Hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á rộng 22.000ha, có cảnh quan và giá trị sinh thái độc đáo, là điều kiện thuận lợi để Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển du lịch.
Du khách tham quan, khám phá rừng ngập mặn Rú Chá, xã Hương Phong, thành phố Huế bằng thuyền SUP. |
Triển khai Quyết định 1955/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển vùng đầm phá này với việc đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa, nhất là các dự án hạ tầng quan trọng về giao thông, thủy lợi, phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường.
Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định phê duyệt đề cương Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đến năm 2030. Đề án xác định ưu tiên các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thủy sản, phát triển nông nghiệp sinh thái phù hợp đặc thù của vùng đầm phá, đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ lực.
Điểm đến tiềm năng
Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, vùng đầm phá Thừa Thiên Huế có vẻ đẹp riêng với vùng nước mênh mông, trong xanh, phẳng lặng nằm kề các đụn cát chắn phía biển, có các vùng cửa sông, có chim nước cư trú. Cư dân vùng đầm phá có nguồn gốc lâu đời với bản sắc văn hóa đặc biệt - văn hóa của cư dân sống trên mặt nước (mưu sinh trên đầm phá là chủ yếu). Các lễ hội dân gian ở đây khá đặc biệt, gắn với tín ngưỡng, tôn giáo, tinh thần thượng võ của vùng sông nước; một số lễ hội diễn tả khung cảnh sản xuất trên đầm phá và mong muốn sự may mắn bình yên, có vụ mùa bội thu.
Đầm Chuồn còn được gọi là "dải mầu sắc" bởi với mỗi thời điểm trong ngày, đầm lại khoác lên những vẻ đẹp riêng, khi bình yên lãng mạn, khi rực rỡ hút mắt. Buổi sáng đầm Chuồn như một cô gái khoác lên mầu áo cam hồng thì tới trưa chiếc áo lại rực rỡ tươi tắn. Khi chiều tà dần buông, không gian lại mang vẻ đẹp tím hồng đằm thắm rất đặc trưng của xứ Huế. Vào khoảng tháng 4 đến tháng 7, du khách được hòa mình vào bầu không khí náo nức của mùa đánh bắt thủy, hải sản và tham gia vào Lễ hội Thu tế làng Chuồn từ ngày 15 đến 17/7 âm lịch.
Đến phá Tam Giang không thể không ghé qua làng chài Thái Dương Hạ (xã Hải Dương, thành phố Huế). Tại đây, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh khu chợ nhộn nhịp trên phá với những chiếc thuyền nhỏ buôn bán đủ thứ hàng hóa. Chiều xuống, làng chài lại đón những chiếc ghe thuyền trở về sau một ngày đánh bắt thủy, hải sản như cá dìa, cá hanh, cá vượt, cá nâu, cá lệch, cá chình, tôm sú, mực, ghẹ… Đến Thái Dương Hạ, du khách còn có thể ghé thăm đình làng Thái Dương Hạ với kiến trúc uy nghi, cổ kính; chùa Trấn Quốc - ngôi chùa đẹp và cổ nhất phá Tam Giang. Nếu tới đây vào thời gian diễn ra Lễ hội Cầu ngư, du khách còn được tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh, lịch sử, các nghi lễ cổ truyền của dân tộc và trải nghiệm cuộc sống làng chài, tìm hiểu đời sống của bà con miền sông nước.
Mang vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng, rừng ngập mặn Rú Chá là điểm đến ưa thích của nhiều khách du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ. Đây là khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại trên phá Tam Giang với hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Theo tiếng địa phương, "rú" nghĩa là rừng núi, còn "chá" là tên một loài cây mọc chiếm 90% diện tích nơi đây. Ghé thăm Rú Chá (xã Hương Phong, thành phố Huế), du khách sẽ được tận hưởng những phút giây thư giãn trong không gian thoáng mát, yên bình giữa mầu xanh ngắt của các loại cây ngập mặn như sú, mắm, vẹt... và thưởng thức nhiều món ăn chế biến từ tôm, cá tươi ngon.
Đầm Cầu Hai là địa điểm du lịch biển đầy quyến rũ với những du khách yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ. Phía xa là dãy Bạch Mã ẩn hiện cùng mây, tạo nên khung cảnh kỳ vĩ khiến lòng người ngây ngất với rất nhiều cảnh đẹp, đầm Cầu Hai được ví như một báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho Thừa Thiên Huế. Tô điểm cho khung cảnh nên thơ của vùng đầm phá là những con thuyền của hàng trăm hộ dân chài sinh sống rải rác trong đầm. Với nhiều nhiếp ảnh gia và những người ưa "phượt", đầm Cầu Hai là một địa chỉ "bỏ túi" khi đến Huế. Nhiều người tìm đến đầm Cầu Hai để "săn" bình minh, hoàng hôn và trải nghiệm cuộc sống sông nước. Ngao du trên mặt đầm bằng thuyền, du khách có thể làm quen với vô vàn cách đánh bắt thủy sản của ngư dân, được thưởng thức hương vị thơm ngon của những món ăn từ cá, tôm nước lợ đặc trưng.
Những mô hình phát triển du lịch
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1955/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế-xã hội đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển vùng đầm phá này. Một số địa phương tại vùng phá Tam Giang đã tận dụng tốt thời cơ và tiềm năng để phát triển các loại hình kinh tế, đặc biệt là du lịch dịch vụ. Khu vực đầm Chuồn thuộc xã Phú An (huyện Phú Vang) là một thí dụ. Xã Phú An đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn, xây dựng thêm các nhà chồ, nhà hàng phục vụ du khách với các món đặc sản địa phương. Khu du lịch sinh thái cộng đồng đầm Chuồn có diện tích hơn 100ha. Trên mặt nước mênh mông của đầm, du khách có thể thấy những căn nhà chồ độc đáo được dựng từ tre lồ ô có diện tích khoảng 5m2. Đây vừa là nơi sinh hoạt của ngư dân vừa là nơi nghỉ dưỡng, ngắm sao và ăn uống của khách du lịch.
Gần đây, làng chài Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) nổi lên là điểm sáng du lịch cộng đồng vùng đầm phá Thừa Thiên Huế. Từ cuối năm 2021, Hợp tác xã Du lịch được hình thành, gồm 30 thành viên, với mục đích khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang. Các thành viên trong Hợp tác xã kết nối, tổ chức cho du khách các tua tham quan làng bích họa, làng rau, làng nghề mây tre đan, các điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Từ đó, hình thành các tua, tuyến du lịch trải nghiệm như gieo cấy lúa, trồng hoặc thu hoạch hoa màu, bủa lưới, thả lừ, đổ nò, bắt trìa, chèo thuyền SUP trên đầm phá… để du khách hiểu biết thêm về đời sống lao động, sinh hoạt và văn hóa của người dân Quảng Điền.
Nhằm tạo điểm nhấn du lịch cho khu vực Cồn Tộc (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền), Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định triển khai thí điểm kinh doanh dịch vụ ban đêm (kinh tế về đêm) tại khu vực Cồn Tộc. Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km, Cồn Tộc mang vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình, đậm nét yên tĩnh của một vùng quê tại đất Cố đô thơ mộng. Đến với Cồn Tộc, du khách có thể trải nghiệm, ngắm bình minh và hoàng hôn vô cùng thơ mộng. Ngoài ra, du khách có thể check-in bến đò Cồn Tộc, trải nghiệm khu vui chơi Epark-Tam Giang Lagoon và thưởng thức các loại đặc sản tươi ngon trong một không gian trong lành, lãng mạn.
Nhận thức rõ về hiệu quả phát triển du lịch, các địa phương trong vùng đầm phá Tam Giang đã thực hiện khá hiệu quả công tác quảng bá, khuyến khích người dân địa phương làm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Du lịch vùng đầm phá Thừa Thiên Huế đang phát triển với các hoạt động và loại hình du lịch đa dạng, như: Ngắm bình minh và hoàng hôn trên đầm phá; khám phá tìm hiểu các loài thủy, hải sản, các loài chim trên đầm phá; tìm hiểu về các loài động thực vật phục vụ cho mục đích nghiên cứu, học tập; tìm hiểu đời sống của dân cư và hoạt động làng nghề; tắm nắng, nghỉ biển và thể thao trên mặt nước; xe đạp địa hình trên cồn cát; tham quan các di tích lịch sử... Khách du lịch đến vùng đầm phá góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân sinh sống trên đầm, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con vùng đầm phá.
Du khách đi thuyền SUP khám phá đầm phá Tam Giang. |
Giải pháp đẩy mạnh phát triển
Bí thư Huyện ủy Quảng Điền Trần Quốc Thắng cho biết: Phát triển du lịch biển và đầm phá là một trong những chủ trương và định hướng lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong giai đoạn 2020-2025, với quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện từ nông nghiệp dần sang công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Vì vậy, trong giai đoạn này, Quảng Điền tiếp tục kêu gọi tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư khai thác du lịch biển và đầm phá. Đồng thời, huyện sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, kết nối các tua tuyến để thu hút du khách đến với vùng đất giàu tiềm năng văn hóa lịch sử và mến khách này.
Mới đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề cương đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đến năm 2030. Đề án xác định ưu tiên các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển thủy sản, phát triển nền nông nghiệp sinh thái phù hợp đặc thù của vùng đầm phá, đưa du lịch thành ngành kinh tế chủ lực, song hành với việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bảo vệ môi trường, cảnh quan vùng đầm phá; xây dựng vùng bảo tồn đa dạng sinh học, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn gien và phát triển gien của thủy sản tại đây; có chương trình phát triển bền vững sinh kế cho người dân, khai thác loài cá bản địa, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm…
Trong chuyến kiểm tra tại vùng đầm phá mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đã yêu cầu chính quyền các địa phương tập trung rà soát quy hoạch chi tiết, quy hoạch quỹ đất để xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch. Việc phê duyệt quy hoạch và quản lý tốt công tác quy hoạch sẽ tạo tiền đề cơ bản phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù, phát triển sản phẩm theo chuỗi, có thương hiệu. "Hy vọng trong thời gian tới, hoạt động du lịch tại phá Tam Giang-Cầu Hai sẽ có thêm nhiều khởi sắc, mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế-xã hội địa phương và cuộc sống của người dân vùng đầm phá này", ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.