10/03/2023 Lượt xem: 8835 In bài viết

ĐBP - Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, du lịch Điện Biên đang từng ngày, từng giờ nỗ lực làm mới mình để tìm ra những sản phẩm mới, những địa điểm mới phù hợp hơn với nhu cầu, đưa vào khai thác, phục vụ du khách thập phương... Những sản phẩm này đã góp phần mang lại thêm những màu sắc mới cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh nhà...

Du khách trải nghiệm tour cắm trại ngắm TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: C.T.V

Điện Biên được biết đến với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954. Ngoài những điểm tham quan nổi tiếng như Đồi A1, Tượng đài chiến thắng, Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ hay Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng... Điện Biên còn có núi non hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Mới đây, Công ty Du lịch Phan Thành Tây Bắc đã mang đến cho du khách, đặc biệt là những người yêu thiên nhiên một trải nghiệm hoàn toàn mới - Tour cắm trại ngắm TP. Điện Biên Phủ. Ông Phan Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Phan Thành Tây Bắc cho biết: “Với nỗ lực làm mới các sản phẩm, Công ty luôn tìm tòi các trải nghiệm độc đáo, riêng có, mang màu sắc của Điện Biên - Tây Bắc để phục vụ du khách. Tour cắm trại ngắm TP. Điện Biên Phủ này chắc chắn với nhiều người dân Điện Biên còn chưa biết tới. Du khách được thử tay lái “lụa” trên những cung đường đồi núi, được trải nghiệm không gian núi rừng Tây Bắc hoang sơ, được ngắm hoàng hôn và bình minh tuyệt đẹp. Không chỉ vậy, nếu lựa chọn cắm trại qua đêm, du khách còn được ngắm toàn cảnh TP. Điện Biên Phủ về đêm, thưởng thức tiệc nướng ngoài trời và săn mây vào sáng hôm sau... Riêng với tour này, để đảm bảo thân thiện với môi trường và hòa mình vào núi rừng Tây Bắc, Công ty chỉ phục vụ số lượng khách giới hạn để đảm bảo trải nghiệm là tốt nhất...”.

Dịp gần đây, Tủa Chùa đang nổi lên trên bản đồ du lịch tỉnh nhà như một điểm đến hấp dẫn. Bên cạnh những sản phẩm đã nổi tiếng, địa phương này cũng đang nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thêm những sản phẩm mới để thu hút du khách.

Cách thị trấn Tủa Chùa khoảng 3km, nằm giáp đường tỉnh lộ 144, địa điểm săn mây, ngắm hoàng hôn thôn Kể Cải, xã Mường Báng nằm trên một khu đất trống rộng rãi, đan xen là những quả đồi nhấp nhô, trùng điệp. Nhận thấy lợi thế để phát triển du lịch, từ cuối năm 2022, xã Mường Báng đầu tư xây dựng tổng diện tích 4ha gồm các hạng mục: 1 sàn cột cờ, 6 nhà chòi, 5 xích đu, 1 cối xay gió; 1 cổng vào khu vui chơi... và một số công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của du khách. Tất cả các hạng mục đều cơ bản được làm bằng tre, nứa, cỏ gianh để trang trí khuôn viên, tạo cảnh quan. Vật liệu xây dựng là do người dân của 13/13 thôn, bản đóng góp và triển khai thực hiện. Đặc biệt địa điểm này có “view” rất đẹp, từ trên đỉnh có thể phóng tầm mắt xuống dưới là Thủy điện Nậm Mức, Thủy điện Trung Thu nên thường xuyên có sương và mây bao phủ, khung cảnh thiên nhiên đầy quyến rũ. Bên cạnh đó, từ điểm thôn Kể Cải cũng có thể ngắm nhìn sang địa phận xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà và xã Mường Mùn của huyện Tuần Giáo. Đây là lý do mà điểm săn mây, ngắm hoàng hôn tại thôn Kể Cải được nhiều du khách lựa chọn và trải nghiệm. Nếu không gặp mây, thì nơi này cũng là điểm ngắm cảnh tuyệt vời bao quát toàn cảnh thung lũng, hay cảnh hoàng hôn tại Kể Cải cũng khiến bao vị khách phải nao lòng. Du khách thường đến đây theo gia đình, nhóm bạn và cùng tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí như: Cắm trại, dã ngoại ngoài trời, tổ chức ăn uống, đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ...

Còn tại huyện biên giới Mường Nhé - địa phương nhiều tiềm năng chưa “thức giấc” cũng đang xác định một hướng đi mới cho du lịch của mình. Thực hiện Đề án Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, địa phương này đang nỗ lực tổ chức các hoạt động chinh phục Mốc giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt - Lào - Trung, Đa Tự Păng Pơi (xã Sín Thầu) tạo điểm nhấn cho du lịch của huyện. Đồng thời, lựa chọn một số giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của các dân tộc phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sức cạnh tranh thu hút du khách. Ngoài ra, huyện còn phối hợp để sớm công nhận 9 điểm du lịch; hướng dẫn, xây dựng 15 mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại bản Tả Kố Khừ (dân tộc Hà Nhì) xã Sín Thầu, bản Nậm Là (dân tộc Mông), bản Mường Nhé (dân tộc Thái) xã Mường Nhé. Đồng thời, duy trì, phát triển 1 làng nghề hoặc cơ sở sản xuất về nghề thủ công truyền thống nhằm tạo ra sản phẩm thủ công đặc trưng, phục vụ phát triển du lịch theo hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử; thành lập mỗi xã 1 câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc...

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top